Nền tảng và thực trạng DLNN tỉnh Hưng Yên
Hưng Yên có diện tích đất nông nghiệp ít, gồm đất phù sa ngoài đê được bồi hàng năm và đất phù sa trong đê. Hệ thống sông ngòi nhiều, đặc trưng là sông Hồng, sông Luộc và mạng lưới sông nội đồng dày đặc thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Hưng Yên có có 400 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, làng Nôm (làng cổ Đại Đồng) và 59 làng nghề trong đó có nhiều làng nghề nông nghiệp. Sản vật đặc trưng có nhãn tổ phố Hiến, cây nhãn muộn đầu dòng Miền Thiết, gà Đông Tảo, dược liệu và thuốc nam Nghĩa Trai… Món ăn có đặc sản tương Bần, nhãn lồng, chả gà Tiểu Quan, cá mòi, bánh tẻ Văn giang… cùng nhiều công trình kiến trúc cổ, vốn văn nghệ dân gian phong phú, đặc trưng riêng. Đến nay, Hưng Yên đã có 70 sản phẩm OCOP; Trong đề án OCOP có 8 mô hình du lịch cộng đồng; Tỉnh cũng đã ban hành Bộ tiêu chí tạm thời về khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Nhìn chung nền tảng hoạt động nông nghiệp của Hưng Yên phong phú nhưng hầu như chưa được khai thác cho phát triển DLNN.
Hưng Yên đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, du lịch Hưng Yên trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn cho giai đoạn tiếp theo. Trong Quy hoạch đã thể hiện một số nét chung liên quan DLNN nhưng chưa có những chủ trương chính sách cụ thể, chưa có các đề án, dự án, kế hoạch gắn với du lịch nông thôn (DLNT), DLNN, du lịch cộng đồng (DLCĐ). Từ tháng 5/2020, dự thảo Đề án phát triển DLCĐ đã được đưa ra xin ý kiến các ban ngành nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Hưng Yên đã có một số hoạt động thu hút khách trong và ngoài nước tham quan các vùng sản xuất nông nghiệp đặc trưng. Khách du lịch đến Hưng Yên chủ yếu quan tâm sản phẩm du lịch tâm linh, một số kết hợp tham quan vùng sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có tour chuyên DLNN. Trước COVID-19, tổng thu từ du lịch của Hưng Yên tăng nhanh; đã hình thành một số tour, tuyến có gắn với loại hình DLNN như: Tour du lịch xanh phố Hiến với cây nhãn tổ; Tour du lịch homestay khám phá vùng đất Văn Giang, Khoái Châu với vườn cam, làng nghề bánh răng bừa, làng nghề hoa cây cảnh... Một số ít HTX và hộ nông dân đã tổ chức đón khách DLNN với phạm vi nhỏ, tạo nguồn thu từ dịch vụ ăn uống hoặc bán sản phẩm nông nghiệp. Công tác truyền thông về du lịch, trong đó giới thiệu về nhà cổ, làng cổ, nhãn, cây dược liệu đã được thực hiện nhưng vẫn còn hạn chế.
Một số giải pháp định hướng phát triển DLNN Hưng Yên
Ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DLNN phát triển: Để đẩy mạnh phát triển DLNN, Hưng Yên cần có sự quan tâm hơn nữa thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, như: Chương trình phát triển DLNN gắn với xây dựng nền nông nghiệp bền vững và NTM; Đề xuất giải quyết những vướng mắc về hạn điền, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh lớn, từ đó hình thành các điểm DLNN hấp dẫn; Tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng như đường, điện, nước sạch phục vụ phát triển DLNN; Tổ chức quy hoạch và xây dựng các điểm DLNN trên phạm vi toàn tỉnh; Nghiên cứu và ban hành cơ chế, quy định đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các chủ thể tham gia hoạt động DLNN…
Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của phát triển DLNN: Trước hết cần hiểu rõ nội hàm và sự khác nhau của hai khái niệm DLNN và DLNT. DLNT là chuỗi các hoạt động dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở vùng nông thôn để khai thác các giá trị ở vùng nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của cư dân không sống ở nông thôn hay cư dân vùng nông thôn khác. Trong khi đó, DLNN là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó cần có bốn thành tố: Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Phát triển DLNN không chỉ làm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng du lịch, cải thiện đời sống nông dân mà còn đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM, hạn chế sự chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với văn hoá và lối sống văn minh, hiện đại, góp phần xoá đói giảm nghèo một cách cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái...
