Sức hấp dẫn của giai điệu dân ca quan họ
Ở Bắc Ninh, mỗi làng quan họ mở hội theo những ngày khác nhau, nhưng sau Tết Nguyên Đán, đại diện các làng đều về làng Diễm dâng hương hoa phẩm vật xin đức vua Bà cho làng mình mở hội hát mỗi ngày mỗi đông. Theo truyền thuyết, vua Bà chính là người sáng lập ra các làn điệu dân ca quan họ. Làng Diễm có hơn 200 câu hát cổ mẫu mực, khác các làng khác ở sự nhấn nhá, luyến láy cùng ca từ theo lối tự sự với cách dùng ngôn ngữ cổ dân gian. Trong nhiều cuộc thi quan họ, không phải ngẫu nhiên những người giật giải thường là các liền anh, liền chị làng Diễm.
Và thật lạ chính cái đặc sản văn hóa ấy đã khiến cho không ít người sinh sống khắp mọi miền Tổ quốc tới Việt kiều ở các nước xa xôi phải nhớ, phải vấn vương. Hình ảnh những cụ già ở cái tuổi 70, 80 nhuộm răng đen, vận bộ quần áo nâu sòng điệu nghệ dùng ngón tay trỏ gầy guộc cất lên những làn điệu quan họ cổ của La rằng, Cây gạo, Đường bạn Kim Loan, Còn duyên, Ngồi tựa mạn thuyền, Vào chùa, Đêm qua nhớ bạn… là nét riêng hấp dẫn của các vùng quê quan họ.
Mong muốn quan họ trở thành Di sản Văn hóa thế giới
Theo ông Nguyễn Đăng Túc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, nếu quan họ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó không chỉ là vinh dự của cộng đồng dân cư vùng Kinh bắc xưa mà còn là niềm tự hào của đồng bào cả nước. Dân ca quan họ sẽ được bảo tồn theo quy định quốc tế và địa phương có trách nhiệm hơn vì khi đó quan họ không còn là của riêng Việt Nam, mà đã trở thành di sản văn hóa của cả nhân loại. Tuy nhiên, trên thực tế, không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh đang chịu những tác động tiêu cực của dòng chảy hiện đại. Những bài quan họ cổ xuất hiện ít hơn, trình diễn quan họ theo đúng lề lối cổ cũng mai một dần; người ta bắt đầu đưa quan họ vào nhà hàng, hát bằng loa đài, hát qua điện thoại rồi… Trong bối cảnh đó, bảo tồn quan họ như thế nào nhất là khi chúng ta đang gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang là câu hỏi khiến không ít người phải suy nghĩ.
Người dân Việt Nam và những du khách quốc tế yêu mến dân ca quan họ Bắc Ninh đều mơ ước rằng một ngày nào đó không xa, sẽ xây dựng được một làng văn hóa - du lịch quan họ đúng nghĩa. Trong làng này, đáp ứng đầy đủ yêu cầu cảnh quan của không gian làng quan họ, có đồi, núi, sông, có khu vực dành riêng cho các nghệ nhân trình diễn và có khu vực để giới thiệu, trình chiếu quan họ... Du khách không chỉ được thưởng thức quan họ, mà còn thưởng thức ẩm thực, trang phục, nói rộng ra là cả nền văn hóa Kinh bắc. Địa điểm thích hợp xây dựng làng quan họ có thể là khu vực đồi Lim…
Cuối tháng 10/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định gửi hồ sơ “Văn hóa Quan họ Bắc Ninh” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại giống như nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Kết quả thế nào, chúng ta còn phải đợi. Nhưng dẫu sao, đó cũng là một tin vui đối với tất cả những ai luôn thiết tha gìn giữ những giai điệu trữ tình và quyến rũ của người quan họ./.
HOÀNG HÙNG