NHỮNG CƠ HỘI LỚN…
Trước hết, phải khẳng định rằng, Việt Nam là một đất nước có nhiều tiềm năng du lịch với nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp, phong phú và đa dạng khắp trên mọi miền đất nước, có sức hấp dẫn đối với du khách. Hơn nữa, Việt Nam đã từng trải qua các cuộc kháng chiến thần kỳ để lại cho lịch sử dân tộc những dấu ấn hào hùng có sức lôi cuốn du khách muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu khách - đây là một trong những yếu tố gây hứng thú đối với du khách.
Hai là, hiện nay Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trước pháp luật.
Ba là, Đảng và Nhà nước đã và đang quan tới phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, dịch vụ du lịch, nơi vui chơi giải trí, văn hóa… đây chính là sự quan tâm tạo những điều kiện cần thiết để phát triển du lịch.
Bốn là, sự cạnh tranh trong hội nhập là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch vươn lên tự khẳng định và hoàn thiện mình, phải có ý thức nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Năm là, hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận được với các nước trên thế giới về đào tạo nguồn nhân lực du lịch có trình độ quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong nước và theo kịp trình độ quốc tế về du lịch.
VÀ THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ
Bên cạnh cơ hội ngành Du lịch còn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ lớn trên con đường phát triển, đó là:
Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong hoàn cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn hạn chế, như: hệ thống cơ sở hạ tầng còn kém phát triển (thua xa so với các nước trong khối ASEAN), hệ thống giao thông đường bộ, hàng không, cầu cảng… còn lạc hậu, chất lượng thấp, mặc dù đã có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, do vậy, cước phí giao thông còn cao. Hệ thống thông tin viễn thông chưa phát triển rộng khắp, chất lượng còn hạn chế trong khi giá dịch vụ lại cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Điện nước chưa đảm bảo được nhu cầu và giá quá đắt. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các tiện nghi phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi, giải trí còn thiếu, chất lượng hạn chế. Chất lượng sản phẩm du lịch không cao, sản phẩm chưa đa dạng và không phong phú. Các quy định pháp lý về quản lý du lịch chưa đầy đủ và còn không ít bất cập đối với hoạt động kinh doanh du lịch.
Thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Việt Nam thuộc loại nhỏ, chất lượng dịch vụ hạn chế, năng lực quản lý thấp, khả năng cạnh tranh quốc tế yếu. Trong khi hệ thống luật pháp Việt Nam lại chưa hoàn chỉnh, nhiều cơ sở kinh doanh chưa tạo dựng được uy tín, làm ăn mang tính chụp giựt, chặt chém khách, có nhiều nơi, hoạt động diễn ra tự phát, lộn xộn, thậm chí gây phiền toái cho khách, những tiêu cực này làm ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam, mặt khác ý thức tôn tạo và bảo vệ cảnh quan môi trường du lịch chưa được nâng cao, điều này gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch.
Thứ ba, bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực phục vụ ngành Du lịch đã được đào tạo cơ bản còn ít, yếu về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, thiếu về kinh nghiệm. Đặc biệt, Việt Nam thiếu người quản lý và phục vụ có trình độ chuyên môn cao trong các cơ sở phục vụ kinh doanh du lịch ở lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, các nơi nghỉ dưỡng, các cơ sở vui chơi, giải trí…do đó du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế quốc rế.
Thứ tư, quá trình mở cửa, hội nhập du lịch quốc tế cũng có thể tạo ra nguy cơ phá hoại môi trường và cảnh quan của Việt Nam nếu chúng ta không có sự quan tâm thích đáng với các biện pháp quản lý có hiệu quả.
Thứ năm, quá trình mở cửa, hội nhập du lịch cũng có thể gây ảnh hưởng và làm phức tạp hóa một số vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự xã hôi, giữ gìn thuần phong mỹ tục Việt Nam.
NHÓM GIẢI PHÁP
Để Việt Nam có thể vượt qua được thách thức, đón lấy những cơ hội phát triển du lịch, chúng tôi đề xuất các giải pháp sau:
- Đảng và Nhà nước nên quan tâm đầu tư cho các tỉnh có tiềm năng về du lịch để có thể khai thác được lợi thế phát triển du lịch tương xứng vói tiềm năng du lịch vốn có, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
- Những tỉnh giàu tiềm năng du lịch cần có chiến lược đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch bằng nhiều kênh, có thể là: liên doanh liên kết với các trường đại học, cao đẳng du lịch để đào tạo nguồn nhân lực về du lịch một cách bài bản, có thể liên kết đào tạo quốc tế;…. để đáp ứng cả nhu cầu trước mắt và lâu dài phục vụ phát triển du lịch của tỉnh trong hội nhập.
- Những địa phương có tiềm năng du lịch nên tăng cường liên kết đẩy mạnh quy hoạch cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở gắn kết các điểm, tuyến du lịch, cụm du lịch, đồng thời có kế hoạch trùng tu bảo quản các cơ sở hạ tầng này một cách thường xuyên, để sử dụng có hiệu quả cho phát triển du lịch.
- Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch và kêu gọi đầu tư để khai thác thế mạnh của mình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cạnh tranh bình đẳng trên thị trường theo pháp luật quy định.
- Cần phát triển du lịch trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững trật tự an toàn xã hội tỉnh và an ninh quốc gia.
TS. VŨ THỊ THOA
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh