Trong những năm gần đây, Ninh Bình trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Cùng với tài nguyên du lịch đa dạng bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa, tỉnh Ninh Bình đang đầu tư mạnh mẽ về nhiều mặt nhằm phát triển du lịch và xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố du lịch. Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa thế giới càng tạo đà cho Du lịch Ninh Bình khởi sắc. Tuy nhiên, công tác quản lý điểm đến du lịch ở đây vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Trong khuôn khổ có hạn, nội dung của bài báo sẽ đề cập đến một vài lý luận cơ bản về quản lý điểm đến du lịch; những thành tựu và hạn chế chính của công tác quản lý điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình và một số đề xuất nhằm hoàn thiện công tác này.
Thực trạng quản lý điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình
Trong những năm qua, Du lịch Ninh Bình đã đạt được những thành tựu nhất định, đã nổi lên như một điểm đến mới mẻ và giàu tiềm năng trên thị trường du lịch nội địa và quốc tế.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tổ chức chặt chẽ giữa các cấp, các ngành tại địa phương. Ban quản lý chung về du lịch đã thể hiện được vai trò chỉ đạo, giám sát và thực hiện những kế hoạch về du lịch của tỉnh. Ban Quản lý các cấp cũng đã có sự thống nhất trong việc quản lý và tổ chức các sự kiện du lịch.
Ninh Bình đã đầu tư mạnh mẽ cho công tác quy hoạch tại các điểm du lịch, đặc biệt là các khu, điểm du lịch trọng điểm. Tỉnh đã xác định không gian quy hoạch với các công trình giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật có chất lượng. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian gần đây, khách du lịch và tổng thu từ du lịch của Ninh Bình ngày càng tăng. Các hoạt động kinh doanh du lịch được quản lý, giám sát tương đối chặt chẽ ở tất cả các lĩnh vực: lữ hành, lưu trú, dịch vụ bổ sung. Hiệp hội Du lịch Ninh Bình đã được hình thành nhằm khuyến khích và tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp du lịch địa phương.
Công tác quản lý an ninh trật tự xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường đã từng bước được đảm bảo tại các điểm đến. Ninh Bình đã ban hành nhiều chế tài nhằm đảm bảo một môi trường du lịch thân thiện và lành mạnh tại địa phương như: Quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lưu chứa và vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp gây bụi, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; Quy chế về quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; Quy định về bảo vệ tài nguyên rừng, hệ thống núi đá vôi, hang động và các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp và bảo vệ động vật hoang dã, chim trên địa bàn tỉnh,...
Tỉnh đã xác định được vai trò quan trọng của nguồn nhân lực du lịch nên đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch để phục vụ cho sự phát triển của ngành.
Hoạt động quảng bá và xúc tiến được thực hiện theo cả chiều rộng và chiều sâu, đã mang lại những kết quả thiết thực.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý điểm đến du lịch Ninh Bình vẫn còn những hạn chế như:
Công tác quản lý quy hoạch ở một số khu, điểm du lịch còn bị buông lỏng, để cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư không đúng theo quy hoạch đã được duyệt làm phá vỡ cảnh quan (như ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động). Một số nhà đầu tư chưa quyết tâm cao trong việc triển khai dự án, thậm chí có nhà đầu tư có tư tưởng giữ đất chờ chuyển nhượng, gây tâm lý bức xúc trong dư luận.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và quản lý các hoạt động dịch vụ còn nhiều tồn tại, cụ thể: hiện tượng chèo kéo ép khách mua hàng, chụp ảnh, xin tiền vẫn còn ở một số khu du lịch; công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, tại một số nơi còn trông chờ, ỷ lại vào lực lượng công an.
Việc quản lý phí thăm quan, phí chở đò, phí trông coi xe và giá cả dịch vụ ở một số khu, điểm du lịch còn buông lỏng, để cho một số doanh nghiệp quản lý, khai thác du lịch in ấn, phát hành vé không theo quy định của Nhà nước, gây bức xúc cho du khách, cho các doanh nghiệp lữ hành và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về du lịch, về thuế, phí.
