Bài viết này sẽ phân tích thực trạng dịch vụ vận chuyển tại các đô thị du lịch ở Việt Nam và đưa ra giải pháp cải thiện chất lượng của dịch vụ này dựa vào việc phát triển các tuyến giao thông công cộng (GTCC) ưu tiên phục vụ du khách tại các thành phố trọng điểm về du lịch.
Chất lượng dịch vụ vận chuyển tại các đô thị du lịch ở Việt Nam còn yếu
Một trong những điều kiện tiền đề để du lịch “cất cánh” chính là cơ sở hạ tầng giao thông phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong đó cần chú ý đến hệ thống giao thông đối ngoại và giao thông trong nội bộ của đô thị du lịch nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của khách du lịch từ vùng này đến vùng khác, từ địa điểm du lịch này đến địa điểm du lịch khác, từ nơi cư trú đến các địa điểm du lịch hoặc trong nội bộ khu du lịch.
Đối với hệ thống giao thông đối ngoại của từng đô thị du lịch bao gồm 5 loại phương tiện đó là: hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển và đường sông. So sánh với một số nước trong khu vực thì ở Việt Nam còn quá hạn chế về vấn đề này, công suất các sân bay quốc tế của Việt nam chỉ bằng ½ sân bay quốc tế của các nước khác, bên cạnh đó các phương tiện vận chuyển khác như: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường sông vận chuyển khách du lịch quốc tế chưa lớn (khoảng 10-20%). Tuy nhiên các dịch vụ này cũng đã được cải thiện nhờ sự đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông:
Ngành hàng không trong thời gian ngắn đã thay đổi hàng loạt máy bay hiện đại, đường băng, nhà ga được cải tạo nâng cấp và xây dựng mới, chất lượng đội bay và đội ngũ tiếp viên hàng không được nâng cao. Các chuyến bay trên các tuyến quốc tế và nội địa được mở rộng, thông suốt và an toàn thông qua các sân bay: Nội Bài, Tân Sân Nhất, Đà Nẵng, Phú Bài, Nha Trang, Điện Biên...
Ngành đường sắt cùng với những đổi mới đáng kể. Chất lượng các đoàn tàu và chất lượng phục vụ có nâng cao. Thời gian chạy tàu cho mỗi chuyến đã nhiều lần rút ngắn lại, đã nối lại tuyến đường sắt quốc Việt Trung...
Dịch vụ vận chuyển đường bộ cũng phát triển khá nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, đặc biệt hình thành một số đoạn đường cao tốc trên toàn tuyến từ Bắc vào Nam giúp kết nối các điểm đến trong phạm vi bán kính 200km được thuận tiện.
Dịch vụ vận chuyển đường biển cũng có những chuyển biển tích cực với lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển ngày càng tăng. Tuy nhiên đến nay chưa có cảng biển chuyên dụng dành cho du lịch. Sự hạn chế về cơ sở hạ tầng này đang làm chậm tốc độ phát triển du lịch biển, vốn đang được coi là mũi nhọn của Du lịch Việt Nam. Trong tương lai với nhiều cảng biển du lịch quốc tế sẽ được hình thành là cơ sở để đón nhận các tàu du lịch lớn của thế giới như cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), cảng Nha Trang (Khánh Hòa).
Trong nội bộ các đô thị du lịch thì việc vận chuyển khách du lịch chủ yếu thông qua loại hình phương tiện chủ yếu là ô tô, taxi, xe máy, xe điện, xích lô...Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao nhờ các công ty đầu tư đổi mới các loại xe, sẵn sàng phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên các phương tiện này cũng ảnh hưởng một phần không nhỏ đến nhu cầu đi lại ngày càng đa dạng của du khách. Du khách sẽ phụ thuộc nhiều vào các tour du lịch định sẵn, giá cả khi thuê xe sẽ khá tốn kém, việc tự đi lại tại một số điểm đến thiếu an toàn...Như vậy tính linh động trong quá trình du lịch sẽ bị hạn chế đáng kể. Điều này sẽ không phù hợp với xu hướng phổ biến hiện nay là du khách tự mình khám phá các điểm đến mà không cần qua các tour du lịch cố định của các công ty lữ hành. Đây chính là một trong những hạn chế cơ bản tại các đô thị du lịch Việt Nam. Điều này đã làm đáng kể sức cạnh tranh với các điểm đến khác ở trong khu vực và thế giới.
Như vậy việc nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ vận chuyển, đặc biệt là trong nội bộ các đô thị du lịch vẫn sẽ là một trong những nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới không chỉ của ngành Du lịch mà còn đối với ngành giao thông vận tải.
