Đôi nét về làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng
Làng Mỹ Lung xưa, nay gọi là Mỹ Lồng, thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, cách thành phố Bến Tre 7km. Muốn đến Mỹ Lồng, khách từ trung tâm thành phố Bến Tre xuôi về hướng Đông khoảng 5km, qua cầu kênh Chẹt Sậy là đến. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với nghề bánh tráng truyền thống. Người dân của quê hương Giồng Trôm nói chung, Mỹ Lồng nói riêng luôn tự hào với truyền thống làng nghề.
Làng nghề Mỹ Lồng được hình thành từ khi nào chẳng mấy ai nhớ rõ, nhưng theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm bánh tráng đã tồn tại cách nay khoảng 100 năm. Lại có giả thuyết cho rằng, thuở khai hoang lập ấp, để ứng phó với quân của chúa Trịnh nên quân của chúa Nguyễn yêu cầu dân Mỹ Lung tập trung gạo và sức dân để tráng bánh làm lương khô cho quân đội dự trữ chiến đấu lâu dài. Vì thế mà hình thành làng nghề bánh tráng lưu truyền đến nhiều thế hệ sau này.
Ngày xưa, bánh tráng Mỹ Lồng chủ yếu được các gia đình làm trong dịp tết để dâng cúng tổ tiên, ông bà. Ngày nay, sản xuất bánh tráng trở thành một nghề truyền thống. Mỗi lò bánh đều có công thức bí truyền riêng, nhưng khâu quan trọng nhất vẫn là lựa chọn nguyên liệu. Tùy theo loại bánh tráng mà người thợ sẽ cho nguyên liệu theo công thức phù hợp. Chỉ từ bột gạo hòa quyện nước cốt dừa, đường, muối, mè, sữa, trứng…, người dân Mỹ Lồng đã sáng tạo nên những chiếc bánh tráng thơm ngon, nhiều hương vị. Nếu là món bánh mặn thì có trứng, tôm khô; bánh gừng có thêm nước cốt gừng… Bánh sau khi làm xong được đóng gói cho vào túi ni lông sạch và cất trữ nơi khô thoáng.
Để làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng phát triển bền vững
Bánh tráng Mỹ Lồng không chỉ là một món ăn truyền thống của người dân địa phương mà còn là món quà được nhiều du khách lựa chọn khi đến xứ dừa. Nguồn nguyên vật liệu chính dùng trong sản xuất được chế biến từ nguồn nông sản như gạo, dừa… ngay tại địa phương nên có giá thành rẻ; vốn sản xuất ít, chu kì sản xuất ngắn dễ thu hồi vốn, mang lại lợi nhuận cao; dụng cụ dùng trong sản xuất đơn giản, có thể tự chế bằng các vật liệu rẻ tiền; kinh nghiệm sản xuất được các thế hệ trước truyền lại nên dễ dàng tiếp nhận... Làng nghề đã hình thành Hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng, là đầu mối cung ứng nguyên liệu và nơi tiêu thụ hàng hóa chất lượng. Hợp tác xã đã được Cục Sở hữu Công nghiệp công nhận nhãn hiệu độc quyền, được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam” năm 2008.
Thực tế hiện nay cho thấy, người sản xuất tận dụng mặt trời làm khô sản phẩm nên chỉ cho số lượng và chất lượng sản phẩm ổn định vào mùa nắng, bị gián đoạn vào mùa mưa, ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ và mức thu nhập của người sản xuất; các hộ chưa thống nhất công thức chế biến nên chưa sản xuất được số lượng sản phẩm lớn có cùng chất lượng và mẫu mã; chưa có được sản phẩm đại diện cho làng nghề nên chưa thể tiếp thị để xuất khẩu bánh ra thị trường nước ngoài. Do thiếu vốn nên đa số các hộ chưa có khả năng trang bị máy hút ép chân không vì thế sản phẩm thường có thời gian bảo quản không lâu. Mặt khác, đầu ra của sản phẩm không ổn định, mức tiêu thụ sản phẩm còn mang tính thời vụ, mạnh nhất là vào dịp tết (tháng 11 đến tháng 12 âm lịch), ảnh hưởng đến đời sống của người sản xuất.
Ngày 30/10/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề làm thủ công bánh tráng Mỹ Lồng là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Để nghề bánh tráng Mỹ Lồng phát triển, xứng đáng là Di sản quốc gia cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân làng nghề sống được với nghề. Trong đó, hướng phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch cần được ưu tiên nghiên cứu, triển khai.
Trước hết, để bánh tráng Mỹ Lồng xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường, các cơ quan quản lý tại địa phương cần hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện cải tiến bao bì, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của thị trường và nhu cầu của khách du lịch; chú trọng việc quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng bằng nhiều kênh thông tin khác nhau; kết hợp hợp lý giữa các công đoạn truyền thống và công nghệ hiện đại, áp dụng một phần công nghệ vào một số công đoạn của quá trình sản xuất, đồng thời vẫn phải kế thừa kinh nghiệm trong quy trình sản xuất thể hiện nét đặc trưng của sản phẩm. Trong quá trình này cần củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng, đồng thời tăng cường năng lực quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường tại làng nghề; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm bánh tráng để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng hiện đang thiếu nguồn nhân lực do các nghệ nhân ngày càng ít dần, lực lượng lao động trẻ không muốn theo nghề. Vì thế, các cơ quan quản lý tại địa phương cần hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo cho lớp trẻ, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động; tham dự các sự kiện triển lãm, thi tay nghề, tôn vinh nghệ nhân, các hoạt động văn hóa, lễ hội... quảng bá các sản phẩm làng nghề.
Phát triển du lịch làng nghề góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng một cách bền vững. Đây là bước đi khôn khéo vì không chỉ giúp làng nghề mở rộng thị trường, có nhiều cơ hội thúc đẩy sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại làng nghề. Để gắn với du lịch, người dân làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng cần có sự hỗ trợ nhằm kết nối với các doanh nghiệp du lịch để đưa khách đến làng nghề; đẩy mạnh nghiên cứu, tìm tòi để sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với khách du lịch; tổ chức bày bán các sản phẩm ngay tại làng nghề; đầu tư chỉnh trang lại cơ sở đón tiếp khách, điểm trình diễn nghề nhằm tạo điều kiện để khách chế tác hoặc tham gia vào công đoạn chế tác sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm làng nghề và cảnh quan làng nghề… Việc duy trì, làm đẹp cảnh quan, vệ sinh môi trường làng nghề cũng hết sức cần thiết nhằm tạo cho du khách cảm giác an toàn, thoải mái khi đến với làng nghề Mỹ Lồng.
Hy vọng, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng không chỉ tồn tại mãi với thời gian mà còn trở thành điểm đến của nhiều du khách khi địa phương thực sự quan tâm gắn kết giữa hoạt động làng nghề và du lịch.
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2022)