Bối cảnh mới và các vấn đề đặt ra cho Du lịch Việt Nam
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá tác động từ đại dịch COVID-19 là rất lớn đối với ngành Du lịch. Năm 2020, các điểm đến đã đón ít hơn 100 triệu lượt khách du lịch quốc tế so với năm 2019 (giảm 70 - 75%). Điều này dẫn đến việc mất đi 935 tỷ USD doanh thu từ du lịch, mức lỗ gấp hơn 10 lần năm 2009 dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Du lịch toàn cầu trở về thời điểm của 30 năm trước (1990) với số lượng khách quốc tế giảm hơn 1 tỷ lượt (ch�� khoảng 400 triệu lượt khách/năm), doanh thu du lịch quốc tế mất đi khoảng 1,1 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, du lịch quốc tế có thể trở lại bình thường vào năm 2022, nhưng có thể mất từ 2,5 - 4 năm để phục phồi.
Đến thời điểm hậu COVID-19, thị trường quốc tế mở cửa trở lại, các quốc gia sẽ tập trung vào việc khôi phục thị trường, do đó sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt. Trong đó, các quốc gia có tiềm lực kinh tế vững vàng sẽ có ưu thế hơn và hồi phục nhanh hơn. Điển hình như đến nay, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận với một số hãng hàng không về trợ cấp của Chính phủ đối với ngành vận tải hành khách. Chính phủ Pháp và Hà Lan sẽ cung cấp gói tài trợ lên tới 11 tỷ EUR (hơn 12 tỷ USD) cho hãng hàng không Air France-KLM. Chính phủ Singapore cũng sẽ hợp tác với khu vực doanh nghiệp tư nhân để cung cấp gói tài trợ lên tới 19 tỷ SGD (khoảng 13,4 tỷ USD) để hỗ trợ cho hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines. Một số nước tìm kiếm các giải pháp, chiến lược tái khởi động ngành Du lịch theo khái niệm “hành lang du lịch” (travel corridors). Một số nước như Australia, New Zealand, Estonia, Latvia, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã nghiên cứu để cho phép khách du lịch nước ngoài nhập cảnh khi các du khách này đến từ một quốc gia lân cận đã kiểm soát được dịch bệnh hoặc như khái niệm “bong bóng du lịch” (travel bubbles) cũng được một số nước Đông Nam Á nghiên cứu đề xuất. Các nước chưa có sức cạnh tranh cao sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút khách du lịch và phục hồi sau đại dịch, cả về thu hút thị trường, tái khởi động lại các dịch vụ, bên cạnh đó là khả năng kiểm soát y tế, đảm bảo an toàn khi khôi phục mở cửa biên giới quốc gia.
Dự báo sự phục hồi của ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19
COVID-19 khiến cho xu hướng tiêu dùng du lịch có nhiều thay đổi. Theo các chuyên gia quốc tế dự báo, khách du lịch sẽ sử dụng các kỳ nghỉ ngắn (micro-cations) thay cho các kỳ nghỉ dài; đi du lịch gần nhà thay cho xa nhà; nhu cầu biệt lập thay vì đại chúng; hình thành nhu cầu về loại hình du lịch thông minh (offline); đi du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình; du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ được quan tâm hơn…
Bối cảnh du lịch thế giới bị tổn thất nặng nề do COVID-19 cũng tạo ra những cơ hội để ngành Du lịch các quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất khi quay trở lại. Ngành Du lịch Việt Nam cũng vậy, đại dịch đã đặt ra nhiều bài toán trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện các dịch vụ, hạ tầng du lịch, nâng cao hiệu quả quảng bá xúc tiến du lịch, cải cách các thủ tục xuất nhập cảnh... tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Việc xây dựng và thực hiện các hoạt động du lịch trong nước vừa thỏa mãn được các nhu cầu của du khách, vừa phải đảm bảo được sự an toàn trong cộng đồng.
Giai đoạn này ngành Du lịch Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt để có thể tham gia vào cuộc chiến cạnh tranh sau đại dịch bằng các hành động như: nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện trình độ và kiến thức nguồn nhân lực; tận dụng quảng bá hình ảnh quốc gia qua những kỳ tích mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phòng chống dịch COVID-19... Du lịch Việt Nam cũng cần đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, hội nhập và hiệu quả đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, yếu tố truyền thống để phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế.
