Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu bày tỏ sự vui mừng được gặp lại các chuyên gia, các đồng nghiệp nhiệt huyết với ngành Du lịch qua hội thảo trực tuyến. Phó Tổng cục trưởng cho biết: Chúng ta sẽ thảo luận xây dựng kế hoạch truyền thông phục hồi du lịch Tiểu vùng Mekong trong bối cảnh thế giới đã sản xuất được vaccine phòng ngừa đại dịch Covid 19, IATA và các hãng hàng không đang thí điểm triển khai thẻ thông hành số, các nước trong khu vực đang nỗ lực mở cửa trở lại du lịch quốc tế, hành động này là hoàn toàn đúng lúc và phù hợp. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh: Việt Nam đã bắt đầu tiến hành tiêm vaccine Covid 19. Trước mắt tập trung ưu tiên cho các đối tượng trực tiếp chống dịch, lao động du lịch cũng nằm trong danh sách các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine khi số lượng vaccine nhập đủ đáp ứng. Hiện nay, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TCDL đang phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam và chính quyền một số địa phương xây dựng kế hoạch thí điểm mở cửa đón khách quốc tế trong tình hình mới với kỳ vọng quý 3/2021 có thể bắt đầu triển khai. “Để vượt qua đại dịch này, không một nước nào có thể hành động đơn lẻ. Chúng ta cần cùng nhau hành động, cần các nỗ lực tập thể để hướng tới mục tiêu chung, trong đó có mục tiêu riêng của mỗi nước. Trong khi chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế, việc truyền thông đúng, đủ, kịp thời, chính xác là vô cùng cần thiết nhằm tạo niềm tin cho du khách về du lịch an toàn, khuyến khích du khách tìm kiếm điểm đến và đi du lịch trở lại”, Phó Tổng cục trưởng cho biết.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề cập đến kế hoạch truyền thông du lịch Tiểu vùng Mekong bao gồm các nội dung mục tiêu truyền thông, thông điệp truyền thông, lĩnh vực truyền thông, đối tượng truyền thông, kênh truyền thông và công cụ truyền thông, thời gian thực hiện. Các chuyên gia cũng đề nghị TCDL trao đổi những thông tin liên quan về chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển du lịch bền vững; thị trường du lịch quốc tế mà Việt Nam ưu tiên; những thông điệp chính mà Việt Nam muốn gửi đến bạn bè quốc tế; những kênh truyền thông mà Việt Nam sử dụng trong chiến dịch truyền thông, làm thế nào để đạt được hiệu quả trong các chiến dịch truyền thông; vấn đề quan trọng để giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả kế hoạch truyền thông phục hồi du lịch; thời gian thực hiện kế hoạch phục hồi; các đề án thay thế.
Trao đổi tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết: Chúng ta đều nhận thức được rằng việc tái khởi động du lịch quốc tế và mở cửa biên giới phụ thuộc rất lớn vào mức độ kiểm soát đại dịch Covid 19 và các giải pháp các nước áp dụng để cho phép đi lại quốc tế như “hộ chiếu sức khỏe”; “hộ chiếu vaccine”; thẻ thông hành số (IATA Travel Pass); “Chứng chỉ xanh kỹ thuật số”… Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Việt Nam và nhiều nước trong khu vực hiện đang xây dựng kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế cơ bản đều căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch để đề xuất với Chính phủ cho mở cửa đón khách quốc tế. Do mức độ kiểm soát đại dịch Covid 19 và mở cửa của mỗi nước khác nhau, liên quan đến khung thời gian triển khai kế hoạch, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị chuyên gia cân nhắc chia 2 giai đoạn triển khai. Giai đoạn từ tháng 7-12/2021 nên tập trung truyền thông tới các thị trường đã kiểm soát tốt dịch Covid 19 và đã áp dụng “hộ chiếu vaccine” hay “thẻ thông hành số”, nên lựa chọn số lượng thị trường mục tiêu truyền thông hạn chế; về sản phẩm du lịch nên chọn là nghỉ dưỡng dài ngày hay Golf. Giai đoạn từ tháng 1-7/2022, dự báo thời điểm này việc tiêm phòng vaccine Covid 19 đã phổ cập rộng rãi, công tác truyền thông sẽ tiến hành rộng rãi tới tất cả các thị trường mục tiêu như dự thảo kế hoạch. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho hay: Về loại hình du lịch đề nghị bổ sung thêm du lịch Golf, nghỉ dưỡng. Về thị trường khách thêm thị trường Indonesia. Về đối tượng truyền thông, kế hoạch mới đề cập đến truyền thông tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Về phương thức truyền thông và kênh truyền thông cần nhấn mạnh truyền thông trên nền tảng số. Tăng cường quảng bá thông qua các video clip du lịch trên nền tảng số như Youtube, Tiktok, quảng bá trên một số kênh uy tín như Google Arts & Culture (Bảo tàng số về văn hóa và nghệ thuật).
Cũng tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đã đề cập một số nội dung chính trong kế hoạch phục hồi của du lịch Việt Nam, trong đó thị trường ưu tiên gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đối tượng ưu tiên hướng tới thế hệ trẻ. Theo Phó Tổng cục trưởng: Việt Nam thân thiện, hấp dẫn, sẵn sàng đón chào khách du lịch quốc tế. Những người làm du lịch Việt Nam luôn quan tâm đến sức khỏe của du khách. Việt Nam tiếp tục quảng bá hình ảnh trên các kênh truyền thông quốc tế tiêu biểu như CNN, thông qua những người nổi tiếng, mạng xã hội… Việt Nam cũng đang xây dựng kế hoạch đón khách quốc tế qua 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 dự kiến vào tháng 7/2020 sau khi chương trình hộ chiếu vaccine được triển khai; giai đoạn 2 (từ 8-12/2021); giai đoạn 3 trong quý I/2022. Để triển khai kế hoạch cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo an toàn khi đón khách.
Các chuyên gia thảo luận nhất trí với ý kiến đề xuất của Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng như kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam và cho rằng: Để mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại, các nước Tiểu vùng Mekong cần nỗ lực, cam kết trong công tác phòng, chống dịch, đẩy mạnh tăng cường hợp tác, giao lưu, xây dựng và triển khai kế hoạch khi dịch bệnh được kiểm soát, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch có sự phục hồi, từng bước phát triển trong thời gian tới.
Tuấn Sơn