Du lịch sông nước
Cần Thơ có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hình thành nên các cồn, cù lao trên sông: cồn Ấu, cồn Khương, cồn Sơn, cù lao Tân Lộc và những vườn cây ăn trái xum xuê, 12 điểm nhà vườn như Mỹ Khánh, Giáo Dương, Vũ Bình, vườn ông Sáu Tía... Đây là những khu du lịch sinh thái hấp dẫn mang đặc trưng sông nước, miệt vườn mà các nơi khác không có được. Khi nhắc đến văn hóa miền sông nước không thể không nhắc đến văn hóa chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền đã được giới thiệu, bình chọn trên nhiều tạp chí du lịch uy tín Rough Guide, Youramazingplaces. Cần Thơ cũng từng đạt giải thưởng tại Cuộc thi Cảnh quan châu Á 2016, với bài dự thi “Cần Thơ - Thành phố sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Chính những giá trị của sông nước đã được khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Cần Thơ cũng đẩy mạnh khai thác vị trí trung tâm trung chuyển đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: mở thêm các tour, tuyến du lịch sông nước tại Cần Thơ và từ Cần Thơ đến các tỉnh trong và ngoài vùng; hợp tác với An Giang, Kiên Giang hình thành “Tam giác du lịch” mạnh nhất khu vực với các loại hình du lịch sông nước - biển đảo - núi.
Du lịch MICE
Với lợi thế thành phố trực thuộc Trung ương, vị trí địa lý và vai trò đô thị trung tâm vùng, đồng thời là điểm giao cắt giữa tuyến du lịch quốc gia với tuyến du lịch quốc tế đường thủy trên sông Mê Kông, Cần Thơ có điều kiện thuận lợi để tổ chức các sản phẩm du lịch sự kiện, hội nghị hội thảo, triển lãm và khuyến thưởng.
Quận Ninh Kiều là nơi tập trung khá nhiều trung tâm hội nghị, hội thảo, mua sắm, triển lãm, nhà hàng và khách sạn. Các điểm du lịch sinh thái cũng là điểm đến phù hợp, hỗ trợ cho hoạt động du lịch MICE như Khu du lịch Mỹ Khánh, Khu du lịch Cồn Sơn, làng cổ Long Tuyền. Ngoài ra, hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao từng bước được nâng cấp, hoàn thiện. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 270 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 140 khách sạn 1 - 5 sao) với tổng số khoảng 7.000 buồng. Thành phố có những trung tâm hội nghị với cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, có sức chứa hàng nghìn chỗ ngồi như trung tâm hội nghị Hoàng Tử, Diamond Palace, trung tâm hội nghị thuộc các khách sạn như Mường Thanh, Vinpearl, Ninh Kiều, Đông Hà - Fortuneland, TTC, Nesta… Bên cạnh các khu vui chơi giải trí nằm trong các trung tâm thương mại như hệ thống phòng tập gym 5 sao, hệ thống rạp chiếu phim…, Cần Thơ còn có các thiết chế văn hóa lớn của vùng, hệ thống công viên cây xanh được nâng cấp cải tạo mới, các điểm, tụ điểm vui chơi giải trí…
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Cần Thơ - Những việc cần làm
Đối với sản phẩm du lịch sông nước
Chính sách thu hút đầu tư phát triển: để phát triển du lịch đường thủy nội địa, trước hết cần đảm bảo yếu tố cơ sở hạ tầng phù hợp và đồng bộ như cầu tàu, bến tàu, nhà chờ đón khách đủ tiêu chuẩn, nhà vệ sinh công cộng, các trạm dừng chân kết hợp đường bộ và đường sông… Các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nên được xã hội hóa, tận dụng các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước. Ví dụ như hiện nay, du thuyền The Lady Hau Cruise thuộc khách sạn Victoria được làm từ các loại gỗ quý đang được du khách nước ngoài rất ưa chuộng.
Đa dạng hóa sản phẩm: Cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các sản phẩm mới đặc trưng cho từng địa điểm du lịch như: khách sạn du thuyền trên sông, biểu diễn nghệ thuật đường phố, văn hóa văn nghệ, lễ hội, các hoạt động vui chơi giải trí trên sông, mở rộng các tuyến, tour du lịch đường sông…
Đối với chợ nổi Cái Răng, để đảm bảo hoạt động buôn bán trên sông diễn ra tấp nập và thường xuyên thì ngoài mùa cao điểm thu hoạch trái cây từ các nhà vườn và các nông sản khác, vào những thời điểm trái mùa cần liên kết hợp tác thu mua các sản phẩm nông nghiệp từ các vùng miền khác nhằm phân phối đến các ghe, tàu của những thương hồ trên chợ nổi.
