Cần làm mới những điểm đến du lịch truyền thống Việt Nam
Cần làm mới những điểm đến du lịch truyền thống Việt Nam
Thứ hai, 10/07/2006 | 14:02 GMT+7
Những năm đầu thế kỷ 21, kỳ vọng của những nhà lãnh đạo ngành Du lịch và cộng đồng làm du lịch Việt Nam cũng như mỗi người dân về việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người chúng ta ra thế giới ngày một lớn hơn. Và thực tế, hình ảnh Du lịch Việt Nam được quảng bá tới thế giới một cách tập trung và rộng khắp bởi các website, các kênh truyền phát HF, VHF và vệ tinh với sự tham gia của nhiều hãng truyền thông quốc tế, Việt Nam bước đầu được nhìn nhận như một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, an toàn và thân thiện. Điều này gợi mở những hướng khai thác mới đối với tiềm năng du lịch vùng núi - biển phía Bắc nói riêng và toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung, khi mà một số điểm đến truyền thống và nổi tiếng của chúng ta đã không còn đủ mới lạ để gọi mời du khách quốc tế đến với Việt Nam lần thứ hai.
Ở bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến đòi hỏi phải "làm mới" những điểm đến du lịch truyền thống của Việt Nam bằng việc đa dạng hóa loại hình du lịch thông qua nghiên cứu trường hợp tại Sa Pa - Lào Cai và Hạ Long - Quảng Ninh.
Có thể nói, Sa Pa - Lào Cai và Hạ Long - Quảng Ninh điển hình cho hai điểm đến du lịch nổi tiếng phía Bắc Việt Nam, bởi địa thế, cảnh quan, tài nguyên nhiên nhiên ngoạn mục, tài nguyên nhân văn đa sắc, khí hậu đặc biệt và dễ chịu, con người hiền hòa và mến khách, những dấu ấn văn hóa lịch sử lâu đời... Đến nay, hàng triệu lượt du khách đã đến Hạ Long, nơi hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới và loại hình du lịch phổ biến nhất vẫn là thăm Vịnh bằng tàu, thuyền. Cuối những năm 90, những tuyến cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định đã hình thành. Du khách có thể lựa chọn các chuyến thăm Vịnh từ 4 - 7,8 tiếng qua những điểm cơ bản như các động Thiên Cung, Đầu Gỗ, Gà Chọi, Đỉnh Hương, Sửng Sốt, Ti Tốp... Ngoài ra, các dịch vụ khác cả trên bờ và dưới nước đều không có gì nổi bật.
Là một huyện vùng cao phía Bắc tỉnh Lào Cai, nằm phía sườn Đông dãy Hoàng Liên Sơn, Sa Pa với độ cao tuyệt đối 1500m được người Pháp phát hiện từ đầu thế kỷ trước và cho xây dựng khu nghỉ mát khá sầm uất. Qua nhiều biến cố lịch sử, bị tàn phá, Sa Pa gần như bị lãng quên cho đến đầu những năm 90 được xây dựng trở lại và đang nỗ lực tìm lại hình ảnh thơ mộng của "xứ mận xứ đào" với bốn mùa khí hậu luân chuyển trong một ngày. Loại hình du lịch chủ yếu ở đây vẫn là nghỉ dưỡng và thăm thú đời sống dân tộc vùng cao thiểu số Việt Nam. Đặc biệt, đối với khách nội địa, các tour du lịch dường như chỉ gói gọn ở các dịch vụ chính và thăm quan một vài điểm quen thuộc như Thác Bạc, Cầu Mây, chợ, nhà thờ, khu du lịch Hàm Rồng... thêm chút cảm nhận bản dân tộc Cát Cát cách Sa Pa vài chục phút đi bộ. Nói chung hoạt động du lịch ở đây đã đáp ứng được nhu cầu của một số đông du khách đến Sa Pa. Nhưng chính sự thụ động trong việc tổ chức của các cơ sở du lịch và sự thụ động trong khuynh hướng du lịch thụ hưởng của du khách mà chủ yếu là du khách nội địa đã làm cho hình ảnh du lịch Sa Pa thiếu đi sức hấp dẫn một cách không đáng có.
Trong những năm đầu thế kỷ 21 này, với sự năng động ban đầu, vịnh Hạ Long và Sa Pa đã chuyển mình một bước, xóa đi cái cảm giác đơn điệu của những tour du lịch với lộ trình quen thuộc, dịch vụ thiếu đa dạng, cung cách và thái độ phục vụ thiếu đổi mới, sáng tạo. Đây là một tín hiệu mừng, và sẽ là bài học cho những điểm du lịch truyền thống khác của Việt Nam đang bị "cũ hóa" trong con mắt du khách, đặc biệt là du khách quốc tế vốn có nhu cầu rất cao.
