Nguồn nhân lực Tây Bắc còn thiếu và yếu
Theo đánh giá dự báo trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, số lượng lao động trong lĩnh vực du lịch của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ là 25.183 người, số lượng lao động này được tính bao gồm cả nhân lực các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc mở rộng và cả lao động của các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Như vậy, lượng lao động trong vùng Tây Bắc không nhiều. Mặt khác, theo đánh giá của các cơ quan quản lý du lịch địa phương, nguồn nhân lực du lịch của địa phương hiện nay còn nhiều bất cập.
Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước được quan tâm đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, tuy nhiên, với nhiều lĩnh vực liên quan thì năng lực của đội ngũ còn có những hạn chế nhất định như: kỹ năng giao tiếp; kiến thức quản lý, lãnh đạo, ngoại ngữ, tin học; hoạch định chính sách; quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; thống kê du lịch; quản trị du lịch; nghiên cứu thị trường; marketing, xúc tiến, quảng bá du lịch; quản lý phát triển các loại hình du lịch…
Đối với đội ngũ lao động nghiệp vụ, đại đa số lao động trong ngành Du lịch của vùng chủ yếu là lao động phổ thông ở trình độ thấp, không có tay nghề cơ bản nên hoạt động kinh doanh rất bị hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trong kinh doanh du lịch. Cơ cấu lao động chưa cân đối, chủ yếu tập trung vào lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, đội ngũ hướng dẫn viên và liên quan còn thiếu.
Hầu hết lực lượng lao động trong ngành Du lịch của vùng được chuyển công tác từ các bộ phận và chuyên ngành khác nhau đến làm du lịch vì thế kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về du lịch chủ yếu được tiếp thu qua các lớp tập huấn ngắn ngày, qua học tập kinh nghiệm… nên hiện nay số lao động này chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, quản lý và kinh doanh hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch sẵn có.
Hiện nay, vùng Tây Bắc đã có hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực nói chung và có cơ sở đào tạo nhân lực du lịch nói riêng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên chuyên môn về các lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo; nội dung đào tạo chưa thống nhất ở các bậc trong ngành Du lịch; cơ sở thực tập, thực hành còn hạn chế; sự thiếu hiệu quả trong liên kết đào tạo nhân lực du lịch giữa các cơ sở đào tạo ở Việt Nam với nước ngoài,... đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Về hoạt động liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng Tây Bắc, thời gian qua các địa phương đã thực hiện liên kết nội vùng thông qua việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong địa phương, các địa phương lân cận và các cơ sở đào tạo tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ du lịch và kiến thức quản lý nhà nước về du lịch.
Do liên kết nội vùng chưa được chất lượng và hiệu quả nên trong thời gian qua, các địa phương trong khu vực tập trung vào các liên kết với bên ngoài để triển khai công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, hoạt động hợp tác và phối hợp rất hiệu quả, đó là các địa phương thừa hưởng sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngoài ra các địa phương còn thụ hưởng nhiều dự án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, du lịch sinh thái do nhiều tổ chức phi chính phủ, các dự án phát triển nguồn nhân lực, phát triển cộng đồng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo và các địa phương trong vùng tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ buồng, bàn, bar; các lớp hướng dẫn viên du lịch cho các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch.
Những năm gần đây, các địa phương còn được thừa hưởng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện, nhiều cư dân cộng đồng địa phương, các đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch để phát triển du lịch cộng đồng, nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo.
Mặt khác, các địa phương đã liên kết, phối hợp với một số tổ chức quốc tế và cơ sở đào tạo du lịch để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn, buồng bàn bar, lễ tân và các nghiệp vụ khác.
Giải pháp liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng Tây Bắc
Các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và các tổ chức khác có liên quan cần thống nhất về quan điểm, chủ trương phát triển du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Điều này đòi hỏi các chủ thể nhận thức được sự cần thiết khách quan của quá trình liên kết trong bối cảnh chưa đủ các điều kiện cần thiết trong thực tế.
Rà soát, xác định nhu cầu phát triển nhân lực theo quy hoạch phát triển ngành Du lịch của vùng và từng địa phương trong vùng. Trong đó xác định rõ nhu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực của các vùng và từng địa phương. Đồng thời, triển khai hoạt động rà soát, đánh giá năng lực đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành Du lịch của hệ thống các cơ sở đào tạo trong vùng và từng địa phương. Từ đó xác định cụ thể khả năng tự triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu cần liên kết với bên ngoài. Từ đó, xây dựng được kế hoạch và lộ trình cụ thể để triển khai liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch cho vùng.
Duy trì và tăng cường các mối quan hệ liên kết với các chủ thể trong và ngoài vùng trên cơ sở phát huy, nâng cao dần khả năng đáp ứng tại chỗ về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực du lịch của vùng và từng địa phương của hệ thống các cơ sở đào tạo trong vùng.
Chú trọng liên kết để đào tạo chất lượng cao đảm bảo phục vụ nhu cầu ngày càng cao cho Ngành. Chủ động lập kế hoạch và mời các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước từ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo về du lịch phối hợp với các cơ sở đào tạo tại địa phương triển khai đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.
Nhìn chung, các địa phương trong khu vực Tây Bắc cần có những kế hoạch cụ thể trong thời gian tới để đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả của liên kết trên cơ sở nâng cao dần năng lực phát triển nguồn nhân lực của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch thời gian tới.
Tài liệu tham khảo 1. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ban hành theo Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 2. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22/1/ 2013 của Thủ tướng Chính phủ. 3. Nông Thị Bích Hà, Phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc - Cần giải pháp cấp bách và lâu dài, taybac.vnu.edu.vn (4/2014). |
PGS. TS. Lê Anh Tuấn
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)