Những người "siêu cao"
Thứ hai, 10/07/2006 | 14:03 GMT+7
Như là duyên nghiệp, các nghệ nhân vùng quê Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng, Nam Định đã lỡ dành sự đam mê cho nghệ thuật đi kheo... Dẫu rằng sau những tấm huy chương họ lại trở về là những người nông dân chính hiệu, bận rộn với công việc thường nhật. Họ là những nghệ nhân vô danh giữa triệu triệu thứ nghề.
Đem kheo đi đấu xứ người
Ông Nguyễn Văn Luận nhớ lại: “Năm 1961, huyện Nghĩa Hưng vinh dự được rước Huân chương Thuỷ nông, già Riển và tôi đã vận động anh em trong đội trống của xứ giáo Quần Vinh thành lập đội kheo gần 20 người tham gia biểu diễn. Lúc đầu cũng chỉ là “cây nhà lá vườn”, góp chút vui văn nghệ nhưng rồi được bà con hưởng ứng, “tiếng lành đồn xa”, hội kheo tồn tại từ bấy đến giờ”. Quá trình 45 năm ấy đủ để những thành viên của đội kheo xứ Quần Vinh có một hành trang đầy ắp kỷ niệm. Nếu như thời bao cấp, đội chủ yếu tham gia biểu diễn ở huyện và tỉnh theo châm ngôn “tốt đời đẹp đạo” thì đến nay đội đã được vinh dự tham gia nhiều sự kiện văn hóa - du lịch lớn của cả nước.
Cho đến tận bây giờ các thành viên trong đội vẫn chưa nguôi niềm vui sướng và những dư vị của hạnh phúc khi kể về lần tham dự SEA Games 22. Có lẽ trong ký ức những người được “đem kheo đi đấu xứ người” đây là thời khắc vinh quang nhất. Tại đại hội thể thao của khu vực lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam này có tất cả 27 huy chương vàng cho các đoàn nghệ thuật tham gia thì đội kheo xã Nghĩa Thắng đã đạt được 3 chiếc, một chiếc cho đội và hai chiếc cho huyện và tỉnh, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách đến từ các nước Đông Nam Á.
Điều đặc biệt mà cũng là phong cách vượt trội của đội kheo Nghĩa Thắng khiến các thành viên có thể “chinh Nam dẹp Bắc” chính là khả năng diễn trò điêu luyện. Nếu như đội kheo các tỉnh khác chủ yếu chỉ biết đi diễu hành thì những “nghệ sỹ” xứ Quần Vinh có thể vừa diễu hành vừa diễn các trò chơi dân gian như: mời trầu, hát quan họ, ru con... thậm chí là nhảy van, thể dục nhịp điệu và đá bóng.
Những nghệ nhân vô danh
Người dân ven biển xứ Quần Vinh không còn nhớ chính xác đôi cà kheo gắn bó với họ tự khi nào, chỉ biết rằng nó đã trở thành một “công cụ” không thể thiếu với những người đi biển. Cụ Nguyễn Văn Luận, người có gần 70 năm gắn bó với đôi kheo cho biết: “Từ xưa khi các phương tiện đánh bắt như tàu thuyền, ghe lưới... chưa phong phú và phát triển như bây giờ, người dân vùng biển Nghĩa Thắng đã biết sử dụng đôi cà kheo cao từ 1,8 - 3m để đánh bắt xa bờ. Lúc đầu, đó chỉ là sáng kiến của một số người nhưng rồi sau đó cà kheo trở thành một phương tiện đánh bắt truyền thống”.
Từ một phương tiện sản xuất, đôi cà kheo đã đi vào đời sống, nhanh chóng trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân vùng Nghĩa Thắng. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, họ quý trọng và gìn giữ nó như “báu vật gia truyền”.
Tuy nhiên, để nghệ thuật đi cà kheo ngày càng trở nên gần gũi và không lạc lõng trong cuộc sống hiện đại, những “nghệ nhân chân đất” xứ Quần Vinh đã phải làm việc và tập luyện hết mình. Không chỉ biết biểu diễn những nghi thức cũ, họ đã ngồi lại với nhau và quyết định “thổi” vào truyền thống luồng không khí mới của thời hiện đại. Để rồi, không chỉ đi bộ diễu hành trên những “đôi chân” hai, ba mét mà họ còn có thể nhảy múa, khiêng kiệu, hóa trang giả nữ hát quan họ rồi đá banh.
Anh Nguyễn Văn ánh, người có gần 30 năm gắn bó với đội kheo cho biết: “ở dưới mặt đất, nếu các động tác mình thể hiện được 100% thì trên đôi cà kheo các thao tác ấy cũng thể hiện được 70 - 80%. Đi quen rồi nên cảm giác cũng chính xác hơn...”
Mặc dù đã đạt đến “đỉnh cao” của kỹ thuật và phong độ, song trên độ cao từ 2 - 4m, nếu như không may trượt ngã, thì tính mạng những nghệ sỹ đi kheo có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Những nghệ sỹ xiếc, những nhà ảo thuật dù sao cũng có bảo hiểm còn với những nghệ nhân chân đất này, bảo hiểm duy nhất của họ chính là tài năng, kinh nghiệm và trên hết là lòng dũng cảm.
Đừng để làng kheo chỉ còn “vang bóng”
Điều khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ là 28 thành viên của đội, những người có hàng mấy chục năm gắn bó với đôi cà kheo, luôn có mặt kịp thời ở những sự kiện lớn của quê hương, đất nước vẫn chỉ là những “anh ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, không thuộc một tổ chức chính thống nào. Tổ chức hội vẫn chỉ là tự phát, chủ tịch hội cũng do các thành viên trong đội tín nhiệm bầu ra. Kinh phí thì do các thành viên tự đóng góp.
Anh Nguyễn Văn ánh tâm sự: “Suốt mấy năm gần đây hội không kết nạp được một thành viên trẻ tuổi nào. Thế hệ chúng tôi vì trót đam mê nên không thể nào dứt ra được. Nhưng nếu cứ cái đà này thì đến một ngày không xa, nét đẹp văn hóa truyền thống, vốn là đặc trưng của vùng quê Nghĩa Thắng sẽ mai một bởi không còn người nối tiếp”.
Khi mang đôi kheo ra đi một vòng cho chúng tôi chụp ảnh, anh Nguyễn Văn ánh vẫn còn say mê kể về những kỷ niệm với khán giả người nước ngoài trong những dịp đoàn đi biểu diễn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Họ thích thú, thán phục và không che dấu nổi sự ngạc nhiên trước tài nghệ của những nghệ nhân “siêu cao”. Rồi anh mơ đến những chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài. Liệu mơ ước đó có trở thành hiện thực?!
THẢO TRÂM