|
Lễ hội rượu ở thị trấn Chianti (Italia) |
Để được xét trở thành thành viên của mạng lưới "thành phố chậm", các thành phố phải đạt tiêu chuẩn: có không quá 50.000 dân, yên tĩnh, ít ô nhiễm, có kế hoạch phát triển nghề thủ công truyền thống, có món ăn ngon và bảo tồn được di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thắng cảnh tại địa phương. Quan trọng nhất, "thành phố chậm" phải giúp tất cả người dân nhận thức được giá trị của một cuộc sống có nhịp độ thong thả. Khi đã hội tụ đầy đủ những điều kiện nêu trên, mỗi thành phố ứng viên phải cam kết thực hiện một loạt chương trình: sản xuất sạch, không dùng lương thực chuyển đổi gen, sử dụng năng lượng thay thế, xây dựng các quy định về biển báo và ánh sáng, không đi xe hơi vào khu trung tâm, tăng không gian xanh và có khu vực chỉ dành cho xe đạp...
Đến nay, mạng lưới Cittaslow đã quy tụ được hơn 300 thành phố/thị trấn trên toàn thế giới tham gia, chủ yếu là các thành phố/thị trấn thuộc châu Âu như Ludlow, Alysham, Diss thuộc Vương quốc Anh; Uberlingen,
Lüdinghausen, Marihn, Schwarzenbruck, Überlingen, Wirsberg Hersbruck và Waldkirch của Đức; Tavira, Lagos, Sao Bras, Silves của Bồ Đào Nha; Svendborg của Đan Mạch; ngoài ra còn có nhiều thành phố khác của Australia, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Braxin tham gia vào mạng lưới Cittaslow. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất ở châu Á có 4 địa phương ở tỉnh Jeollanam tham gia vào mạng lưới Cittaslow gồm: Jeungdo – làng có cánh đồng muối lớn nhất Hàn Quốc, Samjicheon – được xây dựng từ thế kỷ thứ 16, nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, Wando Cheongsando – được mệnh danh là hòn đảo với những ngọn núi xanh và Jangheung Banwol – ngôi làng nổi tiếng bởi sản phẩm nấm sạch. Bốn địa phương này đã trở thành những điểm du lịch khá độc đáo của Du lịch Hàn Quốc trong những năm gần đây. Sau gần 10 năm ra đời, tổ chức Cittaslow đã tổng kết: sống trong một “thành phố chậm” tức là sống chậm hơn, năng suất có thể ít hơn nhưng chắc chắn con người được hưởng môi trường trong sạch hơn, các thế hệ hiện tại và tương lai đoàn kết hơn, truyền thống địa phương được tôn trọng hơn trong một thế giới đang dần toàn cầu hóa như hiện nay.
Đối với hoạt động kinh doanh du lịch, phong trào Cittaslow thực sự đã đem đến một cơ hội mới. Do sức ép từ công việc nên các kỳ nghỉ hiện nay ngày càng có vị trí quan trọng trong cuộc sống của nhiều người. Mỗi khi có được thời gian nghỉ ngơi, người ta muốn thoát khỏi sự bận rộn thực sự. Với “du lịch chậm”, du khách không chỉ được rời xa thế giới ồn ào náo nhiệt mà còn có thể tham gia các hoạt động ở địa phương như học ngôn ngữ, học nấu ăn, làm từ thiện, dạy ngoại ngữ, làm sạch môi trường, phụ giúp nông dân làm nông nghiệp... Tham gia vào các hoạt động này, hầu hết mọi du khách đều cảm thấy sảng khoái, thanh thản và thấy mình có ích vì được cống hiến cho cộng đồng địa phương. Đó chính là những phần thưởng vô giá dành cho du khách tham gia vào loại hình “du lịch chậm”.
Hơn nữa, du khách đến tham quan “thành phố chậm” không cần phải tuân thủ theo đúng lịch trình tour, lại có cơ hội quen biết và trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương... Hầu hết du khách bắt đầu khám phá mọi thứ bằng cách đi bộ. Sau đó, họ tiếp tục khám phá thêm vài kilômet bằng xe đạp... Du khách sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa hay chiêm ngưỡng cảnh đẹp, chụp ảnh… Để khám phá hết một thành phố theo loại hình “du lịch chậm”, mỗi du khách sẽ lưu lại lâu hơn ở mỗi điểm du lịch và chi tiêu nhiều hơn. Như vậy, rõ ràng các nhà điều hành tour và người dân địa phương được hưởng lợi hơn so với việc tổ chức các loại hình du lịch khác. Bên cạnh đó, các ngành nghề thủ công, nét văn hóa, truyền thống địa phương và môi trường sống có cơ hội được bảo tồn tốt hơn nhờ lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại.
Nếu như vài năm trước đây, loại hình “du lịch chậm” thường hướng đến thị trường khách thuộc giới trung niên và người về hưu vì hoạt động tham quan, nghỉ ngơi ở từng điểm du lịch thuộc mạng lưới “thành phố chậm” phù hợp với lứa tuổi của họ thì nay trào lưu “du lịch chậm” hiện đang lan dần sang các lứa tuổi khác và đang dần phổ biến ở các nước châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ, Đức và Italia. Phỏng vấn một du khách đến “thành phố chậm” Chianti (Italia) tham gia lễ hội rượu, anh cho biết thanh niên châu Âu bây giờ không thích đi du lịch theo tour. Họ thích tự khám phá, tự chăm sóc bản thân, được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Do vậy, trào lưu du lịch chậm đang lan rộng trong giới trẻ phương Tây. Vào kỳ nghỉ, thay vì ở khách sạn, du khách thường thuê hẳn một nơi để nghỉ, thường trong khoảng một tuần, tự đi chợ và nấu ăn, buổi sáng chạy bộ quanh khu dân cư và uống cà phê ở những quán nhỏ trong thị trấn…
HẢI DƯƠNG