Xây dựng và phát triển Đà Nẵng hiện đại, thân thiện với môi trường, giữ nét đặc trưng văn hóa riêng
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Trên cơ sở Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, thành phố tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; các quy hoạch nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật kể cả quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch cảng hàng không quốc tế trên địa bàn thành phố. Việc tổ chức thực hiện cần đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc, tuân thủ định hướng phát triển không gian, định hướng hệ thống hạ tầng, quy định quản lý theo Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và theo hướng phát triển hiện đại, thân thiện với môi trường, vẫn giữ những nét đặc trưng văn hóa riêng của thành phố”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Các văn bản đã được công bố ngày hôm nay là những cơ sở pháp lý để tạo bước đột phá, nền tảng vững chắc xây dựng chính quyền, phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển đô thị Đà Nẵng; đồng thời, mở ra nhiều cơ chế, chính sách, đảm bảo tính chủ động, tạo động lực phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến. Đà Nẵng cần phải có tư duy mới, cách làm mới để thể hiện rõ vai trò đầu tàu tại khu vực miền Trung. Đặc biệt, Đà Nẵng cần có tầm nhìn xa, chú trọng tăng cường tính liên kết với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế, tạo nên một không gian kinh tế nối liền, một cụm điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại miền Trung. Làm được điều đó, Đà Nẵng mới thật sự là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra”.
Tại Lễ công bố, đại diện lãnh đạo thành phố đã cung cấp thông tin về Nghị định triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu…
Tác động mạnh mẽ đến hạ tầng du lịch
Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu mới đây đã nhận được thống nhất cao từ Bộ Giao thông Vận tải về “Phát triển hệ thống cảng Đà Nẵng đảm nhận cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (loại đặc biệt); trong đó khu bến cảng Liên Chiểu có thể tiếp nhận tàu trọng tải 200.000 tấn, tàu container có sức chở đến 18.000TEU (Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Bến cảng Liên Chiểu khi được đưa vào khai thác (dự báo tại khu bến Liên Chiểu đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 7,5 - 10 triệu tấn) sẽ giảm tải cho khu bến cảng Tiên Sa; giải quyết vấn đề về ùn tắc, bảo đảm năng lực và tăng cường an toàn giao thông cho nội thành thành phố (xe vận tải lớn không phải đi vào các tuyến đường ven nội thành). Lúc đó, khu bến cảng Tiên Sa sẽ bảo đảm tốt chức năng đón các tour đường biển cập bờ như lâu nay, không còn tình trạng phải chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung giữa hàng hóa và hành khách.
Cũng tại buổi lễ, UBND thành phố Đà Nẵng đã công bố chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Đồng thời, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ với lãnh đạo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương và nhóm các nhà đầu tư để thực hiện nghiên cứu lập đề án xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Sẵn sàng nguồn lực đất đai đón làn sóng đầu tư dựa trên ba trụ cột chính: du lịch, công nghiệp - công nghệ cao và kinh tế biển
Đặc biệt, lần đầu tiên UBND thành phố Đà Nẵng đã thông tin một số chủ trương quan trọng về giá đất trên địa bàn thành phố. Điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh so với giá đất ở cùng vị trí; giá đất bãi xe được tính bằng 35% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cùng vị trí; hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 và điều chỉnh tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 cơ bản tương đương bảng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020 tại Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND; chỉ điều chỉnh giảm 109 vị trí, tuyến đường cho phù hợp với các tuyến đường lân cận trong cùng khu vực và điều chỉnh giảm một số tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất.
Thành phố Đà Nẵng cũng công bố đã “sẵn sàng” nguồn lực đất đai đón làn sóng đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, bên cạnh ban hành các chính sách ưu đãi, đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thành phố đang tập trung quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư.
Qua rà soát và thống kê các khu đất lớn trên địa bàn thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết, đang quản lý 321 khu đất lớn đã có mặt bằng với tổng diện tích đất 2.013.765,9m2. Đây là quỹ đất được ưu tiên đón làn sóng đầu tư theo định hướng phát triển Đà Nẵng dựa trên ba trụ cột chính là du lịch, công nghiệp - công nghệ cao và kinh tế biển; đồng thời, chú trọng kêu gọi đầu tư ở 5 lĩnh vực mũi nhọn gồm: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghĩ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn liền với dịch vụ Logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Để thuận tiện cho nhà đầu tư, UBND thành phố Đà Nẵng đã hoàn thiện và công khai quỹ đất để đấu giá kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố tại cổng thông tin đất đai thành phố Đà Nẵng: https://ttdd.tnmt.danang.gov.vn/.
Diệu Vũ – Trần Ngọc