Theo lịch sử ghi lại, vào năm 1617, vị Đạt lai Lạt ma thứ 4 mất. Vị Đạt lai thứ năm được lựa chọn lên kế vị có tên Losang Gyatso, là một nhà học giả uyên thâm, một kiến trúc sư tài ba. Đạt lai Losang Gyatso là người cho khởi công xây dựng cung điện Potala trên nền cung điện cũ. Công trình điện Potala được xây dựng trong gần 50 năm, từ năm 1644 đến năm 1692. Căn cứ vào sử liệu kiến trúc cung điện Potala ghi chép lại, khi đức Đạt lai Losang Gyatso trùng tu cung điện Potala thì mỗi ngày có hơn 7.000 người lao động làm việc trên công trường này. Sau đó, trải qua các đời Đạt lai Lạt ma tiếp theo, cung điện Potala tiếp tục có sự phát triển rộng và có quy mô như ngày nay. Trước khi Đạt lai Losang Gyatso mất khi công trình xây dựng Potala còn dang dở. Ông ra lệnh cho vị phụ chính không được thông báo cho đến khi Potala hoàn thành. Vị phụ chính giữ lời, cho người giả dạng Đạt lai Losang Gyatso trong các cuộc tiếp kiến, mãi 13 năm sau khi cung điện Potala hoàn thành mới công bố cái chết của ông.
Cung điện Potala là ngôi đền lớn nhất Tây Tạng có 13 tầng, độ cao cách mặt biển là 3.756m, diện tích khoảng 130.000m2 được xây toàn bằng đá. Cung điện Potala có hơn 1.000 phòng, trong đó Kim Loan điện l nơi đồ sộ nhất, có thể chứa 5.000 người trong những dịp lễ long trọng. Ngôi điện màu đỏ có tên Hồng cung nằm trên cao, ngôi màu trắng nằm ở phía dưới. Hồng cung là khu vực trung tâm của Potala, nơi thờ tự thiêng liêng nhất của Potala gồm các giảng đường, linh tháp điện; hai bên có tên gọi Bạch cung là nơi sinh hoạt của Đạt lai Lạt ma. Các bức tường được xây nghiêng vào phía trong, các cửa sổ ở phía dưới rộng hơn còn phía trên thon nhọn, trông giống đỉnh một ngọn đồi. Tường của cung điện dày từ 1m trở lên, có chỗ dày đến 5m. Trên những vách của điện đường to lớn đều có các bích họa với những màu sắc rực rỡ, gồm tổng cộng 698 bức. Các bích họa trong cung điện Potala được bắt đầu vẽ vào năm 1648 và 10 năm sau mới hoàn thành. Để thể hiện các bức họa, 63 danh họa hàng đầu trong khắp Trung Quốc thời đó đã được mời về Lhasa để thực hiện sơn họa trong cung Potala. Trong những bức họa này có những bức cao 5,6m và dài hàng chục mét.
Potala là một kho tàng của nghệ thuật tôn giáo và là nơi cất chứa không biết bao nhiêu tượng vàng. Trong cung Potala còn bảo tồn 8 tòa linh tháp của Đạt lai Lạt ma đời thứ 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13. Xung quanh linh tháp của đức Đạt lai Losang Gyatso còn có các phật đường, trong đó chứa các bản chép tay của Đại tạng kinh theo nhiều chủng loại: y dược, lịch sử, văn học, danh nhân truyện ký, văn pháp… Ngoài ra còn có kinh thư của 3 loại văn tự: Hán, Mãn, Mông cổ. Những thứ kinh sách cổ tịch này số lượng không dưới hơn 20.000 quyển. Trong Potala, các kinh điển quý đều được bọc bằng lụa đỏ hay vàng, chứa trong các khung gỗ đặt cao, du khách không được chạm tới. Trong các tháp còn có rất nhiều di vật của các vị cao tăng nhiều đời và rất nhiều kinh văn được viết trên lá bối cùng các trân bảo được chôn cất theo.
Cung điện Potala là toà dinh thự thiêng liêng nhất ở Tây Tạng. Các tín đồ Lạt ma giáo ngoan đạo thường đi bộ quanh cung điện hàng năm ít nhất một lần. Họ đi theo chiều kim đồng hồ để lúc nào cung điện Potala cũng ở bên phải vì theo quan niệm của người Tây Tạng, Potala là hiện thân của mọi sự tốt lành. Theo bình chọn trên mạng internet, Potala là một trong 7 kỳ quan thế giới còn hiện hữu cho đến ngày nay.
HẢI LÊ