Đa dạng hóa loại hình du lịch
Đưa vào khai thác những loại hình du lịch ở trình độ cao, khai thác những mặt còn ẩn giấu của tài nguyên, đảm bảo tính sinh thái - bền vững, không tương khắc với cộng đồng - là cách mà nhà quản lý và đặc biệt là những nhà kinh doanh du lịch ở Hạ Long và Sa Pa đã làm và đang mang đến hình ảnh mới cho du lịch của hai điểm đến này, cũng là mang đến cho du khách sự háo hức khám phá một hình ảnh mới của Việt Nam.
Kayaking tour (đối với vịnh Hạ Long) và trekking tour (đối với Sa Pa) chính là hai loại hình du lịch có thể coi là điểm nhấn hiện tại, cũng là mấu chốt của biện pháp làm "mới hóa" hai điểm đến truyền thống này.
1. Hạ Long với kayaking tours
Kayaking tour là một loại hình du lịch thể thao - mạo hiểm có sử dụng phương tiện là thuyền kayak để di chuyển, khám phá những vùng nước hẹp, sông, suối, vịnh và trên biển. Kayaking tour đòi hỏi du khách phải dùng tay chèo thuyền để tự thẩm nhận, khám phá thiên nhiên điểm đến. Rõ ràng, điểm đến của du lịch kayaking phải mới lạ, ít bị tác động và tiếp cận của con người. Vịnh Hạ Long với hàng ngàn đảo đá, hang động, với rất nhiều trong số đó còn chưa được con người đặt tên, chắc chắn sẽ hứa hẹn với du khách những khám phá cá nhân đáng giá.
Một đặc điểm của kayaking tour là chứa đựng những yếu tố mạo hiểm. Du khách được tham gia vào các hoạt động bằng chính sức lực của mình, họ trở thành những vận động viên không chuyên. Và việc xử lý những tình huống mạo hiểm, với những kỹ năng sống vốn có và được cung cấp, với những phương tiện an toàn được đảm bảo tới mức tối đa, sẽ trở thành một kỷ niệm khó quên của du khách. Đó là giá trị của chuyến du lịch mà du khách muốn được trải nghiệm và thu nhận.
Vào năm 1996 - 1998, kayaking tour chính thức xuất hiện ở Hạ Long đáp ứng nhu cầu một bộ phận du khách chuyên biệt. Đến nay, kayaking tour đã được khai thác thường xuyên bởi nhiều hãng lữ hành tên tuổi, tiêu biểu nhất là Buffalo và Handspan. Du khách có thể mua kayaking tour từ 2 ngày đến 7 ngày được thiết kế khá đa dạng có tính đến nhu cầu riêng của du khách khám phá vịnh Hạ Long.
Như vậy, sự xuất hiện của kayaking tour càng làm nổi bật hơn vẻ đẹp độc đáo, đặc sắc của vịnh Hạ Long với những vũng nước kín, những hang tối, các bãi tắm hoang sơ được du khách tự khám phá, những nơi mà trước đây với thuyền to du khách không thể tiếp cận được. Càng khám phá vịnh Hạ Long, du khách càng bị thuyết phục bởi những vẻ đẹp tiềm ẩn cần phải được tiếp tục khám phá trong những lần tới Việt Nam tiếp theo.
2. Sa Pa với trekking tour
Trong lịch sử phát triển các loại hình du lịch, trekking tour là một loại hình tương đối mới, khởi phát từ châu Âu vào khoảng những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 và mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng những năm 90 (thế kỷ 20). Trên phạm vi thế giới nói chung và Việt Nam, trekking tour lại có được sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trở thành một trong những loại hình du lịch có sức hấp dẫn nhất hiện nay.
Trekking tour là loại hình du lịch đi bộ mạo hiểm.
Do vậy, tour này mang tính thách thức bởi độ dài và những tình huống mạo hiểm, đòi hỏi sự nỗ lực cao về sức khỏe, tinh thần và vật chất của người thực hiện. Chính yếu tố mạo hiểm lại là sự lựa chọn của du khách ưa thích du lịch chủ động, và nét độc đáo của trekking tour là ở đó.
Trekking tour là loại hình đặc biệt thích hợp với các Vườn quốc gia, các Khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là những nơi hay vùng sinh thái đòi hỏi vấn đề bảo tồn được đặt lên hàng đầu, nên chỉ phát triển hệ thống đường mòn, các điểm dừng chân, cắm trại mà không xây dựng đường giao thông, cơ sở lưu trú trong các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái.
Du lịch Sa Pa vài năm gần đây đạt tốc độ phát triển khá cao, số lượng khách nội địa và khách quốc tế đến Sa Pa ngày càng gia tăng. Khách quốc tế đến Sa pa chủ yếu theo loại hình trekking tour đến các bản làng để tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số và khám phá thiên nhiên trong Vườn quốc gia Hoàng Liên. Điều tra cho thấy tỷ lệ khách nội địa đến Sa Pa với động cơ tham gia trekking tour là rất ít (3%), chủ yếu là đến Sa Pa với lý do: khí hậu và nghỉ ngơi (96%), cảnh quan (82%), thăm bản làng các dân tộc thiểu số (57%). Ngược lại, du khách quốc tế đến Sa Pa tham gia trekking tour là rất cao (41%). Số khách còn lại đến Sa Pa với các lý do khác: cảnh quan (92%), thăm bản làng các dân tộc thiểu số (84%), nghỉ ngơi (9%). Nắm bắt được xu thế chuyển dần từ du lịch thụ động sang chủ động, Sa Pa rõ ràng đang tự "làm mới" mình.
