Làm sống lại lễ hội truyền thống
Nhận thấy khu di tích Đọi Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã quyết định phục dựng lễ hội Tịch điền nhằm xây dựng một biểu tượng văn hóa độc đáo cho Hà Nam, làm điểm nhấn để khu vực Đọi Sơn trở thành một cụm sản phẩm văn hóa du lịch trong tour chùa Hương - Đọi Sơn - chợ Viềng - Bái Đính. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đầu xuân năm 987 vua Lê Đại Hành đã thực hiện lễ cấy tịch điền để động viên, khuyến khích nhân dân sản xuất. Trải qua hàng trăm năm gián đoạn, đến năm 2009, đáp ứng mong mỏi của người dân và với quyết tâm của chính quyền địa phương, với sự giúp đỡ của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nam đã tiến hành phục dựng lễ hội truyền thống Tịch điền Đọi Sơn.
Để lễ hội sống trong lòng xã hội đương đại, thu hút khách du lịch và là cơ hội giúp người dân cải thiện cuộc sống, Hà Nam đã khôi phục lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn theo mô hình người dân được trực tiếp tham gia lễ hội, là chủ thể của lễ hội chứ không phải là khán giả. Nhận được phản hồi tích cực từ nhiều phía, tỉnh quyết định tổ chức lễ hội Tịch điền Đọi Sơn hàng năm, trở thành điểm nhấn của Du lịch Hà Nam để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đến với lễ hội, nhân dân và du khách được tham gia vào các nghi lễ và diễn xướng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra trong không gian rộng từ mồng 5-7 tết âm lịch. Nghi lễ chính của lễ hội là lễ Tịch điền, tái hiện huyền tích từ thời vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông trang. Hội thi trang trí trâu cũng là một hoạt động khá sôi nổi. Lễ hội đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá tiềm năng du lịch huyện Duy Tiên, nơi có nhiều danh thắng đẹp như cụm di tích núi Đọi - chùa Long Đọi Sơn, không gian chín “mắt rồng” xung quanh chân núi Đọi, làng nghề sản xuất trống Đọi Tam, cảnh đồng lúa vùng…
Năm 2010, UBND tỉnh, Sở VHTTDL Hà Nam tiếp tục phục dựng lễ phát lương đền Trần Thương (thuộc xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân) trên quy mô lớn vào dịp rằm tháng giêng âm lịch. Lễ Phát lương có ý nghĩa là cuộc hành hương về cội nguồn không chỉ đối với người dân địa phương mà đối với người dân cả nước. Nghi thức này nhằm tái hiện lịch sử về “Phát quân lương” khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ 3 (1288). Lễ hội đã góp phần quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống về mảnh đất địa linh nhân kiệt đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo ra sản phẩm du lịch cho địa phương nhằm thu hút du khách. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lễ phát lương đền Trần Thương thực sự là sản phẩm du lịch đắt giá của Hà Nam trong công cuộc chuyển mình bắt nhịp với sự phát triển chung của toàn xã hội, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn của địa phương, cải thiện vị thế của Du lịch Hà Nam so với trước.
Có thể nói, việc phục dựng lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn và lễ phát lương đền Trần Thương là một thành công của Hà Nam trong việc làm sống lại các giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tinh thần cha ông để lại, giúp lễ hội sống mãi với các thế hệ mai sau.
Để sản phẩm du lịch lễ hội đáp ứng nhu cầu du khách
Thị trường khách du lịch đến tham gia lễ hội của Hà Nam hiện nay chủ yếu là khách nội địa (xấp xỉ 95%), cơ bản vẫn là từ Hà Nội và các tỉnh phụ cận vùng đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, Hà Nam cần xác định thu hút thị trường khách nội địa là thị trường chính, trong đó tập trung khai thác thành phần khách du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, khách du lịch tâm linh, hành hương đến các ngôi chùa, dự lễ hội; khách du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần.
Hiện nay, các lễ hội truyền thống thường có nét na ná nhau vì thế cần phải tạo ra dấu ấn riêng của lễ hội mà không làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong quá trình phục dựng lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn và lễ phát lương đền Trần Thương, Hà Nam đã được chú trọng đến giá trị cốt lõi văn hóa mang đậm tính đặc trưng của vùng chiêm trũng.
Tuy nhiên, để lễ hội Hà Nam nói chung, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn và lễ phát lương đền Trần Thương nói riêng trở thành sản phẩm thu hút du khách đến Hà Nam, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc từ nhiều phía.
