*Ông có thể đánh giá tóm tắt những thành công của Năm Du lịch quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008 ?
Nhìn lại một năm hoạt động, chúng tôi nhận thấy đã có chuyển biến từ nhận thức khá rõ nét của cấp uỷ, chính quyền và toàn xã hội quan tâm đến sự phát triển của du lịch ĐBSCL.Điều ấy thể hiện qua sự liên kết, hợp tác khá mật thiết giữa các Bộ, Ngành Trung ương, UBND các tỉnh, ngành du lịch trong khu vực, đồng thời có sự tiếp sức, hỗ trợ của Tp Hồ Chí Minh và một số tỉnh vùng, miền lân cận.Đặc biệt là các lãnh sự, đại sứ quán một số nước trong tiểu vùng Mekong cũng đến tham dự.Khâu tổ chức, các hoạt động giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm về quản lý, tiếp tân, quảng bá sản phẩm du lịch, làm rộn lên một bước hoạt động du lịch sông nước miệt vườn,với Ngày Hội Văn hoá -Thể thao& Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ và trên 20 sự kiện, lễ hội ở các tỉnh, thành thể hiện khá đậm nét sắc thái vùng sông nước châu thổ Cửu Long.Chỉ tính riêng Cần Thơ đã đầu tư 95 tỷ đồng thành lập thêm 24 khách sạn, nâng tổng số hiện có 150 cơ sở lưu trú, 31 khách sạn từ 1 đến 4 sao với 1.274 phòng…
Tóm lại, trong suốt Năm Du lịch quốc gia , đến giờ này có thể nói TP Cần Thơ cùng với các tỉnh đã gặt hái thành công mức độ khá rõ nét.Doanh thu du lịch có gia tăng, tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong nội bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong vùng cùng chung tay phát triển du lịch.
*Thế còn mặt nào tồn tại hay không, thưa ông?
Theo tôi, ngành du lịch Tây Nam bộ vẫn còn bộc lộ một số mặt yếu cần nhanh chóng đề ra các giải pháp khắc phục như: hoạt động lữ hành của khu vực còn yếu, thiếu phương tiện vận chuyển, hướng dẫn viên tài năng và nhiều tua tuyến du lịch không hấp dẫn.Đơn cử như ở Tp Cần Thơ ,trong số 18 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp thực sự hoạt động và có báo cáo hàng tháng.
Đa số các doanh nghiệp nắm thông tin chưa nhiều, hoạt động chưa thực sự đi vào chiều sâu, một số không ít doanh nghiệp du lịch chưa biết tận dụng cơ hội để tuyên truyền quảng bá, cách làm ăn vẫn còn mang tính cò con, nhỏ lẻ, rời rạc,nếu không muốn nói là vẫn còn mang tính ăn xổi ở thì, sản phẩm du lịch hãy còn nghèo nàn và trùng lắp,thiếu sự liên kết hợp tác chặt chẽ.Bên cạnh đó,nhiều nơi thiếu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ còn hẩng hụt, tính chuyên nghiệp chưa cao; một phần do cơ sở hạ tầng thấp kém, việc đầu tư quảng bá, tiếp thị và các kênh thông tin chưa nhiều, thiếu quà lưu niệm dành riêng cho từng tua, tuyến nhất là ở các cửa ngõ đầu vào, các cửa khẩu trọng điểm…
*Thưa ông,như vậy các tỉnh,thành trong khu vực cần sớm làm gì để khắc phục những khiếm khuyết kéo dài ấy?
Liên kết có lộ trình cụ thể qua các chương trình hoạt động thiết thực, không hô hào khẩu hiệu chung chung là một trong những yêu cầu không thể thiếu đối với việc phát triển du lịch trong tình hình hiện nay.Tuỳ theo điều kiện cụ thể, đề ra các giải pháp khả thi nhưng nhất thiết phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, có chính sách thu hút chất xám, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư đến phát triển lâu dài và nhất là có sự cộng đồng trách nhiệm giữa các ngành các cấp và cộng đồng dân cư.Qua đó, tăng cường phát triển các làng nghề gắn kết với phục vụ du lịch, đảm bảo môi trường theo hướng bền vững.
*Có nhất thiết thành lập một công ty cổ phần du lịch lữ hành khu vực?Nếu có, ai sẽ đứng ra vận động tổ chức, kêu gọi cổ đông?
Việc này đã có đề nghị thông qua nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành, nhưng theo tôi , vẫn cần các doanh nghiệp liên kết với nhau dưới sự giúp đỡ của cơ quan hữu quan.Nếu công ty sớm được hình thành, hoạt động lữ hành ở ĐBSCL sẽ có thể phát huy hiệu quả tốt hơn.
Năm 2008, Du lịch Cần Thơ đón 817.000 lượt khách lưu trú, tăng gần 18% so với năm 2007, trong đó khách quốc tế tăng 12% và khách nội địa tăng 19% với tổng doanh thu của thành phố trên 455 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ năm trước, đóng góp vào ngân sách trên 35 tỷ đồng, tăng hơn 25%. Đây chính là tiền đề thuận lợi bước đầu giúp các tỉnh, thành tăng tốc phát triển.
|
NGUYỄN HÀ PHƯƠNG (thực hiện)