Vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong phát triển du lịch bền vững

Phát triển bền vững trong đó có phát triển du lịch bền vững là định hướng đang được thúc đẩy trên toàn thế giới như một mục tiêu cho phát triển của loài người trong tương lai. Tại Việt Nam, chiến lược phát triển du lịch tới năm 2020 đã chỉ rõ phát triển du lịch bền vững là một trong những định hướng quan trọng trong phát triển du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh: Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan bao gồm cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Trong đó, các doanh nghiệp là một bên tham gia quan trọng; cần quan tâm phát triển mô hình kinh doanh du lịch bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch và nâng cao nhận thức cho du khách về tôn trọng cảnh quan, văn hóa bản địa, môi trường tự nhiên...

Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài nghiên cứu từ các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm trao đổi và làm rõ các vấn đề: những nhận thức mới về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn trong phát triển du lịch bền vững; kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững trên thế giới và tại Việt Nam; hiện trạng phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam và vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch bền vững; những đóng góp lý luận và thực tiễn cho phát triển bền vững du lịch ở Việt Nam.
Tham luận của Tổng cục Du lịch trình bày tại hội thảo nêu rõ: trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách và hoạt động cụ thể được triển khai thực hiện theo hướng phát triển bền vững như: đề cao quan điểm phát triển du lịch bền vững trong các đề án và quy hoạch phát triển du lịch của các vùng địa phương; ban hành tiêu chí công nhận Nhãn Bông Sen Xanh và khuyến khích các đơn vị điều chỉnh theo các tiêu chí này; phối hợp với các tổ chức quốc tế của Tây Ban Nha, Nhật Bản, WWF... triển khai các dự án và hoạt động cụ thể gắn với thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.
Ở góc độ cơ sở đào tạo, các bài nghiên cứu tại hội thảo đều cho rằng trong phát triển du lịch nói chung, nhất là phát triển du lịch bền vững, đào tạo đóng vai trò then chốt. Thực tế cho thấy, để phát triển bền vững du lịch tại các địa phương, cộng đồng cần phải được đào tạo để có nhận thức và thái độ phù hợp. Đào tạo hướng dẫn viên cũng được đặt ra như một yêu cầu hướng tới phát triển bền vững bởi đây là người điều hòa các mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh du lịch, điều hòa lợi ích và tác động trực tiếp vào các bên trong quá trình đi du lịch của khách. Để làm được điều này, các trường đại học cần áp dụng các phương thức tổng hợp cho đào tạo về phát triển bền vững và du lịch bền vững.
HN