Chương trình do Tổng cục Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn ngày 3/4.
Tham dự tọa đàm có Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, lãnh đạo nhiều tỉnh thành như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Phú Thọ, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Sơn La... và nhiều doanh nghiệp du lịch, hàng không lớn... trên toàn quốc.
Tọa đàm là nơi gặp gỡ giữa các bên để cùng thảo luận về hướng đi cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới, khi du lịch nội địa đang gấp rút đón mùa cao điểm hè 2021 với nhiều dấu hiệu tích cực, đồng thời, câu chuyện mở cửa thị trường du lịch quốc tế đang đặt ra nhiều nhiệm vụ quyết liệt cho toàn ngành.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2020 sau khi các đợt dịch được kiểm soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động 2 đợt kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam - An toàn, hấp dẫn”. Các chương trình nhận được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong cả nước. Nhờ vậy lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, mang lại doanh thu khoảng 312.200 tỷ đồng; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 tới ngành du lịch. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa để khai thác.
Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.
Bộ trưởng đề nghị buổi toạ đàm nên tập trung thảo luận các nội dung: Phối hợp để vừa phục hồi, vừa an toàn phòng chống dịch, phản ứng nhanh khi dịch có nguy cơ bùng phát; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, làm mới sản phẩm, gia tăng trải nghiệm với sản phẩm hiện có; Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, hình thành liên minh kích cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh khi du lịch quốc tế quay trở lại, tích cực truyền thông đến các thị trường mục tiêu (trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương), lựa chọn thí điểm một số thị trường áp dụng hộ chiếu vaccine.
Sức bật thị trường nội địa
Tại phiên một với chủ đề “Sức bật thị trường nội địa”, các diễn giả sẽ chỉ ra những xu hướng, nhu cầu chính của thị trường du lịch nội địa trong năm 2021. Kinh nghiệm, bài học từ 2 đợt kích cầu trong năm 2020 sẽ được nhìn lại nhằm đề xuất những cơ chế, chính sách thiết yếu từ phía cơ quan quản lý và địa phương, đồng thời giúp doanh nghiệp có được những điều chỉnh kịp thời trong đợt kích cầu mới của năm 2021.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, tọa đàm này cũng tạo nên điểm nhấn, cú hích để du lịch Việt Nam phục hồi, tăng trưởng lại sau bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, ông Khánh còn chia sẻ một số thông tin liên quan đến con số và tình hình phát triển du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2015 - 2020, du lịch cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo đó, khách du lịch quốc tế tăng 22,7% một năm, đứng thứ 6 trong Top 10 nước tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Lượng khách trong nước tăng 1,5 lần. Mục tiêu của năm 2020 nếu không có dịch Covid là phấn đấu đón được trên 20 triệu lượt khách quốc tế, 90 - 95 triệu lượt khách nội địa. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp 9,2% GDP và mong muốn đóng góp 10% đến trên 10% vào năm 2020.
"Chúng tôi mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, trong những năm vừa qua, ngành du lịch đạt được nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Sự kiện hôm nay là cơ hội để chúng tôi tiếp thu ý kiến của địa phương, các doanh nghiệp... để cùng chung tay phát triển du lịch", ông Khánh cho biết.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Việt Nam nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch. Việt Nam là không gian đủ lớn để người dân khám phá, không cần phải đi ra bên ngoài. "Tôi đề nghị chúng ta cùng phát động cuộc thi về những sáng kiến phát triển du lịch Việt Nam trong phạm vi toàn quốc với tên gọi như: Khám phá Việt Nam. Chúng ta sẽ tìm ra câu chuyện để phát triển du lịch bằng cách tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cuộc thi sẽ giúp cho người dân trong nước lẫn thế giới đều biết đến và muốn đến khám phá, trải nghiệm ở từng vùng đất của Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Eurowindow kiêm Chủ tịch câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ cho biết, du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế. Các ngành như lưu trú, dịch vụ... cần tạo mối liên kết chặt chẽ. Theo đó, câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ đang triển khai chính sách liên kết chung giữa các doanh nghiệp hành không, lữ hành... để kích cầu du lịch. Với chủ đề Sức bật thị trường nội địa và Mở cửa du lịch quốc tế - Sẵn sàng nguồn lực, ông kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam sẽ có lối đi, giải pháp mới để phát triển hơn nữa trong giai đoạn hậu Covid-19.
