Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Hộ chiếu vaccine là mong mỏi của nhiều người dân trong nước và người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam…”
Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, đến nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Quảng Ninh, Hải Dương; đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đã lập lại trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Các ca nhiễm mới đều là trường hợp nhập cảnh và được kiểm soát, cách ly, điều trị theo quy định; không để dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.
Đối với tình hình du lịch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi dịch được khống chế, nhu cầu du lịch của người dân tăng mạnh, hoạt động du lịch nội địa sôi động trở lại, lượng khách lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn tăng cao... Về tình hình nhập khẩu và tiêm vaccine, đến nay Việt Nam đã nhập khẩu hơn 117.000 liều vaccine và đã tiến hành tiêm cho gần 50.000 người; trong tháng 3 và 4/2021 tiếp tục nhập khẩu 1,37 triệu liều để phục vụ tiêm phòng trên diện rộng; việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm vaccine trong nước vẫn tiếp tục triển khai…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế “hộ chiếu vaccine” để thúc đẩy giao thương. “Hộ chiếu vaccine là mong mỏi của người dân trong nước và nhiều người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi báo chí đặt ra về lộ trình triển khai “hộ chiếu vacccine”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, vấn đề này đang là chủ đề tranh luận của nhiều quốc gia trên thế giới vì tính chất phức tạp. Bộ Y tế đang làm việc với các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, báo cáo Chính phủ để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa mở cửa nền kinh tế bằng việc mở lại các đường bay quốc tế.
“Bộ Y tế đang lên phương án nghiên cứu, trước hết là phương án cách ly phù hợp với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định. Bộ cũng đang chuẩn bị các kịch bản cho việc sử dụng hộ chiếu vaccine trong tương lai. Tuy nhiên, đây vẫn là các phương án chúng ta phải bàn kỹ vì phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ. Lợi ích là việc mở cửa lại đường bay để phát triển kinh tế còn nguy cơ là việc vẫn có thể xảy ra lây nhiễm cộng đồng. Đây là việc chúng ta còn cần phải nghiên cứu thêm”, ông Cường nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Tiếp tục cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường trong phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện quyết liệt “5K +Vaccine”, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại trong cộng đồng.
Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Điều hành chính sách tiền tệ một cách, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Giữ ổn định thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường. Kiểm soát chặt chẽ lạm phát...
|
Nguyễn Hùng