Từ con số 0, với vài khách sạn cỡ 2 sao (-) vào năm 1995 như khách sạn Phan Thiết, khách sạn 19/4, khách đến chừng trăm người là không có chỗ ở. Hơn 20 năm sau, Bình Thuận trở thành trọng điểm của du lịch cả nước, có thể đón cùng lúc hơn 30.000 người. Vào các khu vực như Hàm Tiến, Hòn Rơm (TP. Phan Thiết), Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam), không ai hình dung nổi khung cảnh lèo tèo của 20 năm trước đó. Du lịch đã biến những vùng quê nghèo khó, thiếu cả đường lẫn điện thành các thị tứ sầm uất nhộn nhịp. Là cách “xóa đói giảm nghèo” nhanh và hiệu quả nhất.
Bình Thuận đã làm cuộc “cách mạng” về du lịch từ 1995. Thành quả đạt được ai cũng thừa nhận. Gần đây, sự tăng trưởng có vẻ chững lại và bộc lộ những bất cập, từ cấp quản lý đến các nhà đầu tư và các đơn vị dịch vụ. Lẽ thường, khi ta chậm chân hoặc dừng lại thì thiên hạ sẽ qua mặt. Chưa bao giờ ngành Du lịch được chính phủ và các địa phương quan tâm như hiện nay. Các tỉnh thành đang chạy đua âm thầm mà quyết liệt để phát triển du lịch. Có lẽ mọi người nhận ra, thúc đẩy các ngành dịch vụ, trong đó có du lịch là con đường đúng đắn để kinh tế tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường sống.
Du lịch Bình Thuận lâu nay chỉ “đi bằng một chân” là biển. “Chân” còn lại là mảng du lịch sinh thái gần như chưa đụng đến. Ngay cả du lịch biển cũng cần phải điều chỉnh quy hoạch. Việc đầu tiên phải làm là thay đổi tư duy về quản lý và phục vụ du lịch. Từ lãnh đạo cao nhất đến từng nhân viên.
Có một sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy phát triển du lịch đang diễn ra ở tỉnh Đồng Tháp. Ngoài việc thành lập Trung tâm phát triển du lịch trực thuộc UBND tỉnh bên cạnh Trung tâm xúc tiến & đầu tư, Đồng Tháp còn tổ chức tập huấn (tôi gọi là chia sẻ) kiến thức thực tiễn về du lịch cho Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo các huyện và thành phố trực thuộc. Tiếp theo là các ngành, các đơn vị dịch vụ và đến cả người dân. Bí thư và chủ tịch tỉnh dẫn các đoàn đi khảo sát các mô hình mới. Tham vọng của Đồng Tháp là 10 năm tới, sẽ trở thành thủ phủ của du lịch miền Tây.
Trước mắt, có thể chưa cần làm sân bay nhưng phải sớm khắc phục tình trạng khó khăn về vận chuyển để biến Phú Quý thành đảo du lịch. Xây dựng cù lao Câu thành đảo du lịch sinh thái đúng nghĩa. Dư luận vẫn chưa quên dự án cảng nước sâu Kê Gà đã làm nhiều doanh nghiệp khốn đốn và đang “sốt xình xịch” về dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Phải lựa chọn giữa công nghiệp “có khói” và “không khói”. Rất khó hài hòa vì thực tế chưa có nước nào làm được chuyện đó. Dĩ nhiên, cái nào cũng có mặt trái. Điều quan trọng và cấp bách là Bình Thuận cần khẩn trương quy hoạch và khai thác mảng du lịch sinh thái rừng, thác, núi…
Không ai đi Singapore để tắm biển nhưng du lịch ở đảo quốc nhỏ bé, chưa bằng 1/10 diện tích Bình Thuận, năm 2015 đã đón 17,1 triệu khách quốc tế (Việt Nam đón được 7,9 triệu khách). Singapore là cường quốc kinh tế dịch vụ. Lào, không có biển, dân số chỉ hơn 7 triệu người nhưng năm 2015 đã đón hơn 3,5 triệu khách quốc tế. Bình quân cứ 2 người dân Lào đón một khách quốc tế. Kinh nghiệm làm du lịch không có biển của Lào rất cần được các nhà hoạch định chính sách du lịch nghiên cứu nghiêm túc. Các nước như Malaysia, Thái Lan đều phát triển du lịch bằng cả “hai chân” một cách sáng tạo và chuyên nghiệp.
Ngoài biển, đảo; Bình Thuận có hệ sinh thái rừng, hồ, thác, núi rất đa dạng. Tôi đã đến các hồ Biển Lạc (Tánh Linh), hồ thủy điện Đa Mi và thác Sương Mù (Hàm Thuận Bắc), thác Yavly (Bắc Bình)…, phong cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn và độc đáo. Chỉ tiếc là chưa được quan tâm, kể cả với người trong ngành và dân Bình Thuận. Tôi đã từng đi xe jeep vào chiến khu Bác Ái khám phá rừng khô nhiệt đới với nhiều phát hiện lý thú. Ngay cả danh hiệu “thủ đô thanh long” với những “đêm trắng” cũng chưa được góp sức làm du lịch. Suối khoáng nóng Vĩnh Hảo, thương hiệu hàng đầu và hệ thống nuôi trồng tảo biển đầu tiên ở Việt Nam cũng chưa được tận dụng.
Các loại hình lưu trú cũng cần đột phá mà homestay là lựa chọn số một. Nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả của các homestay CBT (các tỉnh phía Bắc), làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), Pu Luong resort (Thanh Hóa), các Hostel ở Hà Nội, Đà Lạt… rất cần được khảo sát và vận dụng. Bình Thuận có nhiều món ngon nhưng chưa biết khai thác. Cần khảo sát, tập hợp thành Guide book “những món ngon Bình Thuận”. Phải là những món “không đụng hàng” mới tạo sự đặc sắc.
Tôi nhớ, một câu nói nổi tiếng của nhà bác học Albert Einstein“chúng ta không thể giải quyết những vấn nạn của mình với cùng trình độ tư duy khi những vấn nạn đó được tạo ra”. Để có được những thành tựu đột phá thì cần những tư duy đột phá. Phải thay đổi nhận thức để chuyến biến thành hành động cụ thể. Du lịch Bình Thuận phải phát triển song hành các loại hình du lịch để khai thác các tiềm năng thế mạnh đặc thù của địa phương, từ đó mới phát triển ổn định và bền vững, đủ sức cạnh tranh. Cần phải có một cuộc cách mạng về du lịch lần thứ hai để Bình Thuận bứt phá.
Nguyễn Văn Mỹ