Chính sách phát triển các khu du lịch quốc gia trên thế giới, bài học rút ra cho Việt Nam
Kinh nghiệm về chính sách phát triển du lịch tại các khu du lịch quốc gia ở một số nước trên thế giới
Khu du lịch quốc gia Goseokjeong, Hàn Quốc
Khu du lịch Goseokjeong là một trong 8 tuyệt cảnh tại Cheolwon, Gangwondo, Hàn Quốc, được công nhận là khu du lịch quốc gia vào năm 1977. Khu vực Goseokjeong bao gồm một dòng suối trong vắt uốn quanh các dãy đá cổ thạch với nhiều hình thù đa dạng. Dòng suối khu vực thượng lưu có chiều dài khoảng 2km, nơi đây còn có khu vực thác tại hạ lưu cũng khoảng 2km. Đây là một trong các tuyệt cảnh mà các vị vua thời Goryeo thường đến thưởng ngoạn. Nơi đây trở nên nổi tiếng hơn từ sau điển tích về anh hùng Lim Keok Jeong thời Chosun – được ví như Robinhood của Hàn Quốc. Với nhiều tuyệt cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Goseokjeong luôn luôn thu hút khách du lịch đến thăm vào cả bốn mùa trong năm với các hoạt động ngắm cảnh hay chèo thuyển cảm giác mạnh. Đây cũng là điểm khởi đầu cho các tour du lịch DMZ như Chiến trường hình tam giác Iron (Iron Triangle Battlefield), Trung tâm Bảo tồn và vào mùa đông, du khách có thể chiêm ngưỡng các đàn chim di cư.
Trong phát triển du lịch tại khu du lịch quốc gia Goseokjeong, chính phủ Hàn Quốc đã có một số chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch tại dây, trong đó phải kể đến các chính sách kích cầu và xúc tiến quảng bá du lịch phong phú thông qua yếu tố văn hóa, giải trí Hàn Quốc.
Hàng năm lượng du khách đến tham quan Hàn Quốc nói chung và các điểm du lịch, trong đó có Khu du lịch quốc gia Goseokjeong, không ngừng tăng lên, mang lại nguồn thu nhập ngoại tệ khổng lồ, phát triển đất nước. Theo những báo cáo gần đây về số lượng khách du lịch đến Hàn Quốc, hơn một nửa số khách châu Á đặt chân tới quốc gia này bị hấp dẫn bởi những đoạn quảng cáo, phim truyền hình, và đặc biệt là những bài hát của Hàn Quốc. Và Goseokjeong cũng là địa điểm quay hình của nhiều phim truyền hình cổ trang lẫn hiện đại, show truyền hình cũng như phim điện ảnh nổi tiếng toàn châu Á cũng như thế giới, tiêu biểu như phim “Gió thổi mùa đông năm ấy”, “Bác sĩ Jin”, “Chiến binh Baek Dong Soo”...
Khu du lịch quốc gia núi Tam Thanh, Trung Quốc
Núi Tam Thanh nằm ở phía Bắc huyện Ngọc Sơn, Thượng Nhiêu thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, có niên đại khoảng 1 tỷ năm trước, là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Năm 2005, núi Tam Thanh được công nhận là một điểm danh lam thắng cảnh quốc gia quan trọng, một khu du lịch quốc gia cấp 4A (cấp cao nhất ở Trung Quốc là 5A), một di sản thiên nhiên quốc gia và một công viên địa chất quốc gia. Năm 2008, núi Tam Thanh được UNESCO công nhận là "Di sản Thiên nhiên thế giới".
Để phát triển du lịch tại đây, Chính phủ Trung Quốc cũng như chính quyền tỉnh Giang Tây và thành phố Thượng Nhiêu đã áp dụng rất nhiều chính sách, trong đó phải kể đến một số chính sách sau:
Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong đó đặc biệt quan trọng là hệ thống giao thông và các phương tiện vận chuyển khi đi du lịch đến Giang Tây. Hệ thống đường cao tốc được đầu tư giúp du khách dễ dàng di chuyển giữa các tỉnh, huyện. Có các tuyến xe khách, xe buýt đến thẳng những địa điểm tham quan nổi tiếng. Ngoài ra, đi tàu thuyền cũng là một lựa chọn thêm cho du khách. Hệ thống cảng ở Giang Tây rất phát triển. Có cả cảng phục vụ hàng hóa và hành khách. Một phương thức khác là đi tàu hỏa. Ở Giang Tây có cả tàu sắt truyền thống và tàu cao tốc.
Hệ thống khách sạn ở tỉnh Giang Tây và thành phố Thượng Nhiêu rất phát triển để phục vụ cho du lịch. Đến các điểm tham quan tại Giang Tây, trong đó có Khu du lịch núi Tam Thanh, du khách sẽ có nhiều sự lựa chọn với các cơ sở lưu trú đa dạng và chất lượng.
Chính sách bảo tồn và tôn tạo tài nguyên du lịch ở Trung Quốc cũng rất được coi trọng. Trong những năm gần đây, khách du lịch tới các thành phố lớn tại Trung Quốc ngày càng giảm do tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng. Chính phủ Trung Quốc vì vậy đã có những chính sách đầu tư bảo tồn và tôn tạo tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn để thúc đẩy du lịch.
