EWEC là một trong những dự án hợp tác phát triển trụ cột tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với mục tiêu khai thác tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, đồng thời tăng cường liên kết kinh tế trong tiểu vùng, với toàn ASEAN và bên ngoài, nhằm sớm đẩy lùi đói nghèo trong khu vực.
Quá trình hợp tác phát triển kinh tế
Phát biểu tại lễ khai mạc EWEC 2007, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm cho rằng với việc khánh thành cầu Hữu Nghị II trên sông Mekong vào tháng 12/2006, về cơ bản việc xây dựng Hành lang Kinh tế Đông Tây đã hoàn tất. Sự kết nối giao thông giữa các tỉnh đầy tiềm năng của 4 nước đã đánh dấu một mốc quan trọng trong hợp tác khu vực, biến cả khu vực này thành một khu vực phát triển năng động, hữu nghị và hợp tác, nâng cao đời sống của nhân dân.
Tại Diễn đàn Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Phó Thủ tướng Thường trực CHDCND Lào Somsavat Lengsavad, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar U Maung Myint cũng bày tỏ sự quyết tâm về việc xây dựng một hệ thống hài hòa, phù hợp với lợi ích chung và lợi ích riêng của từng nước, nhằm tiến đến xây dựng một hàng lang không biên giới với những thủ tục thông thoáng, gọn nhẹ, giao thông thông suốt. Từ đó, mở ra cơ hội giải phóng các tiềm năng kinh tế tại mỗi địa phương và các nước. Trưởng đoàn đại biểu Vương quốc Thái Lan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Sommai Phasee, cho biết: "Chính phủ Thái Lan trong thời gian qua đã duy trì việc chi mỗi năm 2 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và 55 triệu USD từ năm 1998 đến 2006 để nâng cao đời sống người dân Thái Lan trong khu vực mà EWEC đi qua".
Tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng EWEC đã mở ra những lợi thế phát triển, tạo thuận lợi cho vận tải thương mại, hành khách, thu hút FDI và đầu tư vào khu vực, hình thành không gian kinh tế xuyên quốc gia, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua liên kết, thúc đẩy phát triển tiểu vùng, tiến tới một cộng đồng phát triển trong khu vực. Là cửa ngõ thông ra biển của khu vực, miền Trung Việt Nam được coi là đầu ra quan trọng cho hàng hóa từ Thái Lan, Lào, Myanmar và đến các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia... Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện của ngân hàng châu Á (ADB) dự báo đến năm 2010, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo sẽ đạt 100 triệu USD.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đặt ra là xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân tại các địa phương dọc hàng lang thì còn nhiều vướng mắc về quy định thông quan, lưu thông xe ô tô tay lái nghịch, xây dựng các loại hình dịch vụ, hạ tầng dọc theo hành lang, cơ chế ưu tiên cho nhà đầu tư, thúc đẩy sự tham gia của kinh tế tư nhân… cần phải giải quyết.
Điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch trong EWEC
Sự ra đời của EWEC đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia thành viên trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động du lịch. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng hạ tầng giao thông phát triển đã cho phép kết nối bốn di sản văn hoá thế giới của các nước liên quan, thực hiện sáng kiến “ba nước, một điểm đến”. Ý tưởng “ăn sáng trên đất Thái Lan, ăn trưa tại Lào, tắm biển và ăn tối tại miền Trung Việt Nam” đến nay đã trở thành hiện thực. EWEC có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch do tính chất vừa thống nhất, vừa đa dạng. Trong hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, các tỉnh trong EWEC được xác định là một trong 13 vùng du lịch chiến lược, ưu tiên tập trung phát triển tới năm 2015. Các địa phương của 4 nước có Hành lang đi qua mỗi năm đón trung bình 15 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ phát triển về lượng khách luôn ở mức cao: năm 2004 là 26,4%, năm 2006 tăng 15,8%. Riêng đối với Việt Nam, năm 2006, khách du lịch đến các tỉnh thuộc Hành lang đạt 4,45 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 1,57 triệu lượt. Trong 8 tháng đầu năm 2007, cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) đã đón 163.000 lượt khách qua lại và trên 30.000 phương tiện giao thông, tăng gấp đôi con số cùng kỳ năm 2006. Du lịch Việt Nam đã xác định phát triển tuyến đường bộ dọc Hành lang Đông Tây để thu hút khách Thái Lan, Malaysia, Singapore sang Việt Nam là một trong những định hướng quan trọng.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, góp phần xoá đói giảm nghèo khu vực dọc tuyến hành lang, cần có sự quan tâm hơn nữa của các Chính phủ, sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan du lịch quốc gia các nước trong khu vực, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ. Theo Giám đốc thị trường Đông Dương - Tổng cục Du lịch Thái Lan Pichai Raktasinha: Việt Nam là đối tác quan trọng trong phát triển du lịch của tuyến EWEC. Tuy nhiên các tour caravan từ Thái Lan sang Việt Nam hiện vẫn chưa thuận lợi do thủ tục xin phép lưu thông ô tô tay lái nghịch thường mất nhiều thời gian. Do vậy, muốn phát triển du lịch theo tuyến EWEC, ngành Du lịch và các ngành hữu quan như Giao thông, Hải quan của các quốc gia cần tiếp tục đề xuất đơn giản hoá các thủ tục xuất nhập cảnh, quá cảnh đối với người và hành lý của khách du lịch phù hợp với khả năng quản lý và thông lệ quốc tế. Cơ quan Du lịch các quốc gia cần có chiến dịch xúc tiến quảng bá chung về tuyến EWEC; quy hoạch phát triển để ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng trạm nghỉ trên toàn tuyến để cung cấp thông tin cho du khách về điểm đến…
EWEC là sản phẩm hết sức cụ thể của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và Tuần lễ EWEC 2007 chắc chắn là ''cú huých'' quan trọng để các chính phủ các nước thuộc EWEC cũng như các tỉnh dọc tuyến Hành lang cùng nhau giải quyết những vấn đề tồn đọng, mang lại cơ hội phát triển mới cho khu vực này./.
PV