Thực trạng xây dựng thương hiệu điểm đến Du lịch Ninh Bình
Về sản phẩm du lịch
Ninh Bình là địa phương rất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Các tài nguyên du lịch tự nhiên có thế kể đến: Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn đất ngâp nước Vân Long, Khu du lịch sinh thái Tràng An, động Vân Trình… Bên cạnh các tài nguyên du lịch tự nhiên độc đáo, tài nguyên du lịch nhân văn cũng đa dạng với nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…
Hiện tại, Ninh Bình đang khai thác, phát triển 2 loại hình du lịch chính: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa với các sản phẩm du lịch tiêu biểu: du lịch tham quan, khám phá hang động; du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần; du lịch kết hợp hội nghị hội thảo; du lịch tâm linh, tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, lễ hội; du lịch cộng đồng.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… Bên cạnh đó, khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình cũng đang được đầu tư xây dựng mạnh để phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch như quy hoạch hệ thống nhà hàng, khách sạn, nâng cấp các tuyến phố đi bộ, xây dựng các trung tâm thương mại có quy mô lớn,.. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Ninh Bình là thiếu các cơ sở vui chơi giải trí để giữ chân khách, làm tăng chi tiêu của du khách.
Về nguồn nhân lực
Số lao động tham gia vào hoạt động du lịch tỉnh Ninh Bình thời gian qua tăng lên nhanh chóng. Nguồn lao động gián tiếp tham gia vào rất nhiều khâu trong quá trình khai thác tài nguyên và phục vụ khách du lịch đó là cộng đồng địa phương. Tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện chính sách mỗi người dân địa phương là một người làm du lịch, mỗi người chèo đò là một hướng dẫn viên. Mặc dù tỉnh đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho cộng đồng địa phương làm du lịch nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định cần khắc phục: kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ…
Về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch
Một trong những vấn đề cốt lõi của ngành Du lịch Ninh Bình là quản lý điểm đến, tiến hành hoạt động marketing nhằm nghiên cứu thị trường, chọn thị trường mục tiêu cho điểm đến, định vị điểm đến, xây dựng sản phẩm đặc thù cho điểm đến, từ đó xây dựng và quảng bá hình ảnh điểm đến trên thị trường du lịch; xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp cho Du lịch Ninh Bình, đầu tư kinh phí thích đáng cho công tác quảng bá; tăng cường công tác xúc tiến du lịch thông qua nâng cấp trang web du lịch Ninh Bình, xây dựng hệ thống các ấn phẩm quảng bá hấp dẫn cho du lịch, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, quảng bá về Du lịch Ninh Bình, tiến tới phủ sóng qua vệ tinh để quảng bá rộng rãi ở trong nước và quốc tế, tham gia các hội chợ du lịch trong nước và nước ngoài...
Ninh Bình xây dựng hệ thống tích hợp thông tin dữ liệu liên quan đến đầu tư phát triển du lịch, tăng cường chức năng tư vấn, đầu tư du lịch để hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện quy trình thủ tục đơn giản, hiệu quả.
Một số giải pháp xây dựng thương hiệu điểm đến Du lịch Ninh Bình
Xây dựng chiến lược phát triển du lịch toàn diện
Du lịch Ninh Bình muốn phát triển bền vững cần sự phối hợp đồng thuận trong mọi cấp, mọi ngành và chung tay của người dân trong việc xây dựng hình ảnh thân thiện, văn minh và chuyên nghiệp; cần có chính sách phát triển toàn diện cả về vật chất và trí tuệ trong hệ thống ngành Du lịch Ninh Bình. Bên cạnh đó, tỉnh cần phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện đúng chiến lược quốc gia, vùng miền, tận dụng sự giúp đỡ và hợp tác của nhiều cấp, nhiều ngành.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù
Thời gian tới, Du lịch Ninh Bình cần tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa và sinh thái có chất lượng cao. Việc khai thác các tour hang động gắn với chèo thuyền và sử dụng người dân địa phương làm thuyết minh viên cần được phát huy hiệu quả. Đây là hình ảnh riêng biệt khi du khách đến thăm Tràng An, Tam Cốc, Vân Long. Ngoài ra, các chương trình văn hóa tâm linh cũng cần được thực hiện gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống của Ninh Bình như: sử dụng không gian làng quê để thưởng thức các làn điệu chèo và hát xẩm. Đây là sự khác biệt và ấn tượng khi tham gia du lịch văn hóa tại Ninh Bình.
Các chương trình city tour và ven đô cũng nên khai thác các nét văn hóa địa phương: làng nghề và các món ăn đặc sản địa phương.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Tỉnh Ninh Bình cần có chính sách và chiến lược hoạch định nguồn nhân lực du lịch lâu dài, từ đó có kế hoạch đào tạo và sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; tập huấn tay nghề, kỹ năng cho cộng đồng địa phương… Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử của người làm du lịch. Đây cũng chính là một phần không thể thiếu hình thành thương hiệu điểm đến.
Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong tỉnh và liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú có chất lượng cao; tăng cường đa dạng hóa các dịch vụ bổ sung.
Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức
Muốn hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch có hiệu quả cần khai thác tất cả các loại ấn phẩm thông tin du lịch được sử dụng tại Việt Nam do cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch, các doanh nghiệp ấn hành và cung cấp cho du khách; tổ chức các chuyến famtrip, presstrip; tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm truyền thông, truyền hình; tham dự hội chợ, hội thảo và giao lưu các chương trình du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu về hình ảnh của Ninh Bình tới khách du lịch, đối tác và các nhà đầu tư; tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến, quảng bá…
Xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến của Du lịch Ninh Bình là nhiệm vụ cần thiết với những cơ hội và thách thức nhất định. Tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo, lượng khách tăng trưởng mạnh qua các năm. Tuy nhiên Du lịch Ninh Bình vẫn còn những hạn chế về chất lượng lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật, hiệu quả của các kênh xúc tiến, quảng bá… Trước công cuộc hội nhập và cạnh tranh gay gắt đòi hỏi ngành Du lịch Ninh Bình cần làm tốt công tác quản lý, xây dựng đồng bộ các chiến lược sản phẩm, xúc tiến để tạo dựng thương hiệu trên thị trường.
Tài liệu tham khảo
1. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình (2009), Nghị quyết số 15 - NQ/TU về việc phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2. Ngô Thị Huệ (2014), Luận văn thạc sĩ “Quản lý điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình”
3. PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (2012), Bài giảng “Marketing điểm đến du lịch”
4. TS Nguyễn Mạnh Quỳnh và cộng sự (2012), “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình, Kế hoạch phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020.
Ths. Ngô Thị Huệ
Ths. Trần Thị Thu