Thời gian qua, dư luận xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí đã đăng tải nhiều về vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống, tập trung nhiều vào các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, mà không phản ánh các giá trị di sản văn hóa đặc sắc liên quan đến lễ hội, cũng như những nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội. Điều đó chưa phù hợp với tính định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa là: “xây đi đối với chống” mà xây dựng là chủ đạo, phê bình đi đôi với động viên, khuyến khích. Chỉ như thế, chúng ta mới huy động được mọi nguồn lực xã hội cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Mặt khác, có thể xã hội chưa có cách tiếp cận toàn diện và liên ngành đối với di sản văn hóa nói chung và lễ hội truyền thống nói riêng hoặc chưa xem xét hết các nguyên nhân dẫn đến những vấn đề phức tạp trong việc tổ chức và quản lý lễ hội như TS. Bùi Hoài Sơn trong cuốn sách Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt đã nhận xét: “Những vấn đề đang đặt ra cho việc tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống ngày hôm nay có thể phát sinh do những bối cảnh xã hội hiện thời,có thể phát sinh từ bản chất vốn có của lễ hội truyền thống, cũng có thể phát sinh do những quyết định quản lý để lại qua thời gian”.
Từ quan điểm nêu trên, tác giả muốn trao đổi về vấn đề giá trị văn hóa trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và hoạt động lễ hội truyền thống.
Tín ngưỡng dân gian là biểu hiện sinh động của sắc thái văn hóa vùng miền và bản sắc văn hóa dân tộc
Từ xa xưa, người Việt đã có niềm tin mãnh liệt và sự thành kính thiêng liêng đối với thần thánh hay các lực luợng siêu nhiên, tin vào cuộc sống sau khi chết và tin rằng tổ tiên, dòng họ cũng là lực lượng bảo trợ tinh thần cho người đang sống. Tín ngưỡng dân gian thường có những đặc điểm chung: niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên; tính thiêng liêng cao cả; sự tôn vinh xen lẫn sợ hãi; là mối quan hệ tương tác giữa con người và thần thánh, thái độ của con người với tự nhiên; tình thương yêu con người và đồng loại.
Đề cập tới tín ngưỡng dân gian, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh tới giá trị nhân văn, đặc biệt là yếu tố văn hóa đạo đức trong tín ngưỡng dân gian có giá trị đặc thù nhằm củng cố, bảo vệ đức tin thiêng liêng trong cộng đồng, đồng thời cũng chứa đựng những chuẩn mực đạo đức, mang tính nhân loại. Đó là tình thương đồng loại, hướng thiện, ngừa ác…
Tín ngưỡng dân gian có khả năng đáp ứng được những nhu cầu về mặt tinh thần, tâm linh của các tầng lớp cư dân trong xã hội: nhu cầu được an ủi, chia sẻ, xoa dịu nỗi đau thương, mất mát nơi trần thế; ước mơ có điểm tựa tinh thần để đối mặt với những thách thức, rủi ro từ thiên nhiên và xã hội; là “chất keo gắn kết cộng đồng”, “năng lượng tinh thần”, khuyến khích con người hướng thiện, vươn tới chân - thiện - mỹ, ba trụ cột quan trọng của văn hóa. Đó là nền tảng của tính nhân văn của nhân loại.
Để thực hành tín ngưỡng, để củng cố, duy trì và trao truyền đức tin tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các giá trị văn hóa đạo đức, con người đã sáng tạo ra hai loại hình di sản văn hóa là:
Di sản văn hóa vật thể/các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng (đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, lăng mộ…) là không gian văn hóa -tâm linh mang tính thiêng liêng quy tụ lòng người.
Di sản văn hóa phi vật thể/lễ hội văn hóa truyền thống, nghi thức thờ cúng, các loại lễ vật dâng cúng trong các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng, các phong tục, tập quán địa phương, các kho tàng huyền thoại, truyền thuyết, thần phả, sắc phong.
Các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng thường là một hợp thể giữa kiến trúc và thiên nhiên, hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học được tạo dựng ở những vùng địa linh theo đúng các nguyên tắc phong thủy; có không gian kiến trúc nội thất dày đặc các mảng chạm khắc gỗ trang trí trên các chi tiết kiến trúc và hệ thống đồ thờ cúng (nhang án, bát bửu, tượng thờ) được coi như là một “bảo tàng” sống động về mỹ thuật dân gian.
Có thể khẳng định, tín ngưỡng dân gian và các thiết chế văn hóa gắn với nó là một bộ phận di sản văn hóa của Việt Nam. Bằng chứng xác đáng là, đến nay đã có 2.260 thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có quần thể di tích-danh thắng núi Sam, Châu Đốc, An Giang đã được xếp hạng là di tích quốc gia, trên tổng số 3.173 di tích của cả nước. Đó là một tỷ trọng khá lớn mà chúng ta cần quan tâm xem xét để có giải pháp xử lý thỏa đáng.
