Để có thể phát triển và khai thác tốt nhất các tiềm năng du lịch sinh thái từ các vườn cây ăn trái, Đồng Tháp đã định hướng phát triển du lịch tại các vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch cộng nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch và tạo điểm nhấn trong quảng bá các vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương, tăng khả năng cạnh tranh cho Du lịch Đồng Tháp. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch sinh thái vườn nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh, hầu hết các chủ vườn đều chưa trải qua đào tạo nên khi chuyển sang làm dịch vụ du lịch đã gặp không ít khó khăn.
Thực trạng khai thác du lịch sinh thái vườn cây ăn trái tại Đồng Tháp
Làng du lịch Tân Thuận Đông
Làng du lịch Tân Thuận Đông được thành lập và đón khách vào cuối tháng 12/2016, nằm cách trung tâm thành phố Cao Lãnh hơn 4km, về phía Tây thuộc xã cù lao Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh. Sản phẩm đặc trưng nơi đây chủ yếu là nhãn Idor, xoài, mãng cầu sim, hoa màu. Khí hậu nơi đây khá là mát mẻ, có hai mùa rõ rệt nắng, mưa cũng là điều kiện phát triển các loài sinh vật.
Du khách sẽ cảm thấy thú vị khi được thưởng thức các món ăn như món chuột đồng nấu chua cơm mẻ, cháo rắn, canh chua cá linh, tép xào bông điên điển, cá cóc kho lạc ăn cùng rau đồng như đọt nhãn lồng, rau trai…
Làng du lịch Tân Thuận Đông có 2 điểm du lịch tham quan vườn nhãn, xoài là Thiện Thành và Sông Quê, hiện tại được xây dựng với nhiều dịch vụ du lịch đã và đang đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. Khi tham quan du lịch tại Làng du lịch Tân Thuận Đông, du khách có thể mua những món quà nhỏ để làm quà tặng như khăn rằn Nam Bộ, trái cây tươi, những vật dụng trang trí bằng thủ công mỹ nghệ… Với tiềm năng du lịch phong phú, Làng du lịch sinh thái Tân Thuận Đông đang hứa hẹn trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.
Vườn quýt hồng Lai Vung
Lai Vung từ lâu đã được người miền Tây phong tặng cho danh hiệu “vương quốc quýt hồng”. Hiện ở Lai Vung có hai điểm tham quan vườn quýt đó là: điểm Phương Nghi (ấp Tân Quý, xã Tân Phước) và điểm Út Tường (ấp Tân Khánh, xã Tân Thành). Đến đây, du khách được phục vụ giải khát, thưởng thức quýt hồng, quýt đường, đặc sản nem Lai Vung, đờn ca tài tử và các sản phẩm lưu niệm như mô hình thu nhỏ của các làng nghề đóng xuồng, ghe, đan lờ lợp.
Khu vườn xoài
Vườn xoài Cao Lãnh còn nhiều loại xoài như xoài thơm, xoài tượng, xoài gòn, xoài cóc, xoài Thanh Ca… nhưng nổi tiếng có xoài cát Chu và xoài cát Hòa Lộc. Đây là một trong những ưu thế để tỉnh Đồng Tháp định hướng khai thác đưa vào hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Du khách tham quan vườn xoài sẽ được chủ vườn giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển vườn xoài, kỹ thuật nhân giống xoài bằng cách ghép mắt, ghép cải tạo những cây xoài kém chất lượng, cách tỉa cành tạo tán, cách phân biệt các giống xoài, kỹ thuật bao trái, thu hoạch... Ngoài ra, nhà vườn cũng mở quầy trưng bày bán sản phẩm từ xoài như: xoài trái, xoài sấy, dưa xoài, sữa chua xoài, rượu xoài; cung cấp các dịch vụ: câu cá, tát mương bắt cá, các món ăn đặc sản của địa phương, đờn ca tài tử đặc biệt là hò Đồng Tháp... Du khách sẽ được trải nghiệm với phong cách du lịch miệt vườn thứ thiệt.
Khu trồng nhãn
Ngoài trái xoài, Đồng Tháp còn được nhiều nơi được biết đến là “thủ phủ” trồng nhãn của miền Tây tại huyện Châu Thành. Vùng đất này chuyên canh tác các loại nhãn thơm ngon như nhãn tiêu, nhãn xuồng, nhãn da bò, nhãn phú quý, nhãn Edor. Giữa những cù lao xanh mát, khách du lịch được trải nghiệm khám phá những vườn nhãn ở Châu Thành sẽ không khỏi bỡ ngỡ, thích thú trước những vườn nhãn xum xuê, cây xanh, trái ngon ngọt, không khí trong lành và đạp xe quanh khắp những con đường quê thanh bình, khám phá đời sống bình dị của cư dân bản địa.
Giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng tại tỉnh Đồng Tháp
Về cơ chế, chính sách
Cần tạo mọi điều thuận lợi và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp lữ hành đưa các điểm tham quan vườn cây ăn trái vào trong tour, tuyến du lịch trọng tâm của tỉnh; tạo thuận lợi để cộng đồng tại các khu vườn cây ăn trái đặc sản trên địa bàn được tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, khai thác các sản vật địa phương nhằm thu hút du khách. Ngoài ra, tỉnh cần có những giải pháp nhằm quy định đối với các hộ dân, tổ chức tham gia kinh doanh du lịch để cùng chia sẻ lợi nhuận và đóng góp cho công tác bảo tồn tài nguyên, gìn giữ những làng nghề truyền thống, cũng như môi trường tại những khu vườn cây ăn trái trong khai thác du lịch.
Xây dựng chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi trong việc đào tạo bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực địa phương trong phục vụ du khách thông qua thuyết minh hướng dẫn khách trải nghiệm các hoạt động tại các khu điểm vườn cây ăn trái.
Có chính sách hỗ trợ, giảm thuế, cho vay ưu đãi, khuyến khích sử dụng các tài nguyên du lịch bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch và những công trình dịch vụ du lịch để phục vụ du khách; chính sách giảm thuế, ưu đãi tài chính để cộng đồng tham gia khai thác du lịch một cách có hiệu quả và có những phương án chia sẻ lợi ích cộng đồng cho phát triển du lịch, góp phần nâng cao chuỗi giá trị.
Về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch
Để du lịch thật sự thu hút du khách thì Đồng Tháp cần tập trung giải quyết các vấn đề môi trường hướng đến phát triển du lịch bền vững:
Xây dựng các phương án bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với các sự cố môi trường tại các vườn cây ăn trái khai thác du lịch; tuyên truyền rộng rãi bộ quy tắc ứng xử du lịch có trách nhiệm tại các khu điểm này.
Thực hiện đánh giá chất lượng các dự án ảnh hưởng tới môi trường du lịch; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công nghệ, thiết bị, quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải và khả năng ứng phó sự cố môi trường của các vườn cây ăn trái. Song song với những chính sách nhằm khuyến khích hoạt động phát triển du lịch bền vững, đưa ra các biện pháp chế tài đối với những tổ chức du lịch, cá nhân thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, sinh thái.
Xây dựng các quy chế sử dụng nước, xử lý chất thải hợp lý và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách tại các khu, điểm du lịch.
Xây dựng những cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng gắn với các vườn cây ăn trái đặc trưng của tỉnh; xây dựng quy hoạch phát triển và khôi phục các làng nghề, thủ công truyền thống, chọn điểm đến để tạo ra các điểm tham quan du lịch mới, tăng trải nghiệm cho khách du lịch vừa kết hợp quảng bá đặc sản của tỉnh.
Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức đến người dân địa phương về phát triển du lịch bền vững, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào mọi hoạt động liên quan đến phát triển du lịch.
Giải pháp phát triển du lịch bền vững về xã hội, nhân văn cho cộng đồng
Tập trung tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia vào việc hình thành sản phẩm du lịch mới kết hợp trải nghiệm tham quan những vườn cây ăn trái đặc sản gắn liền với cuộc sống người dân, cải thiện thu nhập.
Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tham gia đóng góp đầu tư các công trình phúc lợi, hoạt động an sinh xã hội, nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, ưu tiên tuyển dụng và đào tạo lao động địa phương vào các hoạt động du lịch.
Bảo đảm quyền lợi của cộng đồng cư dân tham gia vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa, được hưởng lợi ích từ các sản phẩm du lịch.
Xây dựng các mô hình du lịch phù hợp, đảm bảo kết hợp phát triển du lịch sinh thái vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch cộng đồng một cách hiệu quả: đầu tư mở rộng các khu vườn cây ăn trái truyền thống kết hợp du lịch trải nghiệm khám phá sinh thái vườn; hướng dẫn cộng đồng áp dụng các quy trình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn quốc tế như VietGap, GlobalGap… kết hợp với đăng ký nhãn sinh thái cho các sản phẩm của địa phương; liên kết với các doanh nghiệp lữ hành tập huấn cho cộng đồng các kiến thức về du lịch, sinh thái, cộng đồng, bảo tồn thiên nhiên và sản xuất sạch; kết hợp khai thác du lịch vườn cây ăn trái với du lịch đường sông, giới thiệu các hệ sinh thái ven sông Tiền, sông Hậu độc đáo của tỉnh.
Tài liệu tham khảo
1. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2001 - 2010 và định hướng đến năm 2020.
3. Trần Thị Mai, 2005, Du lịch cộng đồng - du lịch sinh thái: Định nghĩa, đặc trưng và quan điểm phát triển, Trường Trung cấp nghiệp vụ du lịch Huế
4. Bùi Thị Hải Yến (chủ biên), 2012, Du lịch cộng đồng, NXB. Giáo Dục Việt Nam.
ThS. Võ Nguyên Thông
ThS. Đỗ Thị Kiều Hoa