Khuyến khích đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp trên địa bàn Hà Nội
Khuyến khích đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp trên địa bàn Hà Nội
Thứ hai, 10/07/2006 | 14:02 GMT+7
Theo số liệu thống kê của Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch, tính hết tháng 5/2006, cả nước có 6000 khách sạn (KS) với trên 130.000 phòng. Mặc dù vậy, các KS cao cấp còn quá ít. Đến nay, cả nước mới chỉ có 18 KS 5 sao (chiếm 1,2 % tổng số) với 5.700 phòng, 41 KS 4 sao với trên 4000 phòng, 116 KS 3 sao với 8.400 phòng.
Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về lượng khách quốc tế, song cho đến nay mới chỉ có 420 cơ sở lưu trú với 12.500 phòng, trong đó, mới có 166 KS đã được xếp hạng sao với 8.330 phòng. Trong số này, các KS có quy mô từ 3 sao trở lên chỉ chiếm 20,4%. Số phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên chỉ chiếm 57,5% và chiếm 38,5% tổng số phòng trên địa bàn Hà Nội. Số phòng KS cao cấp vẫn không đáp ứng đủ so với nhu cầu của khách, nhất là vào những dịp diễn ra các sự kiện lớn.
Được biết, từ đầu năm đến nay công suất sử dụng buồng phòng của các KS cao cấp tại Hà Nội đạt từ 85 - 90%. Giá phòng cũng tăng lên đáng kể (khoảng 20 - 25% so với năm 2005). Tuy giá phòng luôn ở mức cao song các hãng lữ hành cũng rất khó khăn trong việc đặt phòng, từ nay đến hết tháng 12/2006, về cơ bản phòng của các KS cao cấp đã được đặt kín, một số KS đã bắt đầu chào giá của năm 2007.
Tình trạng khan hiếm phòng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch, các số liệu cho thấy, mặc dù Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về lượng khách du lịch quốc tế, song lượng khách quốc tế năm 2005 mới đạt 1 triệu lượt. Tỷ lệ khách quốc tế đến từ các nước trong khu vực đạt thấp. Ngay như thị trường lớn như Trung Quốc, các hãng lữ hành cũng chỉ khai thác được một lượng khách khiêm tốn đi du lịch đường bộ qua các cửa khẩu biên giới; thị trường Nhật Bản hàng năm có tới 20 triệu lượt người đi du lịch ra nước ngoài, song Hà Nội mới chỉ đón được xấp xỉ 200.000 lượt, tỷ lệ lưu trú đạt thấp. Nguyên nhân chính là do chất lượng dịch vụ, chất lượng lưu trú chưa đáp ứng được yêu cầu của khách. Theo bà Cao Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, nguyên nhân của việc chậm trễ trong việc phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp là do liên quan đến nhiều yếu tố như quỹ đất, địa điểm, vốn, nhà đầu tư…
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo cơ chế chính sách thông thoáng thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này, vừa qua UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quy chế số 78/2006/QĐ-UBND ngày 25/5/2006 khuyến khích đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp (4 sao và 5 sao) trên địa bàn TP. Hà Nội.
Đối tượng được khuyến khích đầu tư là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi như thuê đất theo cơ chế thẩm định nhu cầu sử dụng đất mà không phải tham gia đấu thầu, không phải trực tiếp thực hiện các thủ tục về đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn thuê đất tối đa là 50 năm, đồng thời được hưởng những ưu đãi khác về thuế, hạ tầng kỹ thuật…
Hiện Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc giới thiệu một số địa điểm xây dựng KS để trình UBND Thành phố đưa vào kế hoạch sử dụng đất 2006 - 2010, đây là căn cứ để các nhà đầu tư có nhu cầu lập các dự án đầu tư.
PV