Lễ hội truyền thống là môi trường văn hóa hay là “thứ dung môi đặc biệt” cho tín ngưỡng dân gian được thực hành trong đời sống xã hội
Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam (NXB Hà Nội năm 2002, tr. 674), lễ hội được định nghĩa “là một hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kính của con người đối với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện”. Nhiều người quan niệm rằng lễ hội là “môi trường diễn xướng dân gian”, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Về bản chất, đây là hoạt động của nhiều người/tập thể có cùng một đức tin, có mục tiêu chung, khát vọng và mong ước giống nhau và do đó, có thể thống nhất với nhau trong hàng loạt các hành vi cũng như hoạt động chung.
Do có một niềm tin, có mục tiêu chung, lại được củng cố bằng những hoạt động tập thể qua nhiều chu kỳ lễ hội, kéo dài suốt quá trình phát triển của cộng đồng, cho nên lễ hội góp phần tạo lập ra văn hóa cộng đồng. Theo Phạm Tung, “văn hóa cộng đồng là văn hóa ứng xử của một cộng đồng trong những môi trường, không gian và thời gian lịch sử xác định”. Trong văn hóa cộng đồng, ta nhìn thấy được sự đồng thuận của một nhóm cá thể, một tập thể lớn trong nhiều mặt đời sống: đồng thuận/tự giác chấp thuận và thực hiện các quy tắc chung về nhận thức, sứ mạng, mục tiêu phát triển cộng đồng; đồng thuận về lợi ích, cách thức giải quyết hài hòa lợi ích giữa cá nhân với tập thể, bộ phận với toàn thể; đồng thuận trong việc giữ gìn hình ảnh, uy tín của cộng đồng; đồng thuận để xây dựng và giữ gìn tình cảm gắn kết cộng đồng để cùng nỗ lực đương đầu với thách thức và rủi ro.
Lễ hội truyền thống là môi trường đào luyện nhân cách và trao truyền văn hóa, hay nói một cách khác lễ hội truyền thống là nơi khởi nguồn, bồi đắp, duy trì và lan tỏa các giá trị văn hóa. Lễ hội truyền thống không chỉ là không gian văn hóa - tâm linh, mà còn là cơ hội để các thành viên cộng đồng giao lưu, đối thoại với nhau, đặc biệt quan trọng là cơ hội tiếp cận, đối thoại với thần linh/vị thần được gửi gắm, nương tựa về mặt tinh thần cho cả cộng đồng.
Điều cốt lõi làm nên lễ hội truyền thống là hạt nhân tâm linh/đối tượng được tôn thờ một cách thành kính và thiêng liêng. Chính sự thành kính và thiêng liêng đã tạo ra biểu tượng văn hóa cho mỗi lễ hội. Có thể dẫn ra đây một số biểu tượng văn hóa tiêu biểu nhất trong đời sống tâm linh của người Việt:
Tản Viên Sơn Thánh biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng trong việc thích ứng với thách thức của tự nhiên (bão lụt, hạn hán...) và khát vọng có vụ mùa bội thu.
Thánh Gióng biểu tượng cho sức mạnh của cộng đồng trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự chủ của quốc gia dân tộc.
Thánh Chử Đồng Tử biểu tượng cho khát vọng có được cuộc sống phồn thịnh trong một xã hội khoan hòa.
Mẫu Liễu Hạnh biểu tượng cho bà mẹ xứ sở và ước vọng cho một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Quốc tổ Hùng Vương biểu tượng cho ý thức về cội nguồn dân tộc, ý thức độc lập của cộng đồng quốc gia dân tộc.
Từ cách lý giải của GS.TS. Ngô Đức Thịnh về biểu tượng văn hóa trong tín ngưỡng và lễ hội truyền thống các thiết chế văn hóa thờ Tứ bất tử, có thể tạm phác ra một số đặc trưng cơ bản của biểu tượng văn hóa trong đời sống xã hội:
Biểu tượng mang tính thiêng liêng thể hiện niềm tin, mục đích và khát vọng mà cộng đồng muốn đạt được nhờ vào trợ lực của thần thánh cũng như ý chí muốn thực hiện khát vọng đó.
Biểu tượng do cộng đồng sáng tạo ra nhưng lại có sức mạnh tác động vào chủ thể, để họ đồng thuận thừa nhận và tự giác tuân thủ các giá trị chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán.
Biểu tượng với tư cách là thứ ngôn ngữ hàm chứa thông tin đa nghĩa, cho phép các cá nhân có thể độc lập nhận thức và lý giải theo cách riêng của mình nên có sức lan tỏa rộng.
Biểu tượng có khả năng đưa tới sự thống nhất nhận thức, nên có tác động liên kết cộng đồng và liên kết cộng đồng trong quốc gia dân tộc.
Các biểu tượng văn hóa thiêng liêng như thế là thứ “năng lượng tinh thần” đặc sắc mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã dày công vun đắp, tạo nên sức mạnh để thực hiện thành công sự nghiệp dựng nước và giữ nước từ thời đại Hùng Vương đến hôm nay.
Như vậy, chúng ta cần nhìn nhận tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống như là một bộ phận cấu thành quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
PGS.TS.Đặng Văn Bài
(Tạp chí Du lịch)