HIỆU QUẢ TỪ VỐN ĐẦU TƯ CSHT
Theo đánh giá, đây là nguồn vốn “mồi” quan trọng để kêu gọi, thu hút các nguồn lực khác thamgia đầu tư CSHT du lịch cũng như đầu tư vào các cơ sở kinh doanh du lịch. Nguồn hỗ trợ này được tập trung chủ yếu cho xây mới và nâng cấp CSHT, bao gồm đường du lịch, cấp điện, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường cho các khu, điểm du lịch nhằm tăng khả năng đón khách du lịch. Các dự án đã hoàn thành, phát huy hiệu quả rõ rệt như tại Quảng Ninh, việc đầu tư đường du lịch Hồng Thắng - Hạ Long, dự án đường bao núi Bài Thơ...đã tạo bộ mặt mới cho Hạ Long; dự án đường du lịch Langbiang (Đà Lạt) sau khi hoàn thành đã thu hút khách du lịch tới khu vực này tăng 30% so với trước đây; tại Ninh Bình, sau khi đầu tư xong một số hạng mục khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khả năng thu hút khách du lịch đã tăng đáng kể so với trước; đường Liên Chiểu – Thuận Phước, Sơn Trà - Điện Ngọc (Đà Nẵng); đường du lịch ven biển, đường vào khu du lịch di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã đưa vào sử dụng và được khai thác hiệu quả; đường khu du lịch Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), đường du lịch xuyên đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã tạo nên những thay đổi cơ bản về khả năng thu hút khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Tại Cà Mau, hạng mục thuộc đường du lịch Khe Long - Đất Mũi hoàn thành không chỉ tạo thuận lợi cho khách du lịch tới đây mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực này, cải thiện cơ bản cho người dân đi lại bằng đường bộ thuận lợi thay cho vận chuyển khó khăn bằng đường thủy trước đây. Một số tỉnh khó khăn về ngân sách hoặc vùng sâu, vùng xa khi được hỗ trợ đầu tư CSHT du lịch đã sử dụng hiệu quả khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, góp phần nâng cao tỷ lệ thu hút khách du lịch như Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Kạn...
Nguồn vốn đầu tư CSHT du lịch đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường khả năng thu hút khách du lịch và thu nhập từ du lịch trên cả nước..Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam ngày càng tăng, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam từ năm 2001 là 2,33 triệu lượt người thì năm 2008đạt khoảng 4,3 triệu lượt người.
KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CSHT ĐẾN 2010
Theo Tổng cục Du lịch, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới, với mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam vào năm 2010, khách nội địa từ 25-26 triệu lượt người; để đạt được mục tiêu này, dự kiến nhu cầu đầu tư cho CSHT du lịch vào khoảng 1,5 tỷ USD.
Việc đầu tư CSHT du lịch phải thực hiện đúng chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tới 2010 đã được điều chỉnh và các quy hoạch phát triển của từng địa bàn, từng tỉnh, thành phố. Theo đó, tới cuối năm 2010 phải hình thành được một số khu du lịch quốc gia nổi trội có thương hiệu, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Định hướng phát triển CSHT du lịch tới 2010 được ưu tiên cao cho các dự án thuộc các địa phương có khu du lịch qu��c gia. Hiện đã có 21 khu du lịch quốc gia, bao gồm 4 khu du lịch tổng hợp gồm khu du lịch biển đảo Hạ Long - Cát Bà thuộc Quảng Ninh - Hải Phòng; khu du lịch giải trí thể thao biển Cảnh Dương- Hải Vân- Non Nước (Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng); khu du lịch biển tổng hợp vịnh Nha Trang thuộc Khánh Hòa (điều chỉnh thay vịnh Vân Phong - Đại Lãnh); khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Đan Kia - Suối Vàng (Lâm Đồng);và 17 khu du lịch chuyên đề thuộc 14 tỉnh, thành phố khác, trong đó bao gồm khu du lịch biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Ngoài ra, một số khu du lịch có khả năng phát triển, thu hút mạnh khách du lịch hoặc có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được bổ sung vào danh mục các khu du lịch quốc gia trong điều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2010, gồm 13 khu du lịch chuyên đề quốc gia là: hồ Thác Bà (Yên Bái), khu du lịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng - Pá Khoang (Điện Biên), khu du lịch di tích cách mạng Pắc Bó (Cao Bằng), khu du lịch lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), khu du lịch sinh thái hồ Hòa Bình (Hoà Bình), khu vui chơi giải trí Sóc Sơn (Hà Nội), khu du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái Côn Sơn - Kiếp Bạc; khu du lịch nghỉ dưỡng biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), khu du lịch nghỉ dưỡng biển Phương Mai (Bình Định), khu du lịch nghỉ dưỡng biển Bắc Cam Ranh (Khánh Hòa), Khu du lịch sinh thái văn hóa ngã ba Đông Dương (Gia Lai, Kon Tum), khu du lịch sinh thái Buôn Đôn (Đắc Lắc), khu sinh thái miệt vườn Cồn Phụng (Tiền Giang, Bến Tre). Đầu tư CSHT còn được ưu tiên cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên (được xác định là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của Việt Nam, bao gồm 19 tỉnh, đó là các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên).Việc đầu tư CSHT trên địa bàn này phải đồng bộ với thực hiện các hoạt động, đầu tư phát triển khác nhằm phát triển du lịch theo Quyết định số 194/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển mạnh du lịch miền Trung - Tây Nguyên.
Việc đầu tư CSHT vào các khu du lịch, điểm du lịch cần phải được tiến hành đồng bộ nhằm hình thành được các tuyến du lịch. Theo quy hoạch phát triển du lịch tới năm 2010, các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế quan trọng là: Tuyến du lịch đường sắt Bắc - Nam trong hướng phát triển tuyến du lịch đường sắt xuyên Á; tuyến du lịch quốc tế bằng đường biển qua các cảng Hạ Long, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh; tuyến du lịch hành lang Đông - Tây qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; tuyến du lịch quốc tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tuyến du lịch sông Mê Kông mở rộng, theo sông Mê Kông nối Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc; tuyến du lịch “Con đường huyền thoại” theo đường mòn Hồ Chí Minh; tuyến du lịch “Con đường di sản” qua các di sản thế giới; tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” qua các tỉnh Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư nước ngoài vào du lịch cũng được đẩy mạnh. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm này, lĩnh vực du lịch có 256 dự án với tổng vốn đăng ký lên tới 15 tỷ USD. Đặc biệt, trong năm 2008 số dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng được cấp phép là 21 dự án với số vốn đăng ký lên tới 8,7 tỷ USD. Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào du lịch trong năm 2008 đã vượt cả giai đoạn 1988 - 2007, đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành Du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ và khẳng định thương hiệu Du lịch Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt./.
TRÍ VIỆT