|
Du khách chèo xuồng khu du lịch ông Sáu Giáo (Vĩnh Long) |
Lênh đênh… xuồng chèo!
Xuất phát từ TP. Mỹ Tho, du khách sẽ có dịp dong thuyền lướt trên sông Tiền khoảng 45 phút là đến Khu du lịch Thới Sơn. Đây là vùng đất mới, được bồi đắp bởi phù sa sông Tiền nên cây cối xanh tốt quanh năm. Đến đây, du khách có thể tự tay hái trái ngon, nghe nhạc tài tử, thưởng thức những món ăn đậm đà chất Nam bộ và có thể ngủ ngon qua đêm với các gia đình trên đất cù lao này… Rời du thuyền, chúng tôi lại được hòa mình vào sóng nước sông Tiền trên những chiếc đò chèo thật hấp dẫn và thú vị, tha hồ chiêm ngưỡng những vườn trái sum suê, những hàng bần lay trong gió. Tuy nhiên, có rất nhiều du khách bị chao đảo trước những cơn sóng to. Tiếng la í ố mỗi khi có chiếc xuồng chòng chành làm nước tạt vào mạng xuồng… Nhiều du khách không dám bước xuống vì sợ nước. Do đặc thù phát triển chủ yếu du lịch sông nước, miệt vườn của tỉnh nên các doanh nghiệp chủ yếu tập trung phát triển các phương tiện vận chuyển đường thủy để phục vụ vận chuyển du khách trong các tuyến du lịch sinh thái miệt vườn tại các địa chỉ du lịch trên các cù lao. Tính đến nay, ngành Du lịch Tiền Giang có 194 du thuyền lớn nhỏ và 540 đò chèo có thể chuyên chở 2.600 du khách du ngoạn mỗi ngày.
Vượt qua sông Tiền, chúng tôi đến với những khu du lịch sinh thái của tỉnh Vĩnh Long. Đây được xem là cái nôi của loại hình du lịch này đã tồn tại và phát triển hơn 20 năm qua. Theo ông Trần Minh Triết, Trưởng phòng du lịch Sở Thương mại – Du lịch tỉnh Vĩnh Long: Toàn tỉnh hiện có trên 30 điểm du lịch sinh thái với 70 du thuyền đưa đón khách và hơn 30 thuyền chèo ở các điểm vườn sinh thái ở cù lao Bình Hòa Phước. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các điểm du lịch ở đây đều được tiếp đón rất nồng hậu, chân tình và cỡi mở. Cũng như các loại hình du lịch ở Tiền Giang, du khách đến Vĩnh Long cũng được thưởng thức các loại đặc sản của miền sông nước, nghe đờn ca tài tử và được chèo thuyền trên sông. Mới đây, chúng tôi có dịp ghé qua khu du lịch sinh thái nhà ông Sáu Giáo ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ. Do là ngày thứ bảy nên khách đến rất đông. Phía trên nhà có cả trăm du khách đang thưởng thức các món ăn đặc sản, phía dưới bến sông có hàng chục chiếc đò chèo xếp hàng chờ đến lượt. Theo quy định, mỗi chiếc xuồng chỉ được chở từ 2-3 du khách, nhưng do khách quá đông, số lượng xuồng có giới hạn, những người điều hành du lịch ra hiệu cho chở luôn 4 đến 5 người. Nhiều chiếc xuồng chèo lé đé mặt nước. Một trong số du khách chỉ cần nhích nhẹ qua một bên là nước tràn vô… ào ào. Trong số những người chèo đò có người trên 60 tuổi, gần 20 năm qua mới chèo lại để chở khách… Đáng nói hơn, ở nhiều điểm du lịch khách đến rất đông, xuồng chèo rất nhiều nhưng cầu bến đón khách xuống cấp trầm trọng, rất nhiều năm không sửa chữa, khiến nhiều du khách cảm thấy bất an và sợ hãi…
Nhằm đảm bảo tính an toàn cho du khách, vừa qua, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đã thanh tra các phương tiện vận chuyển du lịch, kết quả trong số 51 phương tiện tàu thuỷ vận chuyển khách du lịch được kiểm tra thì có đến 50 phương tiện không có chứng chỉ thợ máy theo quy định của pháp luật và một phương tiện hoạt động không mua bảo hiểm. Đáng lưu ý hơn là các phương tiện cứu hộ như phao cứu sinh, kèn, đèn không đảm bảo theo quy định. Các bến đón và nhận khách du lịch hầu hết đã xuống cấp không đảm bảo an toàn cho du khách và chủ phương tiện. Một điều cần quan tâm hơn nữa là ở các điểm du lịch này từ lâu xuất hiện nhiều nhóm trẻ níu kéo khách hàng nhiều giờ liền bởi những cọng lá dừa xếp lại thành hình. Không ít du khách gạt tay bỏ đi nhưng những đứa trẻ này cứ níu kéo, mời gọi,… đã làm không hài lòng nhiều du khách.
