*Nhìn lại năm 2008, theo ông Du lịch Thừa Thiên - Huế đạt được những kết quả và tồn tại những yếu kém gì?
Năm 2008, Thừa Thiên - Huế tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều du khách, hoạt động du lịch vẫn có bước chuyển biến tích cực so với năm 2007. Năm 2008, Thừa Thiên - Huế đã đón được 1,7 triệu lượt khách, tăng 15% so với năm 2007. Trong đó khách quốc tế đạt 800 ngàn lượt, tăng 20%, khách nội địa đạt 870 ngàn lượt tăng 7% so cùng kỳ. Xu hướng khách đến Huế bằng đường biển cập cảng Chân Mây tăng mạnh, với trên 25.700 lượt khách, gấp đôi so với năm 2007, trong đó, có các tàu lớn như: Queen Victoria, Costa Allegre, Rhapsody of the Seas... Sự kiện Festival Huế 2008 thành công đã đem lại hiệu quả về kinh tế và văn hóa, xã hội, tạo vị thế mới cho vùng đất này. Năm 2008 cũng là năm khởi động nhiều dự án quy mô. Riêng khu Chân Mây - Lăng Cô có gần 20 dự án đầu tư trên 1,3 tỷ USD như khu Laguna Huế với số vốn 875 triệu USD, khu du lịch Bãi Chuối của công ty Cattigana 102 triệu USD, khu du lịch nghỉ dưỡng Dream Palace 640 tỷ VNĐ, khu resort Thuận An với vốn 300 tỷ VNĐ. Cơ sở vật chất du lịch Thừa Thiên - Huế đã liên tục được đầu tư mở rộng, nâng số cơ sở lưu trú các loại trên toàn Tỉnh lên 279 cơ sở, bao gồm 152 khách sạn với 5.172 phòng (trong đó có 36 khách sạn từ 1 đến 5 sao, tăng 16 khách sạn so với năm 2007).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, Du lịch Thừa Thiên - Huế vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục như: công tác đầu tư cho hạ tầng du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác xúc tiến, chưa được đầu tư đúng mức, hình thức quảng bá chưa phong phú, vẫn thiếu tính chuyên nghiệp; công tác xã hội hóa hoạt động du lịch còn ở mức nhỏ lẻ; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển...
*Năm 2009 ngành Du lịch cần có những phương hướng, kế hoạch gì để thu hút nhiều nhà đầu tư, nhiều du khách quốc tế đến với Huế, thưa ông?
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 143/2007/QĐ TTg ngày 30/8/2007 về việc Phê duyệt đề án xây dựng TP. Huế thành thành phố Festival. Tại Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng xác định xây dựng TP. Huế trở thành một trung tâm du lịch văn hóa lớn của cả nước. Năm 2009, “Phát triển du lịch và xây dựng thành phố Festival” là một trong những chương trình trọng điểm của Tỉnh. Hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai các chỉ tiêu năm 2009, đó là: lượt khách và doanh thu du lịch tăng 20% so với năm 2008; số phòng đạt tiêu chuẩn cuối năm đạt 6.100 phòng; đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững, khẳng định vị trí quan trọng của ngành Du lịch; tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất của thành phố Festival, phấn đấu trên địa bàn hàng tháng đều có lễ hội phục vụ du khách, theo lịch đã quảng bá với các hãng lữ hành du lịch.
Rà soát, thực hiện những chính sách ưu đãi đầu tư, bổ sung chính sách cho từng dự án để kêu gọi đầu tư, nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vùng, ngành trọng điểm phát triển du lịch. Tập trung xây dựng khu vực Lăng Cô - Cảnh Dương - Bạch Mã thành một vùng phát triển du lịch của Tỉnh và miền Trung.
Tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư nước ngoài vào du lịch; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, cấp phép đầu tư, thực hiện quy chế ưu đãi đầu tư, sau đầu tư... Tham gia các hội, câu lạc bộ chuyên nghiệp về du lịch của khu vực, thế giới để thu hút nhân lực, vật lực cho phát triển du lịch.
Tạo điều kiện thu hút vốn của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và tổ chức khác, cung cấp thông tin quy hoạch du lịch, hình thành cơ sở đào tạo du lịch theo hướng xã hội hóa, phát triển làng nghề, đào tạo nghề, tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kinh nghiệm phát triển du lịch của các tổ chức quốc tế.
Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo gắn kết du lịch cộng đồng, nghiên cứu phục hồi và đưa vào khai thác các điểm di tích như: lăng Gia Long, khu Văn Thánh, khu Hổ Quyền, Voi Ré...; triển khai các tour du lịch tâm linh, các chùa chiền, các khu văn hóa như: Huyền Trân Công chúa, đền thờ Trần Nhân Tông, Chín Hầm, các vùng du lịch tìm hiểu đời sống dân dã như: Cầu Ngói Thanh Toàn, nhà trưng bày Bảo tàng Nông cụ; tăng cường khai thác các dịch vụ du lịch biển và đầm phá...
Liên kết với các địa phương trong tiểu vùng sông Mê Kông, trong hành lang kinh tế Đông - Tây, con đường di sản vùng (Thái Lan, Lào, Myanmar, Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam). Chú trọng khai thác lượng khách truyền thống châu Âu, Bắc Mỹ; đặc biệt quan tâm đến nguồn khách tăng mạnh trong những năm gần đây như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...
Tăng cường công tác xúc tiến có trọng điểm, không dàn trải, tập trung vào sản phẩm du lịch đã được lựa chọn để quảng bá qua nhiều hình thức, tham gia hội chợ trong và ngoài nước. Tiếp tục tranh thủ quan hệ với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh văn hóa Huế ra thế giới.
*Xin cám ơn ông
MINH HẠNH