Thời gian qua, Dự án EU đã thực hiện nhiều hoạt động giáo dục và đào tạo nghề du lịch, trong đó đáng chú ý là đã đưa Bộ tiêu chuẩn nghề VTOS phiên bản 2013 với 10 lĩnh vực nghề chính vào đào tạo. Đây là phiên bản Bộ tiêu chuẩn nghề VTOS đã có sự phối hợp với tiêu chuẩn nghề ASEAN, xây dựng khung đánh giá điểm đến và cấp chứng chỉ theo Bộ tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Dự án EU đã thực hiện nhiều khóa đào tạo tại châu Âu, Malaysia và trong nước cho cán bộ Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 63 tỉnh/thành phố với các chủ đề liên quan đến du lịch có trách nhiệm
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Dự án EU Vũ Quốc Trí nhấn mạnh, vấn đề giáo dục và đào tạo nghề du lịch là một trong những vấn đề cốt lõi trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo. Những kết quả của Dự án EU là nền tảng để trong tương lai ngành Du lịch tiếp tục phát triển phù hợp với tất cả khuôn khổ pháp lý sau này.
Một số chia sẻ của các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành du lịch đã cho thấy hiệu quả từ sự hỗ trợ của Dự án EU trong công tác giáo dục và đào tạo nghề du lịch: tác động từ sự hỗ trợ của Dự án EU đối với việc đào tạo giảng viên và phát triển chương trình “Đào tạo đào tạo viên” VTOS cho các trường cao đẳng du lịch; mô hình đào tạo nghề du lịch để phát triển bền vững của Câu lạc bộ VTOS Đà Nẵng; tác động từ sự hỗ trợ của Dự án EU đối với việc kiện toàn Hội đồng Nghề du lịch quốc gia;…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương mong muốn tiếp tục duy trì được kết quả giáo dục và đào tạo nghề du lịch của Dự án EU, theo đó, Tổng cục Du lịch cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia và ASEAN, và thành lập các Hội đồng Chứng chỉ nghề quốc gia. Đồng thời, đề nghị các cơ sở đào tạo nghề du lịch áp dụng và xây dựng giáo trình đào tạo hiệu quả nhằm đào tạo đầy đủ những kỹ năng nghề du lịch và ngoại ngữ, đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập ASEAN và thế giới.
Anh Minh