Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Ngô Hoài Chung; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng; Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình; Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh; Chủ tịch danh dự Hội đồng quản lý Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng); Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng; Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, bà Trương Thị Hồng Hạnh cùng đại biểu đến từ Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các Sở, ngành; đại diện các Hiệp hội và hơn 50 đại biểu là doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận tải đã có mặt tại sự kiện. Toàn bộ chương trình tọa đàm được livestream trực tiếp trên facebook Danang FantastiCity.
Khó khăn còn nhiều - Thách thức còn kéo dài
Tọa đàm tổ chức nhằm đánh giá đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến quý I năm 2021 đối với doanh nghiệp du lịch và dịch vụ liên quan tại Đà Nẵng và là kênh đối thoại trực tiếp giữa đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp du lịch với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều kiến nghị, đề xuất đã được trả lời, “tháo gỡ” ngay tại chỗ.
Theo khảo sát mới nhất của Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 2/2021, tại Đà Nẵng, đã có 50,2% khách sạn, gần 39% lữ hành, 100% khu điểm du lịch, 37% doanh nghiệp vận chuyển du lịch và gần 52% tàu du lịch đã hoạt động trở lại. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục duy trì hoạt động với lực lượng nhân sự nòng cốt.
Tuy nhiên, chỉ có 6,6% doanh nghiệp lữ hành hoạt động trở lại ở mức bình thường. Số liệu khảo sát cũng cho thấy năm 2020, gần 80 doanh nghiệp giảm doanh thu từ 70-100% thì trong năm 2021, có hơn 46% doanh nghiệp dự ước doanh thu tiếp tục giảm hơn 75% so với năm 2020.
“Du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên, những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cùng tác động của những trận bão lũ triền miên trong năm 2020 đã khiến ngành Du lịch Đà Nẵng “kiệt sức” trong thời gian qua, kéo theo tác động tiêu cực đến nền kinh tế Đà Nẵng” - ông Đặng Việt Dũng, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, hiện là Chủ tịch danh dự Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng nhìn nhận.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh vẫn còn những diễn biến khó lường, tác động đến thị trường du lịch toàn cầu. Ngay bản thân ngành Du lịch còn nhiều thách thức đã và đang được đặt ra. Đó là tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đang có sự dịch chuyển, đòi hỏi công tác tuyển dụng sắp đến phải gắn với đào tạo để bảo đảm bổ sung lực lượng lao động của một ngành đặc thù. Thách thức nữa là tình trạng cạnh tranh giữa các điểm đến sẽ khốc liệt, nhất là khi ngành Du lịch tái hoạt động. Những điều đó khiến toàn ngành chúng ta phải nghĩ đến những phương thức hoạt động mới. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp du lịch – địa bàn du lịch phải tăng cường mạnh mẽ hơn sự liên kết, hợp tác, kết nối các tiềm năng du lịch địa phương. Bằng nhiều hình thức đầu tư công – tư hợp tác, kêu gọi xã hội hóa nâng cấp cơ sở hạ tầng và quan trọng là tạo nên nhiều sản phẩm du lịch mới. Chú ý các loại hình du lịch thông minh. Trong bối cảnh chưa có nhiều nguồn khách để phục vụ, doanh nghiệp ngành cần tận dụng thời gian này để triển khai thực hiện các nội dung của chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là thu hút du khách từ thị trường nội địa những vẫn phải chú ý thường xuyên, công tác quảng bá du lịch Việt Nam ở thị trường ngoài nước.
“Mỗi doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn cũng như cơ quan quản lý nhà nước đều phải hết sức quan tâm đến công tác quản lý điểm đến trong tình hình hiện nay; bảo đảm không để lây lan dịch bệnh, tuân thủ nghiêm những quy định và xử nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch; kiên quyết giữ gìn hình ảnh điểm đến an toàn – hấp dẫn” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.
Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Đà Nẵng: Đầu tư sản phẩm mới gắn với sẵn sàng nguồn nhân lực
Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định: Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư theo hình thức công (ngân sách) – tư (kêu gọi đầu tư, xã hội hóa) để tạo ra những sản phẩm mới, thực sự thu hút du khách, trước mắt là đối với du lịch nội địa. Đồng thời cũng sẵn sàng để thu hút du khách quốc tế khi thị trường được mở của trở lại, dịch bệnh được kiểm soát.
Thành phố đã làm việc với đối tác (Công ty Philips Việt Nam) và sắp đến sẽ triển khai cải tạo cảnh quan trên dòng sông Hàn với điểm nhấn là chiếu sáng nghệ thuật 4 cây cầu nổi tiếng (cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý). Các tòa nhà cao tầng dọc hai bờ sông cũng đưa vào quy hoạch chiếu sáng trang trí để tạo cảnh quan.
Đà Nẵng sẽ đưa vào khai thác tour du lịch thuyền buồm trên sông Hàn và sẽ thí điểm hoạt động đua thuyền buồm trên sông Hàn vào tháng 6/2021. Phố đi bộ với các hoạt động về đêm Bạch Đằng (nối dài) đến cầu Nguyễn Văn Trỗi và dọc tuyến Trần Hưng Đạo cũng sẽ được khởi động từng bước khi hạ tầng đồng bộ.
Thành ủy cũng đã có chủ trương và hiện Sở Du lịch cùng các đối tác triển khai xây dựng sàn giao dịch Du lịch trực tuyến, thúc đẩy hoạt động cung ứng sản phẩm du lịch trong bối cảnh và tình hình mới.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, tranh thủ cơ hội này bắt tay vào chuyển đổi số, tái cơ cấu lại tổ chức, làm mới sản phẩm, Đặc biệt phải lưu ý đến nguồn nhân lực và có kế hoạch thật cụ thể trong bồi dưỡng kỹ năng, đào tạo nghiệp vụ, để khi thị trường mở cửa trở lại, có đầy đủ các điều kiện và nguồn lực để đón và phục vụ du khách, nhất là đón đầu cơ hội phục vụ những thị trường khách mới.
Và ngoài các chính sách hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư công, sự quan tâm của các cấp chính quyền, của cơ quan quản lý, mỗi doanh nghiệp – doanh nhân của ngành Du lịch, dịch vụ phải đặt ra câu hỏi và tự trả lời “Chúng ta phải làm gì để chúng ta tồn tại?”.
Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà nẵng cho biết, để sớm khôi phục hoạt động du lịch, ngành Du lịch Đà Nẵng đã và đang hướng đến thực hiện có hiệu quả 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Đảm bảo công tác phòng, chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn; Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh; Tổ chức các chương trình kích cầu du lịch; Đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới, trong đó ưu tiên chú ý các nhóm sản phẩm du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thực tế ảo…; Tổ chức các sự kiện hấp dẫn, quy mô lớn để thu hút khách du lịch; xây dựng và triển khai phương án chuẩn bị điều kiện để đón và phục vụ khách sau khi Chính phủ cho phép hoạt động lại du lịch quốc tế…
Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng khẳng định sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, thu hút nguồn khách từ các địa phương có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Hướng đối tượng nhắm đến gồm khách công vụ (MICE); khách đi du lịch ngắn ngày, khách theo đoàn các trường học, khách đi theo nhóm, gia đình, cặp đôi, học sinh, sinh viên,… Tại tọa đàm lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng chấp thuận 2 đề xuất là đăng cai tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế tại Đà Nẵng và sắp tới sẽ phát hành voucher (có mệnh giá 500.000đ/voucher) kích cầu du lịch. Đây là những giải pháp góp phần thu hút và làm tăng nguồn khách, tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo không khí sôi động cho thị trường du lịch.
Diệu Vũ – Trần Ngọc