Trọng điểm phát triển du lịch
Kiên Giang có 4 vùng du lịch trọng điểm: vùng du lịch Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận; vùng du lịch Phú Quốc; vùng du lịch Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; vùng U Minh Thượng. Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019, Du lịch Phú Quốc phát triển nhanh và được định hướng trở thành khu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế. Các sản phẩm chính của Kiên Giang hiện nay là: du lịch thể thao biển; lặn ngắm san hô và sinh vật biển Phú Quốc; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng biển trung cấp Hà Tiên - Kiên Lương; tham quan các quần đảo tàu thủy Kiên Hải, Hà Tiên - Kiên Lương; tham quan các loài sinh vật vườn quốc gia và nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng tràm ven biển U Minh Thượng…
Thời gian qua, Kiên Giang là một trong những tỉnh thu hút đầu tư du lịch hàng đầu của ĐBSCL. Từ năm 2018 - 2020, tỉnh thu hút được 47 dự án đầu tư du lịch. Đến nay, toàn tỉnh thu hút 323 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.448ha và tổng vốn đầu tư là 355.677 tỷ đồng. Phú Quốc thu hút nhiều dự án nhất, có 279 dự án đầu tư du lịch (chiếm 86% dự án đầu tư của tỉnh), với diện tích 9.947ha, tổng vốn đầu tư là 349.733 tỷ đồng. Tại Phú Quốc, các cơ sở lưu trú đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của của khách trong nước và quốc tế, có khả năng tổ chức du lịch hội nghị, các sự kiện lớn. Nhiều khách sạn tại Phú Quốc được các tổ chức, trang mạng uy tín thế giới đánh giá là khu nghỉ dưỡng hàng đầu/sang trọng bậc nhất thế giới…
Theo định hướng Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt và Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiên Giang đã cơ bản hình thành 5/8 sản phẩm du lịch đặc thù tại Phú Quốc: du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch hội nghị cao cấp; tham quan công viên động vật hoang dã; tham quan, mua sắm tại trang trại nuôi trồng và cửa hàng sản phẩm ngọc trai; tham quan trại nuôi giống chó Phú Quốc và xem đua chó. Ba khu du lịch được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là khu du lịch cấp tỉnh gồm: Khu du lịch quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên), Khu du lịch quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Khu du lịch Lại Sơn (Kiên Hải) cũng đang thu hút ngày càng nhiều du khách.
Mặc dù những năm qua, Kiên Giang đã trở thành tỉnh dẫn đầu về lượng khách và doanh thu của vùng ĐBSCL nhưng theo các chuyên gia, Du lịch Kiên Giang còn nhiều dư địa để phát triển.
Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/11/2017 của Tỉnh uỷ Kiên Giang về phát triển du lịch Kiên Giang đến 2020 và định hướng đến năm 2030 đã mang đến nhiều thay đổi tích cực. Du lịch Kiên Giang không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Giai đoạn 2018 - 2020, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt 21.868.134 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1.484.236 lượt; tổng doanh thu đạt 42.670 tỷ đồng…
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Để Du lịch Kiên Giang phát triển chuyên nghiệp, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới Kiên Giang sẽ thực hiện một số giải pháp sau:
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng hóa các loại hình du lịch hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh cao: Củng cố các sản phẩm du lịch đặc thù hiện có; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch… Chú trọng phát triển Phú Quốc thực sự trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. Xem xét đánh giá và kêu gọi thu hút đầu tư vào các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh như: vùng Hà Tiên - Kiên Lương, vùng Rạch Giá - Kiên Hải, vùng U Minh Thượng đặt trong mối liên kết với Phú Quốc và vùng ĐBSCL. Liên kết vùng tạo chuỗi sản phẩm du lịch, phối hợp các tỉnh vùng ĐBSCL bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ…
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch: Rà soát các văn bản đã triển khai thực hiện, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phát triển du lịch. Huy động tối đa nguồn xã hội để đầu tư phát triển du lịch theo hướng cơ cấu lại ngành Du lịch.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hỗ trợ phát triển du lịch. Dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao…
Nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch: Tăng cường hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hoạt động của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm xây dựng Du lịch Kiên Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững. Đổi mới phương thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành du lịch.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm để tăng cường thu hút khách du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện.
Phát triển nguồn nhân lực: Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua các chính sách ưu đãi. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng lao động ngành Du lịch, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người dân ở các khu du lịch, nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện cho tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch…
Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch: Triển khai hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các khung pháp lý đã được ban hành để huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nhằm tạo mọi điều kiện cho du lịch phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống khách sạn, các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên và các cơ sở dịch vụ du lịch…
Lê Trang
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)