|
Chuyên gia Damian Meragues cùng BQL Dự án trao đổi với đại biểu tham dự hội nghị |
Để tiến hành công tác nghiên cứu, Dự án đã thực hiện hơn 90 cuộc phỏng vấn với các đối tượng đang làm việc trong lĩnh vực du lịch; điều tra xã hội học với 3000 khách du lịch tại các cửa khẩu, khách du lịch tiềm năng tại các hội chợ quốc tế, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc; nghiên cứu về đặc tính của thị trường, thị trường tiềm năng; nghiên cứu vị thể cạnh tranh và các đối thủ cạnh tranh; phân tích tổng thể các nguồn tài nguyên, dịch vụ du lịch hiện có; báo cáo về cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, hãng hàng không, thực trạng du lịch các địa phương, nguồn nhân lực du lịch… Bên cạnh đó, Dự án đã tạo lập một mạng lưới trên toàn quốc là các nhóm MC (Marketing and Competitiveness) gồm các nhà quản lý, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác có liên quan như hệ thống cơ sở hạ tầng, di sản văn hoá và di sản thiên nhiên cùng bàn bạc, trao đổi để đạt được thỏa thuận, đưa ra đề xuất nhằm đảm bảo phát triển du lịch bền vững và có thể kiến tạo những cơ hội, lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Ban Quản lý Dự án đã thành lập 9 nhóm MC: vùng Tây Bắc, Đông Bắc, duyên hải phía Bắc, Hà Nội và phụ cận, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và phụ cận, ĐBSCL và cực Nam với tổng số trên 600 đại biểu của 63 tỉnh thành phố.
TS. Trương Sỹ Hoàng – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân – thành viên nhóm cố vấn Dự án khẳng định: “Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy với văn hóa giàu bản sắc, lâu đời và phong phú với những khu vực tự nhiên tuyệt đẹp được bảo tồn và những bãi biển tráng lệ. Một Việt Nam mới đầy sức sống, mạnh mẽ mang đến cho khách du lịch toàn thế giới lòng mến khách nồng ấm nhất với rất nhiều lựa chọn cho các sở thích du lịch khác nhau”. Tuy nhiên trên thực tế, Du lịch Việt Nam hiện không thực sự “bán hàng” bởi vì chúng ta không giới thiệu được các sản phẩm du lịch đa dạng. Do vậy, yêu cầu đặt ra của Dự án nhằm xây dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam gợi ra được thực tế đa dạng và phong phú của đất nước, điều này phải được thể hiện xuyên suốt khi tiếp cận với từng thị trường tiềm năng.
Theo nghiên cứu của Dự án, xu hướng khách hàng trong tương lai thường “nóng vội”, yêu cầu thông tin được cung cấp nhanh, đầy đủ, chính xác; tìm kiếm kinh nghiệm, trải nghiệm qua chuyến du lịch; ít trung thành với điểm đến đã quen thuộc, tìm kiếm mối quan hệ hợp lý giữa chất lượng và giá cả; giá cả vẫn là yêu tố then chốt, lựa chọn các kỳ nghỉ ngắn và thường xuyên hơn; hướng đến du lịch nội địa và du lịch trong vùng; hạn chế đặt trực tiếp và gia tăng đặt qua mạng, gia tăng các tour tự thiết kế so với các tour trọn gói truyền thống dành cho số đông; nhu cầu bảo vệ, tăng cường chăm sóc sức khoẻ; năng động hơn trong các chuyến du lịch: hoạt động ngoài trời, tìm hiểu văn hoá, giao tiếp với cộng đồng dân cư bản địa. Từ những nghiên cứu này, Dự án đề ra kế hoạch marketing riêng cho từng thị trường, từng đối tượng khách cụ thể dựa trên một khẩu hiệu chung New Vietnam Smiles. Theo chuyên gia tư vấn AECID Damian Moragues, thông qua thông điệp New Vietnam Smiles, đối với mỗi thị trường chúng ta cần có thông điệp với từng loại sản phẩm rõ ràng hơn. Với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, khẩu hiệu được đề ra trong Dự án là bạn bè gần gũi (close friends); thị trường Đông Nam Á và Thái Bình Dương gồm Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Autralia là gần, an toàn và thân thiện (near, safe and friends); các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga là đất nước an toàn và kỳ thú (safe and exotic). Bên cạnh các khẩu hiệu cho mỗi thị trường, các sản phẩm có thể giới thiệu phụ thuộc vào thị trường cụ thể. Ví dụ, thị trường Nhật Bản có thể xúc tiến các sản phẩm theo các chủ đề hành trình văn hóa, hành trình khám phá, ẩm thực, mua sắm, golf, MICE, nghỉ ngơi gia đình.
Dự án đề xuất giải pháp thực hiện công tác xúc tiến quảng bá tại thị trường nước ngoài như việc mở đại diện Du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan/Campuchia/Lào, các nước khác ở châu Á Thái Bình Dương, Mỹ/Canada, châu Âu: Pháp/Đức/Anh... Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho công tác xúc tiến quảng bá còn được huy động từ các doanh nghiệp, thu lệ phí/thuế du lịch. Dự án đã phác thảo hệ thống mạng toàn cầu Việt Nam nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ cho chủ thể kinh doanh lữ hành, khách hàng cá nhân tự tổ chức chương trình du lịch. Hệ thống mạng toàn cầu Việt Nam gồm các thông tin về cơ sở dữ liệu Việt Nam, trang web chuyên nghiệp, website nụ cười Việt Nam mới, trang web bạn thân, trang web nụ cười thế giới Việt Nam…
Bài và ảnh: HẢI DƯƠNG