Tính chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch chưa cao và chưa thật sự bền vững; sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình chủ yếu vẫn dựa vào những lợi thế tự nhiên sẵn có, sản phẩm và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn đơn điệu.
Nguồn lao động du lịch Ninh Bình tuy đã được quan tâm, chú trọng nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Công tác phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp và thực hiện xã hội hóa chưa nhiều. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chủ yếu vẫn thực hiện bằng nguồn Ngân sách nhà nước.
Cần hoàn thiện công tác quản lý điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình
Đầu tư xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý
Ngành Du lịch Ninh Bình cần đầu tư xây dựng và ban hành những quy định, chính sách một cách đồng bộ, chặt chẽ đối với hoạt động quản lý điểm đến du lịch. Những cơ chế, chính sách này có thể khuyến khích, hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp địa phương kinh doanh du lịch nhưng đồng thời cũng có sức mạnh xử lý các vi phạm mà họ gây ra. Đây là các chế tài để cơ quan quản lý nhà nước quy trách nhiệm cho những đối tượng vi phạm để hoạt động kinh doanh du lịch diễn ra ổn định và hiệu quả.
Hệ thống cơ chế, chính sách này bao gồm: chính sách về đầu tư, khai thác du lịch, chính sách đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch, chính sách xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch, chính sách giá,… Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc quản lý tại các điểm du lịch về các mặt: bảo vệ tài nguyên và môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, trách nhiệm của khách du lịch tại điểm đến, xếp hạng và công bố thứ hạng của các cơ sở kinh doanh du lịch.
Đầu tư đúng hướng cho điểm đến du lịch
Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong tỉnh và liên kết giữa các tuyến, điểm du tạo sự thuận lợi trong quá trình tham quan.
Xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú có chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch và gia tăng thời gian lưu trú của khách.
Tăng cường đa dạng hóa các dịch vụ bổ sung để phục vụ du khách và tăng doanh thu.
Bảo tồn các giá trị cảnh quan và môi trường cũng như giá trị nguyên bản của tài nguyên du lịch khi thực hiện quy hoạch chi tiết.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Cần tạo ra một tiếng nói chung, một sự thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước và các nhà thầu để hoạt động du lịch đạt được hiệu quả cao và bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý du lịch tại điểm đến.
Đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch
Rà soát lại công tác hoạch định nguồn nhân lực; xây dựng chương trình đào tạo mới và đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch của tỉnh. Xác định rõ cơ cấu nguồn nhân lực để đào tạo cho phù hợp.
Tăng cường bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch
Cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng trong việc thực hiện công tác này. Thực hiện tốt việc kiểm kê, bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên du lịch đang bị mai một, đặc biệt tài nguyên du lịch văn hóa. Tỉnh nên tăng cường đầu tư cho các công trình vệ sinh công cộng, chứa và xử lý rác thải. Đồng thời, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường. Công tác bảo vệ môi trường du lịch gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa tạo nên sự thân thiện và chuyên nghiệp tại điểm đến.
Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương
Huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương theo cả chiều rộng và chiều sâu, chia sẻ lợi ích thiết thực và có các chương trình tập huấn cho người dân bản địa để họ yêu thích công việc và tăng tính chuyên nghiệp trong phục vụ du lịch.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến
Tỉnh nên có chính sách ưu tiên trong việc sử dụng ngân sách cho tuyên truyền quảng bá du lịch, huy động kinh phí cho công tác xúc tiến từ các doanh nghiệp. Sử dụng các công cụ xúc tiến một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù tạo sự hấp dẫn với du khách để xây dựng thương hiệu điểm đến.
Với những tiềm năng to lớn và những cơ hội mới, thiết nghĩ Du lịch Ninh Bình sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới. Hi vọng Ninh Bình sẽ trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn du khách về sự mới lạ mà còn về sự chuyên nghiệp.
Ngô Thị Huệ
PGS.TS Trần Thị Minh Hòa
(Tạp chí Du lịch)