Kẹo gương xuất xứ từ thị trấn Thu Xà, cách thị xã Quảng Ngãi chừng 10km về hướng Đông. Có người cho rằng, loại kẹo nổi tiếng này có nguồn gốc từ Triều Châu, Trung Quốc, được du nhập vào cảng Thu Xà từ thế kỷ 17 với tên gọi ban đầu là kia thứng hay pô lý thứng. Kẹo gương từng được vua Lê Trung Tông (thời nhà Lê trung hưng) dùng làm món ăn tráng miệng trong triều nội. Tại Quảng Ngãi, nghề làm kẹo gương phổ biến khắp nơi nhưng chỉ có kẹo gương sản xuất ở Thu Xà mới có hương vị thơm ngon đặc biệt. Chỉ với đường cát trắng, mạch nha, mỡ heo, mè và đậu phụng, người dân xứ Quảng đã làm nên loại đặc sản lạ miệng được mọi giới ưa thích.
Nói đến kẹo gương không thể bỏ qua mạch nha – món ăn tráng miệng nhiều sinh tố bổ dưỡng rất thích hợp với những người yếu dạ dày. ở Quảng Ngãi, nghề nấu mạch nha xuất hiện đầu tiên ở làng Thi Phổ từ đầu thế kỷ 20. Mạch nha cũng là một loại kẹo đường, rất giống loại đường non của mật mía mới ra lò, có màu vàng sẫm, vị ngọt thanh, thơm ngon mùi nếp do được làm từ bột mộng lúa già, nếp đồ xôi cô đặc. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng vị ngọt thanh của mạch nha lại hoàn toàn là vị ngọt của nếp và mộng lúa chứ không phải của đường.
Ngoài ra, Quảng Ngãi còn nổi tiếng với hai đặc sản đường phổi, đường phèn hiện có mặt trên khắp các thị trường Trung - Nam - Bắc. Đường phổi được nấu từ đường mật ở nhiệt độ cao, người ta phải cho nhiều dầu phụng để làm trơn đường, nước vôi tinh lọc để loại bỏ tạp chất và cho thêm trứng để tạo hương vị. Thông thường cứ 100kg đường mật sẽ cho 80kg đường phổi. Những miếng đường phổi hình vuông, hình chữ nhật xinh xắn, trong trẻo màu vàng sẫm hay màu vàng đất sét thường gây ấn tượng đối với thực khách. Nhiều cụ già rất thích vừa ăn đường phổi vừa nhâm nhi ly trà đậm trên tay, bởi vì đường phổi rất giòn, lại có vị ngọt thanh nên có thể ăn nhiều không ngán.
Đường phèn làm từ đường cát trắng, vôi bột đã tinh lọc, dầu phụng và trứng gà. Người ta đổ ra khuôn thành khối lớn, sau đó đập vỡ ra từng khối nhỏ đủ dạng bằng ngón tay cái, bán lẻ từng thanh nhỏ hay cân thành kilôgam. Đường phèn ngọt thanh, trong suốt và rất rắn chắc, thường được chưng với các loại thảo dược để chữa trị bệnh ho và viêm phế quản.
Nổi tiếng khắp cả nước chẳng thua gì cốm Vòng ở đất Bắc là đặc sản cốm Quảng - loại bánh được bán quanh năm ở các chợ quê, chợ tỉnh nhưng nhiều và có chất lượng nhất vẫn là bánh cốm được bán vào dịp Tết. Cốm Quảng nhẹ tênh, khi ăn thấy có vị ngọt thanh và thơm mùi nếp; đặc biệt vì có thể để lâu không hỏng nên thường được dùng làm quà cho người thân ở phương xa.
Nếu muốn thưởng thức hương vị mặn mà của món ăn bình dân nhưng rất hấp dẫn và lạ miệng, du khách đừng bỏ qua món don được chế biến từ loại hến nhỏ, sống nhiều ở sông Trà và sông Vệ. Người ta lấy ruột con hến nấu thành nước ngọt, thêm vào chút hành, ngò, tiêu, ớt, thế là đã có tô don quá ngon; có thể ăn với bún, nhưng khoái khẩu hơn cả vẫn là ăn với bánh tráng nướng.
ở Xuân Phổ, Mỹ Thịnh, Ba La bắt đầu từ tháng chạp cho đến tháng hai, tháng ba âm lịch, khi mía đã trổ cờ, thịt chim lại được bán đầy chợ quê. Thực khách có thể thưởng thức tại hàng quán hoặc mua về nhà chế biến. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần nướng thịt chim trên lò hay đem rán vàng nguyên cả con. Xương chim giòn giòn, cái đầu béo ngậy, thịt ngọt, thơm ngon ăn mãi không chán.
Trước khi rời xứ Quảng, du khách đừng quên thưởng thức món cá bống sông Trà kho để cảm nhận phần nào nỗi nhớ chân chất của những người con xa quê trong câu ca dao quen thuộc:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu
Trong nhiều loại cá bống sông Trà như: cá bống mú, cá bống đầu vồ…, ngon nhất vẫn là cá bống cát kho tiêu ăn với cơm gạo trắng. Vì thịt cá bống lành và đậm đà nên thường được dùng làm quà cho các bà, các cô “nằm chỗ”.
NGUYỄN NHÂN THỐNG