Cũng trong phiên một, đại diện doanh nghiệp sẽ công bố nhiều thông tin về vấn ưu đãi, kích cầu dành cho du khách. Trải qua 2 đợt kích cầu, yếu tố giảm giá đã sớm không còn được coi là “quân bài duy nhất” để thu hút khách. Do đó, những chính sách mới của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tối ưu được các lợi thế, đem đến nhiều giá trị và trải nghiệm mới hấp dẫn vượt trội trong bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị sẵn sàng trong mùa du lịch hè sắp tới. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, phải nhanh chóng phục hồi du lịch an toàn, bền vững để chuẩn bị cho mùa cao điểm. Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tập trung vào hai nhiệm vụ là tổ chức tốt các hoạt động du lịch thường niên và các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc. Thanh Hóa cũng đang có lễ hội festival đường phố, du lịch biển Hải Tiến... cùng nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Tỉnh cũng đang tổ chức sự kiện Hoa hậu Hòa bình Việt Nam nhằm lựa chọn ra người đi thi Hoa hậu Hòa bình thế giới. Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực là các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai, phát triển du lịch mới, đáp ứng xu hướng thị trường; ưu tiên đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Lãnh đạo cũng hướng dẫn đơn vị doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh tập trung, dành nhiều combo hấp dẫn tăng chất lượng, giảm tối đa giá thành để kích cầu du lịch.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, tập đoàn cũng như Bamboo đã triển khai nhiều gói kích cầu trước đó. Tại Thanh Hóa, FLC không chỉ phát triển doanh nghiệp mà còn đóng góp cho địa phương để phát triển du lịch vùng như tổ chức tọa đàm kích cầu, nhạc hội... Ngày 10/4 tới đây, tập đoàn tiếp tục tổ chức lễ hội hoa lớn nhất cả nước để thu hút du khách. FLC dự kiến tổ chức giải thể thao như bóng chuyền bãi biển tại Thanh Hoá và tiến tới triển khai tại nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Ninh Bình... Bamboo cũng triển khai hình thức nghỉ dưỡng chơi golf, hướng tới mục tiêu người dân đến đâu cũng có thể trải nghiệm môn thể thao này, xây dựng dịch vụ phù hợp với ngân sách của người dân khi tới địa phương.
Mở cửa du lịch quốc tế - Sẵn sàng nguồn lực
Du lịch nội địa được coi là “chìa khóa vàng” để phục hồi du lịch trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên đó mới là yếu tố cần. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, ngành du lịch chỉ có thể trở lại trạng thái hoàn toàn bình thường khi du lịch quốc tế hồi sinh.
Do đó tại phiên hai với chủ đề “Mở cửa du lịch quốc tế - Sẵn sàng nguồn lực”, các diễn giả sẽ tập trung phân tích sự thiết yếu của việc sớm mở cửa thị trường quốc tế, đặt trong thế so sánh với quá trình chuẩn bị của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Từ những lợi thế của du lịch Việt Nam đối với thị trường quốc tế, các kịch bản, giải pháp cần làm ngay để tái mở cửa biên giới một cách an toàn và bền vững sẽ được thảo luận, đi cùng những kiến nghị và đề xuất cụ thể của doanh nghiệp về vấn đề này. Khi 65% du khách Việt đang nóng lòng được đi du lịch trở lại (theo khảo sát về xu hướng du lịch 2021 của Booking.com).
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ VHTTDL sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên. Nước ta dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương.
Bên cạnh đó, chúng ta còn cần ứng dụng công nghệ để có nền tảng hiển thị chứng chỉ tiêm chủng, phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế.
Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng doanh nghiệp luôn hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng. Nếu đảm bảo được những điểm này, tỷ lệ mở cửa thành công sẽ khá cao.
Cũng trong ngày 3/4, tại FLC Sầm Sơn sẽ diễn ra đêm nhạc “Chuyện tình yêu” với sự góp mặt của Bằng Kiều, Minh Tuyết và dàn nghệ sỹ nổi tiếng trong nước. Đây là một phần trong chuỗi hoạt động đa dạng nhằm chào đón mùa du lịch hè tại thành phố Sầm Sơn trước thềm nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay.
Nhâm Hiền