Núi Bà Đen có diện tích 1.638ha, nằm trong địa bàn các xã Ninh Sơn, Thạnh Tân và Tân Bình (TP. Tây Ninh), xã Phan và Suối Đá (huyện Dương Minh Châu). Núi Bà Đen là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng Nam Bộ. Với hệ thống hang động và cảnh quan tự nhiên kết hợp kiến trúc tôn giáo đã tô điểm cho núi một nét đẹp hài hòa với thiên nhiên. Nơi đây thật sự trở thành nơi trở về với cội nguồn, đời sống tâm linh, du lịch sinh thái và truyền thống cách mạng của dân tộc.
Các loại hình du lịch hiện đang khai thác sử dụng
Với hệ sinh thái rừng núi cùng những tảng đá granit chất chồng lên nhau một cách tự nhiên, tạo ra những hang động nằm giữa rừng cây hùng vĩ; hệ thực vật và động vật phong phú kết hợp những ngôi chùa giữa lưng chừng núi, cùng các lễ hội lớn… là nơi hấp dẫn du khách không chỉ bởi loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội, tâm linh tín ngưỡng và du lịch sinh thái mà còn có loại hình du lịch cuối tuần. Đồng thời, núi Bà Đen là đỉnh núi cao nhất Nam Bộ rất phù hợp với du lịch thể thao khám phá núi rừng. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Tây Ninh đang kêu gọi đầu tư ở khu vực Ma Thiên Lãnh và núi Phụng nhằm khai thác loại hình du lịch nghĩ dưỡng.
Thuận lợi và khó khăn của hoạt động du lịch tại núi Bà Đen
Thuận lợi
Núi Bà Đen với nhiều hang động, kỳ tích, giai thoại, nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp và những truyền thuyết mà còn có ý nghĩa lịch sử trong các cuộc kháng chiến chống quân ngoại xâm.
Núi Bà Ðen là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh với hệ thống hàng trăm hang động và chùa chiền hình thành lâu đời, mang nhiều giá trị độc đáo về tự nhiên và nhân văn. Lễ hội núi Bà Ðen không chỉ là sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn là sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời cũng là nơi vui chơi, cắm trại, sinh hoạt truyền thống của thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái trên núi Bà Đen khá phong phú, nhiều loài cây cỏ, nhiều loại gỗ quý hiếm cùng các loài động vật phong phú như: cheo, nai, thằn lằn, dơi và các loại chim, đặc biệt là thằn lằn núi và ốc núi là hai loài chỉ sinh sống tại khu vực vực núi Bà Đen.
Khu du lịch núi Bà Đen là một trong những điểm du lịch quan trọng thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, hiện nay đây là khu vực chiếm tỷ lệ khách du lịch lớn nhất đến với Tây Ninh. Nơi đây được các cấp chính quyền của tỉnh quan tâm tạo điều kiện và thu hút đầu tư; có nhiều cơ hội để phát triển du lịch dựa vào nguồn tài nguyên (tự nhiên và nhân văn) phong phú và đầu tư hợp lý.
Bên cạnh đó, núi Bà Đen nằm ở vị trí thuận lợi, trên hành lang kinh tế Đông – Tây, có đường Xuyên Á đi qua, có đường biên giới với Campuchia và 2 cửa khẩu quốc tế, tạo điều kiện mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế. Tây Ninh nằm ở vị trí năng động nhất Việt Nam hiện nay, gần TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, và Duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những thị trường thuận lợi để phát triển du lịch.
Khó khăn
Trong thời gian qua, tình hình phát triển du lịch núi Bà Đen tuy đã có nhiều tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ song thực sự vẫn còn nhiều hạn chế: chưa thu hút các nhà đầu tư, các quy hoạch phát triển khu du lịch núi Bà Đen; các cơ sở lưu trú trong khu du lịch đang xuống cấp không thể đưa vào hoạt động nên chưa thu hút khách lưu trú dài ngày; sản phẩm du lịch tuy mới lạ nhưng chưa nhiều, sản phẩm hiện có chưa đủ sức thu hút khách du lịch quốc tế và khách ở lại Tây Ninh lâu hơn.
Bên cạnh đó, các hoạt động của các ngành công nghiệp (khai thác đá) làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, khu di tích lịch sử văn hóa núi Bà Đen; việc săn bắt động vật quá mức sẽ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt bò sát đặc hữu ở núi Bà Đen; nguồn lao động có trình độ kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch chưa cao; công tác quảng bá hình ảnh du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế; hoạt động du lịch ở Tây Ninh còn đơn điệu và chỉ diễn ra theo mùa, chưa gây được sự chú ý của các công ty lữ hành, cũng như du khách trong nước và trên thế giới.
Đề xuất giải pháp
Nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và tạo ra sản phẩm mới để tăng sức hấp dẫn
Để thu hút du khách, khu di tích lịch sử văn hóa – du lịch núi Bà Đen cần dựa vào thế mạnh của mình với nhiều hang động tự nhiên và có giá trị về mặt lịch sử, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội lớn, mang đậm tính nhân văn, với quần thể chùa đã có từ lâu đời thì loại hình du lich văn hóa lễ hội và tôn giáo cần được duy trì và phát triển.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm tạo ra sản phẩm mới mang nét đặc trưng riêng. Do đó cần phải phân loại các loại hình du lịch để xác định khách du lịch thuộc loại hình nào và cần sản phẩm gì..
Mở rộng và tạo thị trường du khách
Quan tâm đến công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm với nội dung hấp dẫn, nhiều hình ảnh minh họa, màu sắc sinh động; đồng thời quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của mình ra các nước trên thế giới và kêu gọi đầu tư.
Đảm bảo vấn đề an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường xanh, sạch, đẹp… để tạo môi trường du khách lành mạnh, an tâm tham quan, chiêm ngưỡng.
Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn để gia tăng thời gian lưu trú của khách.
Đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường, phổ biến văn hóa trong giao tiếp đến người dân địa phương.
Cần được hỗ trợ để tạo thương hiệu cho các mặt hàng đặc sản như mãng cầu núi, muối tôm Tây Ninh.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường thu hút lao động có chất lượng
Thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại cho cán bộ, công nhân viên làm việc trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tạo cơ hội cho các cán bộ quản lý, người lao động học tập kinh nghiệm quản lý và kinh doanh du lịch ở một số nước phát triển mạnh về du lịch thông qua quan hệ tại một số nước có trình độ.
Xây dựng cơ chế khuyến khích nhân tài trong lĩnh vực du lịch về với Du lịch Tây Ninh nói chung và khu di tích lịch sử núi Bà Đen nói riêng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý. Từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp năng động, sáng tạo và đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch hiệu quả.
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên