Toàn cảnh hội thảo
Hiện nay cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề trong đó có khoảng 1.700 làng nghề đã được công nhận, trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 50 nhóm nghề trong đó rất nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm như tơ lụa Vạn Phúc, đồng Ngũ Xã, gốm Chu Đậu... Riêng Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề đã được công nhận, hàng trăm làng nghề, phố nghề truyền thống.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng tiềm năng du lịch của các làng nghề truyền thống nước ta rất phong phú, đa dạng; có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Một số làng nghề phát triển tốt theo hướng phục vụ du lịch có thể kể đến làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng gốm Bầu Trúc (Ninh Thuận)....
Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng nghề ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Vi Khải, yếu kém lớn nhất của du lịch làng nghề là thiếu chiến lược lâu dài, phần lớn mang tính tự phát; bên cạnh đó phải đối mặt với những khó khăn như tình trạng ô nhiễm môi trường; thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch; sản phẩm làng nghề tuy nhiều, phong phú nhưng sức cạnh tranh kém, ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia...
Sản phẩm làng nghề tuy nhiều, phong phú nhưng sức cạnh tranh kém, ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia. Ảnh: Gian hàng làng nghề Đa Sỹ tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016
Theo TS. Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để du lịch làng nghề phát triển, cần sự vào cuộc của nhiều bên. Các làng nghề cần có những phòng trưng bày hoặc những bảo tàng nhỏ của làng xã, giới thiệu về sản phẩm và quá trình hình thành, phát triển..., ví dụ như bảo tàng nghề gốm cổ ở xã Kim Lan, Bảo tàng gốm tư nhân ở Bát Tràng, Hà Nội.... Các hiệp hội cần giới thiệu, quảng bá những mô hình phát triển du lịch làng nghề có hiệu quả, tổ chức những hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát hiện tiềm năng phát triển du lịch tại mỗi làng nghề; thực hiện các hoạt động sự kiện như hội chợ, triển lãm, thi tay nghề, tôn vinh nghệ nhân, các hoạt động văn hóa, lễ hội... nhằm tạo nên những dấu ấn vùng miền đặc sắc thu hút khách du lịch.
Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch bởi hệ thống giao thông liên xã, huyện, tỉnh là những công việc ngoài tầm với của cộng đồng các làng nghề, nhưng lại có tính quyết định cho việc phát triển du lịch làng nghề; có chính sách hạn chế những tác nhân gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
HN