Ninh Bình từ lâu đã nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn, là địa chỉ được nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa du khách trong nước và quốc tế đến tham quan khám phá, trải nghiệm. Thương hiệu Du lịch Ninh Bình ngày càng trở nên nổi bật, có sức lan tỏa lớn với sự hội tụ của nhiều loại hình du lịch (sinh thái, du lịch tâm linh, lịch sử, văn hóa…). Để tiếp tục “làm mới” mình nhằm đẩy mạnh quảng bá những nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, sự kiện “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An” còn mở rộng cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp, đồng thời là dịp để Ninh Bình lắng nghe phản hồi của các doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ những hạn chế, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh hơn nữa.
Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai chia sẻ, sự tăng trưởng của Du lịch Ninh Bình hiện nay có đặc điểm khá giống với Lào Cai, đó là lượng khách nội địa tăng lên rất mạnh. “Bên cạnh mặt tích cực thì sự tác động tiêu cực đến du lịch bền vững là rất đáng ngại, môi trường bị ảnh hưởng, khách tăng nhưng doanh thu du lịch vẫn thấp, tỷ lệ khách lưu trú chưa cao. Vấn đề này Ninh Bình cần sớm có giải pháp khắc phục”, ông Tuyên nhận định.
“Cái hay của Ninh Bình là vẻ đẹp khác biệt không giống với bất kỳ nơi nào, công tác tổ chức du lịch cũng đáng để các địa phương khác học tập, nhưng dường như Du lịch Ninh Bình đang thiếu “cái hồn” trong sản phẩm du lịch, nên chăng những người tham gia du lịch cộng đồng, những người lái đò trên bến Tràng An, Tam Cốc mặc trang phục của người xưa thay vì đồng phục như hiện nay”, ông Tuyên gợi ý.
Anh Bùi Huy Tùng, Vietravel Hà Nội nêu ý kiến, Ninh Bình chưa thu hút được nhiều khách trẻ tuổi mà phần lớn là khách trung tuổi, ngành Du lịch tỉnh cần nghiên cứu đầu tư thêm loại hình cảm giác mạnh, trượt zipline, leo núi… để tận dụng điều kiện địa hình và thu hút đối tượng du khách tiềm năng đến khám phá, lưu trú…
Bên cạnh sản phẩm du lịch, vấn đề cung cách phục vụ, giao tiếp ứng xử của những người dân tham gia làm du lịch với du khách cũng còn nhiều “hạt sạn”. Nói như ông Eiichi Sato, Công ty Star Lotus – doanh nghiệp du lịch Nhật Bản, nếu không kịp thời chấn chỉnh rất dễ dẫn tới tình trạng “khách một đi không trở lại”.
“Làm du lịch cần chú ý đến những chi tiết rất nhỏ nhưng rất quan trọng, ví dụ như trên thuyền nên trang bị áo mưa đề phòng trời mưa bất chợt; hay tại khu vực hang động cần trang bị ánh sáng tốt hơn để du khách nhận biết những điểm trần thấp, tránh bị va đập, thậm chí chấn thương. Tôi thấy Ninh Bình chưa thực sự làm tốt khâu này”, ông Eiichi Sato nói.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Hoàng Thanh Phong ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và cho biết công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức của người dân làm du lịch cộng đồng được triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, cá biệt vẫn có những trường hợp như du khách phản ánh.
Về phát triển sản phẩm du lịch, ông Phong cho biết, từ năm 2017 Ninh Bình đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, các chuyên gia Dự án EU xây dựng Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Ninh Bình đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, sau đó đã có sự điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn. Theo đó, Ninh Bình có 8 không gian du lịch theo phân khu chức năng, hiện tỉnh đang cố gắng giải quyết những vướng mắc tồn tại, trong đó có các giải pháp kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
“Sắp tới, Ninh Bình sẽ có chợ đêm - một loại hình vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm khá thú vị; tại khu vực suối khoáng nóng Kênh Gà – Vân Trình hiện đang xây dựng sân golf 72 lỗ, khu casino, khu biệt thự nghỉ dưỡng…, trước mắt đang hoàn thiện suối khoáng nóng để phục vụ du khách trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng sở hữu 18km bờ biển khu vực Kim Sơn, nơi đây có cồn nổi rộng khoảng 500ha, nằm cách bờ biển 5km, hiện đã hoàn thành 65% tiến độ xây dựng con đường ra cồn, trong thời gian không xa nơi đây sẽ là địa chỉ du lịch rất mới của Ninh Bình”, ông Phong cho hay.
Khu du lịch Tam Cốc dọc hai bờ sông Ngô Đồng trở nên rực rỡ trong mùa lúa chín. Một tấm thảm vàng rực nổi bật giữa màu xanh của cỏ cây hoa lá tạo nên những mảng màu tuyệt đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình. Dòng sông uốn lượn quanh co giữa những dãy núi đá vôi mềm mại uyển chuyển như dải lụa trên vai người thiếu nữ, những chiếc thuyền chở du khách giữa cánh đồng lúa chín vàng trong không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng mái chèo nhẹ buông trên mặt nước. Khung cảnh đắm say, quyến rũ bất kỳ du khách nào ghé thăm… |
Việt Nguyễn
Tạp chí Du lịch 6/2018