Núi Tam Thanh là điểm du lịch mang giá trị tự nhiên rõ nét, các yếu tố địa chất mang giá trị lịch sử quý giá cùng với những cảnh quan độc đáo kỳ vĩ chính là điểm nhấn của khu du lịch này. Do vậy, tại đây, chính phủ Trung quốc cũng như chính quyền thành phố Thượng Nhiêu luôn cố gắng gìn giữ cảnh quan và môi trường tự nhiên, tránh ảnh hưởng tới môi trường du lịch của Khu du lịch Núi Tam Thanh. Khu vực trung tâm thành phố Thượng Nhiêu đã xây dựng hoặc cải tạo một loạt các công viên thành phố như công viên Nhân dân, công viên Tử Dương, công viên hồ Long Đàm, vườn thực vật thành phố Thượng Nhiêu…; xây dựng hoặc cải tạo hơn 20 tuyến đường cây xanh và vành đai xanh như đại lộ núi Tam Thanh, đại lộ Quảng Tín, đại lộ Quy Phong…, cơ bản đã hình thành xương sống xanh hóa đường xá. Hiện nay, thành phố Thượng Nhiêu nghiêm túc thực thi chế độ quản lý vành đai xanh và “chế độ con dấu màu xanh”, tăng cường kiểm tra quy hoạch các hạng mục xanh hóa đồng bộ và quản lý nghiệm thu hoàn công, bảo đảm cho các phương án thiết kế được thực thi triệt để.
Thành phố Thượng Nhiêu cũng đã cho ra đời 14 văn kiện và chế độ quản lý ngành nghề mang tính quy phạm, công tác quản lý vườn cảnh thành phố đang từng bước đi vào quỹ đạo chế độ hóa. Bên cạnh đó, điểm đến này còn mang trong mình cả giá trị lịch sử, văn hóa, vì thế nhiều chính sách về bảo tồn và phát huy văn hóa đã được đưa ra. Hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa đàn tranh Trung Quốc, khiến càng nhiều người hiểu biết về đàn tranh, tìm hiểu về đàn tranh và yêu thích đàn tranh, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm, tham gia và theo dõi của khách du lịch nội địa và quốc tế, thu hút họ đến thành phố Thượng Nhiêu, cũng như Khu du lịch núi Tam Thanh.
Từ những chính sách đó, trong thời gian qua, Khu du lịch quốc gia Goseokjeong (Hàn Quốc) và Khu du lịch Núi Tam Thanh (Trung Quốc) vẫn luôn phát triển ổn định và bền vững. Đây là mục tiêu quan trọng trong các chính sách phát triển du lịch nói chung và phát triển khu du lịch quốc gia nói riêng tại bất cứ quốc gia nào.
Bài học rút ra cho các khu du lịch quốc gia tại Việt Nam
Trên cơ sở những kinh nghiệm về các chính sách phát triển du lịch đang được áp dụng tại các khu du lịch quốc gia ở một số quốc gia châu Á có thể rút ra một số bài học sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần xác định đúng vị trí, vai trò của ngành và quan tâm phát triển du lịch. Xác định đúng vai trò của du lịch trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển du lịch. Chính phủ cần có chính sách quốc gia xuyên suốt cho phát triển du lịch và coi trọng chiến lược phát triển du lịch bền vững, quan tâm tới môi trường; cần xây dựng và cụ thể hóa các chiến lược du lịch tại từng địa phương, gắn chặt với phát triển bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, cùng với những quy hoạch và hoạch định chính sách phù hợp để đảm bảo các khu du lịch quốc gia tại Đà Lạt (Lâm Đồng và Sapa (Lào Cai) có thể phát triển du lịch nhanh chóng nhưng vẫn bền vững, hiệu quả.
Thứ hai, lập chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch, làm tốt chiến lược maketing, tổ chức xúc tiến sản phẩm và điểm đến du lịch, xem đây là kênh giới thiệu sản phẩm du lịch đến với du khách. Coi trọng đầu tư cho chiến lược xúc tiến du lịch. Nhà nước ưu tiên hỗ trợ kinh phí quảng bá, ngoài ra các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng phải đóng góp vì nó được coi là yếu tố mang lại lợi ích kinh tế cho chính họ.
Thứ ba, đào tạo nhân lực du lịch, coi trọng bồi dưỡng, sử dụng nhân lực du lịch để xây dựng và phát triển du lịch hiệu quả.
Thứ tư, xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Muốn vậy, cần quan tâm đến những yếu tố: phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng mang tính đặc trưng và những yếu tố hấp dẫn khác trong xây dựng sản phẩm du lịch; và coi trọng việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch
Thứ năm, liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch tại các khu du lịch quốc gia. Việc liên kết du lịch giữa các lãnh thổ khác nhau cho phép khai thác những lợi thế tương đối của nhau về tài nguyên du lịch, về vị trí trong giao thương, về hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật và các nguồn lực khác để phát triển du lịch. Đồng thời, liên kết du lịch giữa các chủ thể hành chính còn tạo nên khả năng cạnh tranh cao hơn đối với các bên liên quan nhằm thu hút đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch đến mỗi địa bàn nhằm thu lợi nhuận, đồng thời giải quyết việc làm cho nguồn lao động địa phương.
Thứ sáu, tạo môi trường chính trị ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách tại các quốc gia điểm đến, nơi có các khu du lịch quốc gia. Đây cũng là sự lựa chọn ưu tiên của du khách cho những điểm đến du lịch trong tương lai.
Phát triển du lịch đòi hỏi những chiến lược và chính sách dài hạn, trong sự quản lý vĩ mô của Nhà nước và sự tham gia các tất cả các thành phần liên quan. Những kinh nghiệm trên đây là những bài học bổ ích về chính sách du lịch mà các khu du lịch quốc gia tại Việt Nam có thể và cần vận dụng để phát triển du lịch trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 1927/QĐ-TTg, ngày 1 tháng 12 năm 2017, về việc Công nhận Khu du lịch quốc gia Sapa, tỉnh Lào Cai
2.Quyết định số 205/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 2 năm 2017, về việc Công nhận khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
ThS. Dương Thị Hồng Nhung