|
Điểm đón khách tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) |
Lộn xộn… ở bến Ninh Kiều:
Từ nhiều năm qua, mỗi ngày từ 5-6 giờ sáng cho tới chiều tại Bến Ninh Kiều (BNK) tàu có hàng chục người tụ tập bên lề hành lang của (BNK) để chuẩn bị “đón khách”. Cứ thấy bóng dáng xe du lịch (hoặc khách đi bộ, dù là khách du lịch hay không có nhu cầu) các chủ tàu đều hăm hở nhào ra mời mọc, níu kéo (thậm chí chụp giựt). Trong vai những hành khách đi du lịch sông nước chúng tôi xuống BNK. Vừa đặt chân xuống đất, chúng tôi đã được các chủ tàu bao vây tiếp đón một cách “niềm nở”: “Huynh đi đâu vậy, tàu của em ngon lắm, bảo đảm an toàn, đi bên này nè giá cực rẻ”,… Hàng loạt những câu chào mời khách kiểu như vậy được tung ra chen lẫn tiếng chửi thề. Chúng tôi hỏi giá tour đi từ BNK đến vườn du lịch Mỹ Khánh khoảng bao nhiêu, các chủ tàu “hét”: 500.000 đồng. Nhưng một anh bạn thổ địa cho biết, giá thực tế cho một chuyến đi như vậy khoảng từ 200.000 - 250.000 đồng, còn tùy theo số người. Sau đó liên tiếp những điểm du lịch như: chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, vườn du lịch Ngọc Xinh, Hưng Thạnh… được mời chào với giá trên trời. Nhưng khi chúng tôi vừa từ chối liền được “khuyến mãi” bằng những lời lẽ rất khó viết ra… Theo ngành chức năng, hiện nay bến tàu du lịch (BTDL) Ninh Kiều có khoảng 50 tàu du lịch lớn nhỏ đang hoạt động. Ngành chức năng có đưa ra nhiều biện pháp khắc phục nhưng vẫn còn tồn tại.
Cần đảm bảo an toàn, chất lượng:
Để tăng thêm phần hấp dẫn trong các tour ở miền Tây, ngành chức năng các tỉnh, thành phải tạo điều kiện cho du khách là người tham gia vào chính những cuộc chơi, không chỉ giới thiệu tham quan mà cho họ thâm nhập vào cuộc sống đời thường của người dân. Không gian xã hội mà du khách tham gia là cuộc sống thường ngày của người dân như cày bừa, gặt đập lúa, tát mương bắt cá, thả lưới, đi câu, hay những hoạt động mua bán trên sông ở các khu chợ nổi. Đây là nét riêng vô cùng hấp dẫn của các tour du lịch vùng đồng bằng sông nước. Tuy đã có bước chuẩn bị tích cực nhưng hoạt động du lịch vùng ĐBSCL cũng còn nhiều khó khăn. Tình trạng cạnh tranh giảm giá, không quan tâm đến chất lượng du lịch, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, không đầu tư cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp lữ hành là rào cản cho sự phát triển của ngành du lịch. Hơn nữa, tính chuyên nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên, những người làm du lịch chưa cao. Đây là vấn đề rất cấp thiết cần phải nhanh chóng có giải pháp cải thiện vì chất lượng dịch vụ phụ thuộc hơn 50% ở lực lượng lao động này.
Thượng tá Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng của tỉnh, trong thời gian tới, công an phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt các mục tiêu: đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, không để xảy ra các trường hợp xâm phạm đến sức khoẻ, tài sản và kiên quyết ngăn chặn các tệ nạn xã hội; đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa, không để xảy ra các trường hợp tai nạn giao thông (nhất là tai nạn giao thông đường thuỷ) đối với khách đến các điểm du lịch trên địa bàn; kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi hoạt động du lịch để tuyên truyền, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước thềm năm mới, lượng khách đến miền Tây sẽ càng đông hơn. Nhất là các điểm du lịch sinh thái ở các tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ,… phải đảm bảo an toàn, an ninh trật tự. Nhất định du khách sẽ hài lòng hơn nữa một khi chỉnh đốn lại những điều còn bất cập, thiếu sót.
Bài và ảnh: BÁ DŨNG