Đối với UBND tỉnh và Sở VHTTDL
Cần có quy hoạch tổng thể, kế hoạch lâu dài và đồng bộ trong công tác phục dựng lễ hội truyền thống. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế công tác phối hợp giữa các cơ quan ban ngành trong công tác phục dựng lễ hội truyền thống. Phân cấp trong quản lý và thực hiện để công tác phục dựng lễ hội truyền thống sát với thực tiễn và gặt hái kết quả tốt. Nỗ lực hình thành sự kết hợp tương trợ giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan và xây dựng cơ chế kết hợp với sự hỗ trợ của toàn xã hội.
Lễ hội là sản phẩm do con người sáng tạo ra, nó thuộc về cộng đồng cụ thể và chỉ có trong cộng đồng đó lễ hội mới tồn tại và phát triển thực sự. Vì thế, luôn lấy con người là hạt nhân trong phục dựng lễ hội truyền thống.
Tăng cường kinh phí cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch lễ hội, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng và ban hành những chính sách, quy định rõ ràng theo cấp, theo khu vực trong việc phê duyệt ngân sách hàng năm.
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đổi mới công tác tổ chức lễ hội để hạn chế và khắc phục tình trạng chen lấn, xô đẩy, cướp giật... du khách ở lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương đền Trần Thương…
Lập quy hoạch các dự án cụ thể để phục dựng các giá trị văn hoá của các di tích và lễ hội gắn với phát triển du lịch; đồng thời phải được gắn với quy hoạch phát triển của các lĩnh vực khác như giao thông, phát triển hạ tầng điện, nước... để việc bảo tồn và khai thác giá trị lễ hội đạt hiệu quả.
Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch của địa phương. Quản lý tốt vệ sinh, an toàn, an ninh, sử dụng năng lượng, nước sinh hoạt và chất thải. Ban Quản lý cần điều tiết lượng du khách không để vượt quá khả năng của sức chứa của lễ hội; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch lễ hội.
Đối với các công ty lữ hành, các tổ chức du lịch
Các công ty lữ hành cần nghiên cứu, tìm hiểu chính sách của chính quyền địa phương, nhu cầu của du khách để tìm kiếm thị trường khách hàng phù hợp và đa dạng hóa sản phẩm du lịch lễ hội, làm sao đảm bảo cho du khách có được những trải nghiệm thú vị, sử dụng những dịch vụ chất lượng từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín với du khách.
Cần đưa ra các kiến nghị, yêu cầu về sản phẩm du lịch lễ hội với Sở VHTTDL từ nhu cầu thực tế của khách hàng, để Sở chỉ đạo điều chỉnh dịch vụ phù hợp nhằm đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu du khách và không ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch của địa phương.
Các doanh nghiệp du lịch luôn nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, tuyên truyền cho du khách ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường lễ hội. Việc nâng cao ý thức của du khách giúp cho điểm đến du lịch lễ hội luôn sạch đẹp, văn minh, nhằm để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và thu hút khách quay lại những lần
Tổ chức các buổi nói chuyện về lợi ích của hoạt động du lịch, các lớp huấn luyện nghiệp vụ du lịch cơ bản cho cộng đồng địa phương để mỗi người dân đều trở thành một hướng dẫn viên tại điểm cung cấp cho khách những thông tin cơ bản về sản phẩm đặc trưng của địa phương, cách thức sản xuất, giá trị độc đáo hay thói quen sinh hoạt của cư dân bản địa.
Việc tổ chức lễ hội cần được tính toán hợp lý để đảm bảo sự chỉ đạo, định hướng phát triển của chính quyền địa phương và vai trò chủ thể của nhân dân. Bản thân các hoạt động trong lễ hội chính là đời sống tâm linh từ lâu đời của cư dân địa phương, nên cần tuyên truyền kêu gọi cộng đồng tham gia giữ gìn, phát huy các giá trị lễ hội.
Một khi những nét sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán của người dân được quảng bá, khai thác, thì đó cũng là cơ hội làm giàu cho địa phương thông qua con đường du lịch. Vì vậy, cộng đồng địa phương phải nghiêm túc chấp hành sự quản lý của chính quyền, chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, tạo tiền đề cho du lịch lễ hội nói riêng, du lịch nói chung phát triển bền vững tại địa phương…
Tài liệu tham khảo
1. Cục Di sản văn hóa ( 2007), Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tập 1, Nxb. Thế giới, Hà Nội
2. Khánh Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên) (1993), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội., tr.28.
3. Báo cáo tổng kết năm 2011, 2012, 2013 Sở VHTTDL Hà Nam
4. Băng tư liệu hình ảnh “Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn” của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam năm 2009, 2010.
|
Hồ Thị Phương Thúy
(Tạp chí Du lịch)