Hiện nay, Sa Pa đang khai thác khoảng 10 tuyến trekking tour khác nhau với sức hấp dẫn riêng, có tới 6 tuyến được khai thác trong Vườn quốc gia Hoàng Liên. Các tuyến này được khai thác trên cơ sở điểm đến là các làng bản và có đi qua một số hệ sinh thái của Vườn quốc gia. Trong đó có một tuyến có sức hấp dẫn đặc biệt, chinh phục đỉnh Fansipan, cao 3143m - nóc nhà của Đông Dương, là không đi qua làng bản nào ngoại trừ điểm xuất phát. Toàn bộ chuyến đi sẽ phải xuyên rừng, vượt dốc. Du khách sẽ tận mắt chứng kiến sự đa dạng và phong phú của hệ thực vật cùng với các kiểu thảm thực vật thay đổi theo đai cao, tính đa dạng của sinh thái, cảnh quan. Dân cư địa phương có thể tham gia du lịch rất hữu hiệu vào trekking tour và có lợi cho chính họ như làm nhân viên khuân vác, nấu ăn, dẫn đường, tổ chức ngủ bản (homestay), bán đồ thủ công cho du khách...
Một số kết luận ban đầu
- Hiện nay, sự chuyển hóa các khuynh hướng nhu cầu du lịch rất đa dạng và nhanh chóng. Đặc biệt là xu hướng chuyển hóa từ du lịch thụ hưởng sang du lịch chủ động với tính tích cực vận động, tính trách nhiệm đối với môi trường và nhu cầu được trải nghiệm của du khách. Nắm bắt để cung ứng và tiếp cận phù hợp là một yêu cầu rất quan trọng đối với chính quyền địa phương và những nhà đầu tư, kinh doanh tại điểm đến.
- Những điểm đến truyền thống đã được khẳng định là "vốn" quan trọng cho sự phát triển du lịch của mỗi quốc gia, giúp định hình hình ảnh du lịch của quốc gia đó. Tuy nhiên, sẽ chỉ duy trì một hình ảnh duy nhất nếu các điểm đến truyền thống đó không được "làm mới" trong khi còn khả năng chưa khai thác hết.
- Tính đa dạng (diversity) của văn hóa và thiên nhiên Việt Nam đã và đang được thế giới công nhận. Tuy nhiên, nếu đã đến Việt Nam một lần, du khách thường cảm nhận sự thiếu đa dạng trong các loại hình du lịch. Điều này làm giảm giá trị của tài nguyên.
- Mỗi khi tiếp cận các công cụ truyền thông để có thông tin về Việt Nam thì dù đã qua nhiều năm, Việt Nam vẫn chỉ có một hình ảnh du lịch như thế. Họ gần như buộc phải chuyển sang sự lựa chọn điểm đến khác.
- Sự tham gia tích cực, ủng hộ cả về chủ trương và trực tiếp đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng mô hình, khuyến khích các nhà kinh doanh của chính quyền tại hai điểm đến vịnh Hạ Long và Sa Pa cho thấy đây là điều kiện rất quan trọng, bên cạnh điều kiện tiên quyết là tài nguyên du lịch, để phát triển những hướng đi mới, khắc phục tính mùa vụ, kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm du lịch... thực chất là việc "làm mới" hai điểm du lịch truyền thống đó.
- Từ thực tế của vịnh Hạ Long và Sa Pa, cần học tập để áp dụng cho các điểm đến truyền thống khác có điều kiện, tuy nhiên cũng cần tổng kết hiện trạng tại hai điểm đến này để rút kinh nghiệm khắc phục những yếu kém tồn tại.
- Hướng vào chiều sâu, phát triển hoạt động kinh doanh, phục vụ tổ chức tour du lịch có tính chuyên nghiệp, quan tâm đến các mục tiêu bền vững, các đối tượng cần được hưởng lợi, chọn lựa và tập trung vào những thị trường mục tiêu sẽ là hướng đi quan trọng của các nhà kinh doanh du lịch tại những nơi này, hơn là hướng vào số lượng khách, ở mọi đối tượng như cách làm du lịch ồ ạt những năm trước đây.
Bài viết hy vọng nêu thêm một cái nhìn về hiện trạng và tính cấp bách của việc xây dựng hình ảnh du lịch luôn mới của một điểm đến - một công việc quan trọng của xúc tiến Du lịch Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 21.
TRỊNH LÊ ANH