Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ths. Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ: “Các giá trị văn hóa cổ và văn hóa đương đại, đặc biệt các giá trị văn hóa Việt cổ là tài nguyên vô cùng quý giá để xây dựng nên những sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc riêng, có khả năng cạnh tranh cao với sản phẩm du lịch của các nước trên thế giới... Cùng với thời gian, nhiều giá trị văn hóa đang bị mai một. Đây là một thách thức lớn đối với ngành Văn hóa trong công cuộc bảo tồn và ngành Du lịch trong phát huy giá trị, khai thác các giá trị văn hóa dân tộc...”.
Làng Việt cổ Đường Lâm
Đường Lâm là nơi duy nhất còn lưu giữ một quần thể vẹn nguyên của một làng quê cổ Việt Nam với cây đa, giếng nước, cổng làng, mái đình rêu phong, và đặc biệt là còn những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi... là đất “hai vua” (Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Quyền). Đường Lâm là ngôi làng đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bên cạnh những giá trị lịch sử, hiếm một làng quê nào trên đất nước ta có tới 8 di tích được xếp hạng (có 7 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 01 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Đình Mông Phụ đặc trưng cho ngôi đình Việt truyền thống (với những dấu tích kiến trúc, điêu khắc, văn tự của thời Hậu Lê, thế kỷ 18 và có thể sớm hơn); chùa Mía được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) xếp vào loại đặc biệt quan trọng và nổi tiếng với một hệ thống tượng phật đặc sắc (hiện tại trong chùa còn lưu giữ được 287 pho tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 pho tượng đất). Ngoài ra, Đường Lâm có những ngôi đình cổ có giá trị cao về kiến trúc nghệ thuật (được xây cất bằng chất liệu đá ong, rất đặc trưng của xứ Đoài) có tuổi thọ trên 200 năm. Riêng làng Mông Phụ đã có trên 45 ngôi nhà gỗ cổ kính như vậy trên tổng số 200 ngôi nhà cổ ở Đường Lâm (Theo số liệu của BQL di tích làng cổ Đường Lâm, Đường Lâm có gần 1000 ngôi nhà dân gian truyền thống trong đó có gần 300 ngôi nhà cổ có tuổi thọ trên 100 năm). Tiêu biểu nhất là đình làng Mông Phụ xây dựng cách đây trên 320 năm; hay nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hang xây dựng từ năm 1770... Những ngôi nhà cổ được làm công phu có chạm khắc chi tiết hoa văn tinh xảo. Không những thế, Đường Lâm còn bảo lưu được một khối lượng di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú, như: lễ hội, phong tục tôn vinh các anh hùng dân tộc; lưu giữ hơn hai nghìn trang văn bản Hán Nôm (ghi chép về thần phả của làng, gia phả của các dòng họ, cùng bia ký..., sắc phong, hoành phi, câu đối, văn tự trên các bản khắc gỗ...); các sinh hoạt văn hóa của các dòng họ, phường hội, phe giáp; những hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian, như: các nghi lễ hội cá (gỏi cá), tế gà (gà Mía), trò chơi bắt vịt, đánh đu, hát nhà trò (hát ca trù - Đoài Giáp), rước đèn, cờ người...; văn hóa ẩm thực ở đây cũng rất đa dạng, với những đặc sản, như gà Mía, chè Đông Viên, chè Cam Lâm, mía, mật, tương, kẹo bột Đông Sàng... Tất cả đã cấu thành “diện mạo” của làng cổ Đường Lâm, xứng đáng được mệnh danh là “một làng cổ Việt Nam điển hình, độc đáo về nhiều phương diện, rất cần được trân trọng gìn giữ, bảo tồn dài lâu, bền vững cho hôm nay và cho mai sau”.
Làm thế nào để thu hút khách đến với Đường Lâm?
Đại diện các hãng lữ hành đều có chung một quan điểm, về mặt giá trị văn hóa, không thể phủ nhận giá trị to lớn về phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa Việt cổ tại Đường Lâm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng việc quy hoạch, xây dựng, tổ chức quản lý và khai thác giá trị văn hóa cho phát triển du lịch ở làng cổ Đường Lâm.
Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Liên doanh du lịch APEX Việt Nam Nguyễn Tuấn Việt cho biết: nhiều du khách thắc mắc, gọi là làng cổ mà lại thấy có nhiều nhà xây theo lối mới, bê tông, mái bằng, các bể nước Inox lô nhô, dọc con đường chính vào làng; xe máy chạy nhanh, thỉnh thoảng lại có chiếc ô tô chạy trong làng…
Việc công nhận di tích làng cổ Đường Lâm bước đầu giúp cho du lịch Đường Lâm có thương hiệu. Tuy nhiên, cần lựa chọn những giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển sản phẩm du lịch. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Cục Di sản Văn hóa, việc tôn tạo một số ngôi nhà cổ và đình làng Mông Phụ với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đã đem lại thành công bước đầu; tiếp theo cần phải có quy hoạch tổng thể cho toàn bộ di tích, hạn chế tối đa việc xây dựng bê tông, mái bằng, sơn quét lòe loẹt… làm mất mỹ quan, phá hoại không gian làng cổ. Vật liệu đá ong là loại gạch truyền thống của làng, cần được khuyến khích sử dụng. Các vật liệu mới như bình inox, nhôm kính cần được vận động thay thế bằng những vật liệu phù hợp với không gian làng cổ.
Việc tổ chức giao thông trong làng có thể nghiên cứu các mô hình vận chuyển khách thô sơ bằng xe trâu, xe ngựa kéo, cho thuê xe đạp… vừa hấp dẫn, vừa để phục vụ khách nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phục hồi và tái tạo nghề truyền thống vốn có của làng để phục vụ du khách như nghề làm đậu tương, đan lát, trồng lúa, trồng rau… du khách đến đây không chỉ xem kiến trúc làng Việt cổ, mà được tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân; tổ chức các tour tìm hiểu mô hình khai thác gạch đá ong tại Đường Lâm và vùng phụ cận.
Khuyến khích người dân đầu tư, cải tạo nhà cửa thành các cơ sở lưu trú du lịch để khai thác loại hình du lịch ngủ tại nhà dân "Home stay", để khách có thể sống chung với người dân, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Hiện nay ở trong làng đã có một số nhà dân phục vụ cơm trưa cho khách du lịch, rất nhiều khách thích thú bữa cơm quê trong không gian nhà cổ với cơm cà muối, cá kho, đậu phụ, rau muống luộc… và tráng miệng bằng bát nước trà xanh và chè kho.
Theo Giám đốc Công ty Hỗ trợ Du lịch Đỗ Đình Cương, cần tập trung đầu tư cho đội ngũ thuyết minh viên tại điểm, vì phần lớn các di tích văn hóa (đặc biệt là văn hóa Việt cổ) đều nằm trong không gian phát triển du lịch cộng đồng, mà mục tiêu phát triển loại hình du lịch này nhằm xóa đói giảm nghèo, với mục đính thu hút càng nhiều người dân địa phương tham gia càng tốt. Do vậy, tập trung đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại điểm chính là phát triển du lịch cộng đồng một cách hiệu quả.
Du khách đến với Đường Lâm rất muốn tìm hiểu văn hóa Việt cổ (cả văn hóa vật thể và phi vật thể), đó là khẳng định của Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam PGS.TS Nguyễn Chí Bền. Tuy nhiên, không phải du khách nào cũng có nhiều thời gian, do đó, cần có những cuốn sách hướng dẫn, tập gấp và đĩa VCD cung cấp thông tin đầy đủ từ tổng thể cho đến chi tiết về làng cổ Đường Lâm để giới thiệu với du khách.
Ths. Bùi Thanh Thủy - Phó Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội đề xuất: cần xem xét vấn đề phát triển dịch vụ biểu diễn nghệ thuật truyền thống (múa rối nước, chèo, tuồng…) tại các điểm di tích ở làng cổ Đường Lâm; đưa du khách tiếp cận với những làn điệu dân ca ở sân khấu ngoài trời, trong một khung cảnh khoáng đạt của làng quê thuần Việt sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.
Những ý kiến của các nhà quản lý và kinh doanh du lịch tại hội thảo mang tính đột phá nhằm khắc họa mô hình xây dựng sản phẩm du lịch mẫu trong khuôn khổ Chương trình hành động Quốc gia về Du lịch tại làng cổ Đường Lâm - sản phẩm được xây dựng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa Việt cổ Đường Lâm, hy vọng mô hình sản phẩm sẽ được nhân rộng trong cả nước.../.
ĐỨC NGUYỄN