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và quản lý nông nghiệp là giải pháp cơ bản, thường xuyên và tác dụng tích cực tới phát triển DLNN. Đầu tư công nghệ cao (CNC), nhất là khâu cơ giới hoá, tự động hoá sẽ tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, giảm sức lao động, tạo ra những vùng chuyên canh năng suất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh… Ứng dụng nông nghiệp CNC sẽ tạo ra nguồn tài nguyên du lịch mới ngay ở vùng nông thôn, góp phần thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, để đưa CNC vào sản xuất nông nghiệp cần hai yếu tố quyết định: vốn đầu tư và nhân lực trình độ cao. Đây là khó khăn lớn đối với nông dân song có thể giải quyết bằng việc tăng cường thu hút các nhà đầu tư tham gia, sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhân lực cho nông nghiệp CNC.
Kết hợp các loại hình du lịch nhằm tạo điểm nhấn: Thực tế cho thấy, khách du lịch đến Hưng Yên chủ yếu là đi tham quan đền, chùa, tham dự lễ hội còn điểm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn hầu như còn ít. Do vậy, ngành Du lịch Hưng Yên cần phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch kết nối các loại hình du lịch khác nhau, trong đó có các điểm DLNN gắn với trải nghiệm và mua sản phẩm nông nghiệp tại chỗ. Thời gian và lịch trình tour trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cần sự kết hợp của đa dạng các điểm đến, hoạt động và tạo điểm nhấn theo mùa vụ nông nghiệp của cây trái, các mùa hoa, sản vật nông nghiệp đặc trưng…
Tăng cường truyền thông: Đại dịch COVID-19 là cơ hội để thúc đẩy số hoá nhiều hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó ngành Du lịch nhằm hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Mặc dù tiềm năng du lịch Hưng Yên nói chung tương đối đa dạng nhưng thông tin tới khách hàng còn nhiều hạn chế bởi quá trình ứng dụng công nghệ trong quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành Du lịch Hưng Yên cần sản xuất các video, clip giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch ảo, các điểm đến có thế mạnh về DLNN để đưa lên các nền tảng mạng xã hội.
DLNN là một xu hướng mới đang ngày càng được quan tâm vì mang lại lợi ích thiết thực cho cả khách du lịch và dân cư nông thôn. DLNN tập trung khái thác nền tảng nông nghiệp và hướng vào lợi ích nông dân và cộng đồng địa phương. Xuất phát từ nền tảng hoạt động nông nghiệp và thực trạng phát triển du lịch Hưng Yên, nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp định hướng cho phát triển DLNN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nhằm góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Hưng Yên – sức sống mới từ nền tảng truyền thống (https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xabien- gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/hung-yen-sucsong- moi-tu-nen-tang-truyen-thong-588426.html)
2. Viện Khoa học PTNT và Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp & PTNT, 2021. Kỷ yếu hội thảo giải pháp phát triển Du lịch nông nghiệp và vận dung cho tỉnh Hưng Yên, Nhà xuất bản Dân trí
3. Viện Khoa học PTNT, 2021. Tài liệu hội thảo Thực trạng du lịch nông nghiệp tỉnh Hưng yên và định hướng phát triển. Hà Nội ngày 27/4/2021…
GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung
PGS.TS. Đinh Tuấn Hải
ThS.Vũ Thị Thanh Như
ThS.Trịnh Thị Phin
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 3/2022)