Giải pháp nhằm biến thách thức thành cơ hội
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Việc triển khai xây dựng trung tâm điều hành du lịch thông minh phục vụ chuyển đổi số ngành Du lịch là điều rất cần thiết hiện nay. Đầu tư nhiều hơn vào giải pháp truyền thông số cho các phương án truyền thông đã cũ không còn phù hợp với xu hướng thị trường.
Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch
Miễn giảm các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và xã hội cho doanh nghiệp du lịch, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp có nguồn tài chính vững chắc nhưng đang gặp vấn đề về dòng tiền tạm thời do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12 - 18 tháng tương đương các tour đã đặt cho khách hàng nhưng không thể đi vì dịch COVID-19; áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo tối ưu hoá lợi thế địa phương.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thêm sản phẩm du lịch mới, chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng của nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp. Đặc biệt, thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn cho du khách để tạo niềm tin bởi sau dịch bệnh, tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn là nỗi lo.
Kích cầu thị trường du lịch nội địa
Để thúc đẩy du lịch nội địa, cần tăng cường các chuyến bay nội địa và các chuyến tàu hỏa đến các điểm du lịch chính. Việc này vừa giúp vực dậy ngành Giao thông - mạch máu của nền kinh tế vừa tạo điều kiện thúc đẩy ngành Du lịch nội địa khôi phục. Thực hiện các gói kích cầu tiêu dùng, trong đó có kích cầu người tiêu dùng trong nước sử dụng dịch vụ du lịch.
Nguyên tắc cơ bản của chương trình kích cầu là đảm bảo an toàn cho du khách, giảm giá các dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả du khách có điều kiện đi du lịch nhưng không giảm chất lượng dịch vụ; tăng thêm dịch vụ bổ sung nhưng không tăng giá để đảm bảo hấp dẫn du khách.
Cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế
Việc đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế là cần thiết bởi nếu chỉ trông chờ vào một vài thị trường nhất định như Trung Quốc và Hàn Quốc thì sẽ không bền vững. Ngoài ra, tập trung quảng bá khách đến và đi tại các thị trường hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch MICE .
Để phục hồi du lịch quốc tế, cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như: tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế, miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh; bổ sung giải pháp visa hài dạn song phương với Australia, New Zealand, Nhật Bản.
Mở rộng liên kết hợp tác quốc tế về du lịch
Hợp tác quốc tế về du lịch đóng vai trò quan trọng để tăng cường hội nhập, mở rộng kết nối và thúc đẩy hợp tác thực chất. Có thể đa dạng hoá các hoạt động hợp tác quốc tế về du lịch thông qua lồng ghép hoạt động hợp tác song phương và đa phương, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, kết hợp sự kiện quốc tế với xúc tiến quảng bá để tranh thủ thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển du lịch. Hợp tác với Trung Quốc và Hàn Quốc tạo ra vùng du lịch biệt lập có thể giúp Du lịch Việt Nam vượt lên Thái Lan. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng sang thị trường du lịch Nga, Tây Âu và Ấn Độ.
Nhiều quốc gia ở châu Âu tạo bong bóng du lịch bằng cách liên kết với nhau để thúc đẩy du lịch quốc tế. Anh đã đạt được thỏa thuận với Pháp để mở lại đường bay quốc tế. EU cũng đang đàm phán giữa các nước với nhau. Đây là cách tiếp cận nhanh nhất để sớm mở lại hàng không quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cũng có thể thu hút du khách quốc tế nhanh và đơn giản bằng cách tạo ra “bong bóng du lịch” cho du khách riêng kiểu Việt Nam.
Ngành Du lịch Việt Nam sẽ phải mất một thời gian để hồi phục sau khi dịch COVID-19 bị khống chế, nhưng rõ ràng, có nhiều cơ sở để lạc quan tin tưởng vào những bước tiến ngoạn mục của ngành công nghiệp không khói Việt Nam trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Phú Cường (2020), Đa phương hóa, đa dạng hóa hợp tác quốc tế để phát triển Du lịch Việt Nam, Tạp chí Du lịch số 1+2/2020
2. Phạm Trương Hoàng, Trần Huy Đức và Ngô Đức Anh (2020). Tác động của đại dịch Covid 19 đối với ngành Du lịch Việt Nam và các giải pháp ứng phó. Trường đại học Kinh tế Quốc Dân
3. Tổng cục Du lịch (2020). Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020, https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/international, truy cập 6/6/2021
4. UNWTO (2020). Tác động của Covid-19 dến ngành du lịch thế giới năm 2020, https/:/vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/international, truy cập 18/6/2021...
Phí Hải Long
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)