Hệ thống GTCC phục vụ du lịch tại các đô thị du lịch ở Việt Nam và ứng dụng tại TP. Đà Nẵng
Các đô thị du lịch ở Việt Nam trong quá trình thúc đẩy ngành du lịch phát triển cần quan tâm đến dịch vụ vận chuyển dành cho du khách. Khi lượng khách du lịch càng lớn thì nhu cầu này cần được tính đến trong việc xác định cơ cấu đi lại của toàn thành phố. Trong đó việc ưu tiên xây dựng các tuyến GTCC phục vụ khách du lịch là một bước đi hợp lý trong việc tạo ra dịch vụ đi lại có chất lượng tốt hơn, thuận tiện hơn, tiết kiệm hơn. Vì vậy việc phát triển các tuyến GTCC ưu tiên phục vụ du lịch cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:
Mạng lưới các tuyến GTCC phải kết nối được hầu hết các điểm du lịch trong các đô thị du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách trong việc di chuyển để tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tại đây. Điều này không những góp phần cải thiện hiệu quả mạng lưới GTCC nói chung mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển qua đó cải thiện các sản phẩm du lịch tại các điểm đến.
Đối với mạng lưới GTCC chung của toàn thành phố thì các tuyến GTCC chuyên biệt này cần có sự khớp nối thuận tiện thông qua các điểm dừng, các trạm trung chuyển để phục vụ không chỉ khách du lịch mà còn đối với mọi người dân khi họ có nhu cầu đi lại.
Mạng lưới tuyến GTCC chuyên biệt phục vụ du lịch cần tạo điểm nhấn, tính đặc trưng đặc biệt đối với du khách bằng việc trang trí màu sắc, hình dáng và các công nghệ sử dụng cho các phương tiện này.
Xây dựng nhiều chính sách về hình thức vé phù hợp với khách du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn, tiện lợi của hệ thống GTCC chuyên biệt này. Cần phân chia các loại vé theo thời gian lưu trú của du khách: vé sử dụng trên từng tuyến, vé sử dụng trong ngày hay vé sử dụng trong 3 ngày...Ưu tiên sử dụng loại vé điện tử (thẻ thông minh) và kết hợp với việc giảm giá các dịch vụ du lịch tại một số địa điểm nhất định do thành phố quy định dành cho du khách khi sử dụng vé này.
Để nâng cao dịch vụ của các tuyến GTCC này, cần xây dựng các chính sách ưu đãi về giá vé theo từng đối tượng, từng thời điểm du lịch trong năm. Ví dụ như miễn phí cho trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, người tàn tật; giảm giá vé cho du khách vào những dịp đặc biệt như mùa lễ hội, ngày quốc khánh...để kích cầu du lịch.
Đối với TP. Đà Nẵng - là trung tâm giữa những di sản văn hóa thế giới, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan tự nhiên hấp dẫn và tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, tiêu biểu như: bãi biển đẹp, bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, khu du lịch Bà Nà, danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành Điện Hải, bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chămpa, các lễ hội truyền thống và hiện đại như lễ hội Quán Thế Âm, liên hoan pháo hoa quốc tế.... Do vậy du lịch đã và đang được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố trong tương lai.
Vì vậy việc phát triển mạng lưới GTCC tại TP. Đà Nẵng cần chú ý đến đối tượng khách du lịch trong việc xác định cơ cấu nhu cầu đi lại hằng ngày. Điều này cũng sẽ góp phần hoàn thiện chất lượng dịch vụ du lịch của thành phố và tăng khả năng cạnh trạnh với các điểm đến khác ở trong nước và khu vực. Do đó, phát triển một số tuyến xe buýt chuyên biệt ưu tiên phục vụ du lịch tại Đà Nẵng là một giải pháp mang tính đột phá không chỉ đối với ngành giao thông vận tải mà còn đối với ngành du lịch thành phố. Đây sẽ là các tuyến xe buýt ưu tiên phục vụ du lịch đầu tiên tại Việt Nam và thương hiệu đề xuất là “DANANG TOURIST BUS”. Các tuyến Danang Tourist Bus phục vụ chủ yếu là khách du lịch nên tần suất hoạt động sẽ thưa hơn so với xe buýt thông thường với 30 phút/chuyến. Đồng thời các điểm dừng chính trên tuyến sẽ được đặt chủ yếu tại các điểm tham quan, các điểm vui chơi giải trí, mua sắm và một số khu vực có nhiều cơ sở lưu trú. Trong giai đoạn đầu sẽ tiến hành xây dựng 3 tuyến Danang Tourist Bus. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để nhân rộng mô hình này trong tương lại ở Đà Nẵng cũng như nhiều thành phố khác ở Việt Nam.
Để việc triển khai hiệu quả các tuyến này vào thực tế, cần có sự phối hợp giữa chính quyền với các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư từ các công ty du lịch trên địa bàn. Đây sẽ là đầu mối chính trong việc xây dựng các định hướng phát triển, xây dựng tuyến, kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó thành phố chịu trách nhiệm giám sát hoạt động và có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư hệ thống về lãi suất vay vốn, chính sách trợ giá vé...
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
2. Trần Hoài Nam (2014), Thực trạng hệ thống giao thông công cộng thành phố Đà Nẵng: đánh giá theo mục tiêu phát triển đô thị bền vững, Tạp chí khoa học & công nghệ - Đại học Duy Tân, 1 (10), 90 – 96.
3. UBND Tp.Đà Nẵng (2013), Đề án phát triển các khu phố chuyên doanh và trung tâm mua sắm phục vụ du lịch.
4. UBND Tp. Đà Nẵng (2011), Chương trình phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2015.
|
ThS. Trần Hoài Nam
(Tạp chí Du lịch)