Đối với sản phẩm du lịch sông nước gắn với sinh thái ở Phong Điền, cần nâng cấp, tạo cảnh quan xanh trên các tuyến giao thông chính cả đường bộ, đường thủy; thông luồng các tuyến sông rạch và trồng cây chống sạt lở, hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái; từng bước đầu tư xây dựng hệ thống kè dọc sông Cần Thơ, kênh Trà Niềng và các tuyến kênh, sông trọng yếu khác gắn với phát triển du lịch đường sông.
Truyền thông, quảng bá về du lịch sông nước: Du lịch đường sông tại Tp. Cần Thơ được du khách biết đến với những tour, điểm du lịch quen thuộc như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền… Chính vì vậy, việc truyền tải thông tin, hình ảnh về những điểm đến khác như cồn Sơn, cồn Ấu, cù lao Tân Lộc… trên cả 2 kênh là online và offline cần thực hiện sớm. Đối với kênh online, cần có nhiều video, clip giới thiệu về du lịch sông nước Cần Thơ hay chia sẻ trải nghiệm của các nhân vật nổi tiếng trên youtube và các trang mạng xã hội. Đối với kênh offline, có thể thực hiện bằng các ấn phẩm như brochure, tờ thông tin, băng rôn... hay tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch để quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Việc kết hợp giữa du lịch đường sông và các điểm đến trên bờ đòi hỏi nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp đủ khả năng phục vụ, tạo sự hài lòng đối với du khách. Do vậy cần trang bị kiến thức về lịch sử gắn liền với địa phương cho đội ngũ hướng dẫn viên; đào tạo các kỹ__ năng phục vụ cho các nhân viên phục vụ trên tàu; trang bị kỹ năng mềm cho nhân viên như kỹ năng giao tiếp, bơi lội...
Bảo vệ, tái tạo môi trường sông nước: Nguồn nước sông trên địa bàn thành phố đang bị ảnh hưởng mạnh bởi hoạt động kinh tế, tình trạng xả rác ven sông và trên sông đã dẫn đến môi trường sông nước bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Để phát triển du lịch đường sông, việc tái tạo các con sông, rạch nhỏ nhằm đảm bảo thông tuyến, thông luồng, liên kết tuyến điểm du lịch đường sông tạo ấn tượng đẹp trong tâm trí du khách khi tham gia loại hình du lịch này.
Đối với loại hình du lịch MICE
Chiến lược thu hút khách du lịch MICE: thường xuyên quảng bá hình ảnh Du lịch Cần Thơ trên các ấn phẩm du lịch trong và ngoài nước, các trang thông tin điện tử, trong các hội chợ du lịch quốc tế và trong nước; xuất bản các ấn phẩm du lịch MICE giới thiệu những thông tin về cơ sở lưu trú, phòng họp tiện nghi, khách sạn cao cấp, điểm tham quan, chương trình vui chơi giải trí sau hội nghị bằng các thứ tiếng Anh, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc...
Hoàn thiện dịch vụ du lịch MICE: đầu tư xây dựng hội trường phục vụ hội nghị, hội thảo với qui mô lớn, hoàn thiện các dịch vụ phục vụ các hoạt động MICE như cho thuê trang thiết bị, dịch vụ in ấn, biên dịch tài liệu, đặc biệt là dịch vụ phiên dịch và người dẫn chương trình sự kiện; đầu tư mới các trang thiết bị, nâng cấp hệ thống phòng ngủ cao cấp để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách MICE. Đối với dịch vụ ăn uống, tạo dựng những phong cách ẩm thực khác nhau bên cạnh những món ăn đặc trưng riêng để tạo nét hấp dẫn và thu hút thực khách. Đồng thời, bổ sung các dịch vụ vui chơi giải trí, phục hồi sức khỏe, xây dựng các chương trình du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan và khám phá của du khách. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm cao cấp, điểm vui chơi giải trí hiện đại.
Liên kết nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ: liên kết loại hình du lịch MICE với các loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch văn hóa để thiết kế những tour hấp dẫn và đưa du khách khám phá các loại hình du lịch đặc thù khác của thành phố.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo đặc biệt, chuyên sâu về du lịch MICE cho đội ngũ nhân viên về các nghiệp vụ, kiến thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động MICE. Đồng thời, liên kết với các tổ chức có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch MICE để bồi dưỡng, tập huấn về kinh nghiệm quản lý, kỹ năng phục vụ, giao tiếp cho nhân viên và quản lý tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhân lực làm công tác quản lý nhà nước...
Tài liệu tham khảo:
1. UBND TP. Cần Thơ, Đề án phát triển du lịch đặc thù Tp. Cần Thơ năm 2018 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Ngô Nguyễn Hiệp Phước (2018), Lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của Tp. Cần Thơ, Trường Cao đẳng Cần Thơ.
3. Trần Thị Hồng Yến (2018), Xây dựng mô hình phát triển du lịch sông nước ở Tp. Cần Thơ, Luận văn Thạc sĩ Địa lý học...
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 8/2021)