Cuối năm 2006, trong quá trình điều tra khảo sát khảo cổ học tại huyện Xín Mần (Hà Giang), Viện Khảo cổ học Việt Nam và Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Xín Mần đã phát hiện 2 tấm đá lớn có niên đại khoảng 2.000 năm thuộc xã Nấm Dẩn, cách trung tâm huyện lỵ 16km về hướng Tây Nam. Tiếp tục khảo sát ở khu vực này, các nhà khoa học đã phát hiện thêm sáu di tích chạm khắc cổ và nhiều tảng đá trong diện tích hơn 8ha với khoảng 80 hình khắc đá với những hình dáng khác nhau.
|
Hình chạm khắc trên đá tại bãi đá cổ Nấm Dẩn |
Toàn bộ quần thể di sản đá cổ Nấm Dẩn nằm giữa dãy núi Tây Ðản phía Bắc và dãy núi đồi Nấm Dẩn ở phía Nam, gần sát với con suối Nậm Khoòng trên độ cao 1.400m so với mực nước biển. Theo người dân Nùng sống gần đó, quần thể di sản văn hoá đá cổ có tên là “nà phảư lai shử (có nghĩa là khu ruộng có đá vẽ hình chữ) đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay. Các bức bích họa trong quần thể văn hóa đá cổ Nấm Dẩn mô tả cuộc sống sinh hoạt của con người như ruộng bậc thang, suối, vầng trăng, văn hóa phồn thực mô tả con người và hoạt động đời sống của con người, nhiều hình tròn, hình bàn tay, bàn chân, hình khắc sinh thực khí... Tuy nhiên, những hình khắc đó mang ý nghĩa như thế nào thì vẫn chưa có lời giải. Để tạo được những hình khắc vẽ này, người xưa đã sử dụng kỹ thuật đục khắc trực tiếp trên bề mặt tảng đá. Những nét khắc chạm thường có bề rộng khoảng 2cm, sâu chừng 1cm với những nét đục khắc đều đặn. Nhìn chung những hình khắc vẽ này còn mang đầy tính biểu tượng, ước lệ nhưng đó là những sáng tạo nghệ thuật tạo hình thời tiền sử. Chủ nhân của những hình khắc vẽ đã có khái niệm về thẩm mỹ, về cái đẹp bản năng trong đời sống thiên nhiên trong sinh hoạt cộng đồng và đã thể hiện chúng trên đá.
Theo các nhà khảo cổ học, những ký tự được khắc chạm tại quần thể di sản đá cổ Nấm Dẩn có nhiều nét tương đồng với bãi đá cổ Sapa, rất có ý nghĩa trong quá trình nghiên cứu, xác định nguồn gốc văn hóa của người Việt cổ. Khi so sánh hình khắc vẽ trên đá cổ Nấm Dẩn với Sapa cho thấy một số điểm giống nhau: sử dụng dụng cụ bằng kim loại để đục khắc tạo hình; cùng có một số hình vẽ như những vạch khắc song song, hoa văn hình tròn, biểu tượng sinh dục nữ… Điều này cho thấy giữa chủ nhân bãi đá cổ Xín Mần và Sapa có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên, ở bãi đá cổ Xín Mần có những vòng tròn đồng tâm bên trong có nhiều lỗ khoét, hoặc hình bàn chân người mà Sapa không có. Những hình bàn chân người là đề tài khá phổ biến trong nghệ thuật tạo hình nguyên thủy ở khu vực cũng như trên thế giới. Đó là cơ sở để các nhà khảo cổ cho rằng những hình khắc ở Xín Mần cổ xưa hơn hình khắc Sapa. Hơn nữa, bãi đá cổ Nấm Dẩn chưa được nhiều người biết đến nhưng về mức độ tập trung và vẻ đẹp các hình vẽ còn hấp dẫn hơn so với di tích đá cổ ở Sapa. Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Xín Mần Nguyễn Thị Minh Lý cho biết, đến nay tục thờ cúng thần đá vẫn được người dân địa phương tổ chức hàng năm vào ngày 2/6 âm lịch. Rất có thể, tục lệ này cùng tồn tại với những tảng đá có hình khắc và đặc biệt là 2 tấm đá lớn (cự thạch) của cư dân thời tiền sử ở đây.
Với những giá trị đặc biệt, quần thể di tích bãi đá cổ Nấm Dẩn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia ngày 21/2/2008. Giá trị nghiên cứu khoa học của bãi đá cổ Nấm Dẩn rất cao bởi hầu như chưa có sự xâm hại của con người. Hiện nay, các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các hình khắc vẽ ở bãi đá cổ Nấm Dẩn nhằm làm rõ hơn về giai đoạn hình thành sự sống của con người và tín ngưỡng gắn liền với di tích đá cổ. Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa giàu bản sắc của người dân nơi đây, quần thể di sản đá cổ Nấm Dẩn đang dần trở thành điểm du lịch văn hóa dành cho du khách ưa khámphá và tìm hiểu về lịch sử vùng đất cực Bắc Tổ quốc.
HÀ DU