Trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, sáng 20-10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Một số ý kiến cho rằng, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỷ đồng (tăng trưởng ở mức 6,3%) dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất.
GDP tăng 6,3-6,5% năm 2016 chỉ là “kỳ vọng”
Khẳng định tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) không đạt kế hoạch, Ủy ban Kinh tế cho biết, qua theo dõi nhiều năm nhận thấy kinh tế quý IV bao giờ cũng có tốc độ tăng cao nhất trong bốn quý. Vì vậy dự báo tốc độ GDP quý IV tăng cao là hợp lý.
Tuy nhiên, theo Ủy ban, căn cứ để bảo đảm tăng trưởng cả năm từ 6,3-6,5% như báo cáo của Chính phủ, dự báo những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao hơn là dư địa chính sách tài khóa, tín dụng, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút vốn FDI tăng và quy luật GDP quý cuối bao giờ cũng tăng cao hơn các quý trước thì hầu hết là chưa chắc chắn, chưa được định lượng cụ thể, thêm vào đó, lũ lụt tại các tỉnh miền trung vừa diễn ra gây thiệt hại lớn.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự báo kết quả ước thực hiện cả năm GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là “kỳ vọng” và sẽ rất khó để đạt được. Ngược lại nếu việc kiểm soát hiệu quả không tốt, việc gia tăng giải ngân tín dụng và ngân sách trong những tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chủ yếu đề cập đến những nguyên nhân khách quan mà chưa phân tích rõ về những nguyên nhân chủ quan. Nhìn rộng hơn, sự sụt giảm tăng trưởng của nông nghiệp cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Hệ thống doanh nghiệp là động lực phát triển nhưng cả khu vực nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và sức cạnh tranh, số doanh nghiệp đăng ký nhiều nhưng số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 57% so với số đăng ký, một số còn lợi dụng chính sách “tiền đăng, hậu kiểm” để thành lập doanh nghiệp trục lợi bất chính.
Cơ cấu thị trường tài chính cũng chưa hợp lý, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn so với thị trường tiền tệ, chưa tạo kênh thu hút vốn xã hội để đầu tư phát triển dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không dám đầu tư trung và dài hạn cho nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.
Cần phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4%
Theo báo cáo thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự báo cả năm tăng khoảng 4,5-5%, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020.
Theo đó, đến cuối năm 2016, đề nghị tính toán thời gian, liều lượng điều chỉnh phù hợp đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục, theo dõi sát giá xăng dầu thị trường thế giới để kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng phù hợp (kế hoạch là 18%) ... để tránh gây áp lực lên chỉ số CPI.
Sự cố ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến thu NSNN đối với các tỉnh miền trung
Nhìn nhận trong điều kiện tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, ngành tài chính đã có nhiều cố gắng trong quản lý thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, số thu từ dầu thô, thu xuất nhập khẩu không thể đạt dự toán; số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 57,4% dự toán. Tình trạng trốn thuế, thất thu tương đối lớn, tính đến ngày 31/8/2016, với 74,8 nghìn tỷ đồng nợ đọng thuế trên toàn quốc, trong đó hơn 14,8 nghìn tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá nguyên nhân số thu trung ương đạt thấp, số thu địa phương hầu hết vượt dự toán, số quyết toán cao hơn số dự toán có phải do giao dự toán thấp để được thưởng vượt thu.
Một số ý kiến còn đề nghị đánh giá rõ về tác động của sự cố ô nhiễm môi trường đến thu NSNN đối với các tỉnh miền trung để có biện pháp điều hành ngân sách phù hợp; thu ngân sách từ chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, bán trụ sở...
Về thu từ dầu thô, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ ước tính giá dầu thanh toán bình quân bốn tháng cuối năm khoảng 46-48 USD là hợp lý, tuy nhiên, trước những bất ổn và diễn biến khó lường của giá dầu trên thế giới, Ủy ban yêu cầu cần thường xuyên cập nhật tình hình để đánh giá thu từ dầu thô sát với thực tế, có giải pháp kịp thời để bù đắp hụt thu, tránh bị động đối với tổng thu cân đối NSNN.
Đối với thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, việc xác định số hoàn thuế GTGT năm 2016 là 98 nghìn tỷ đồng theo dự toán là chưa bảo đảm phù hợp với thực tế (trong 8 tháng đầu năm hoàn 93,6 nghìn tỷ đồng). Đề nghị đánh giá bổ sung số chi hoàn thuế trong thực tế để bảo đảm phản ánh sát thực số ước thực hiện thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2016, tránh phát sinh nợ quỹ hoàn thuế.
Tính đến hết tháng 9-2016, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 54,5% dự toán, trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 38,8% dự toán là quá thấp - Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét lại căn cứ, hiệu quả của việc giải ngân vốn đầu tư phát triển cả năm 2016 đạt 102,4% dự toán; đánh giá lại một số khoản chi nhiều năm không đạt dự toán như chi khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo...
Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, với một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng chi không đúng chế độ, không đúng định mức, vượt dự toán được duyệt, sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách ngân sách trung ương cấp bổ sung có mục tiêu cho địa phương nhưng thực tế chi không đúng mục tiêu, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao 64,3% trong tổng chi.
Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng, hai chỉ tiêu rất quan trọng là tốc độ tăng trưởng và tốc độ tăng xuất khẩu không đạt, GDP tuyệt đối giảm 500 nghìn tỷ đồng, nhưng không ảnh hưởng đến thu ngân sách, 11 chỉ tiêu khác vẫn đạt và vượt kế hoạch là chưa hợp lý. Báo cáo mới phân tích về một số chỉ tiêu, những chỉ tiêu còn lại thì gần như không có phân tích nên không đủ cơ sở để so sánh, đánh giá, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung cụ thể, đầy đủ, toàn diện hơn, đặc biệt là các chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, môi trường.
Nguồn: Báo Nhân Dân