Biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc sắc
Khơi dậy nghề thủ công truyền thống.
Người Dao ở Sapa có nhiều nghề thủ công truyền thống có giá trị văn hóa cao như nghề chạm khắc bạc, thêu dệt thổ cẩm làm trang phục, rèn đúc, làm đồ mộc... Tuy nhiên, các nghề này chỉ là nghề phụ mang tính chất hỗ trợ cho trồng trọt. Sản phẩm của các nghề thủ công này chưa trở thành sản xuất hàng hóa mà chỉ mang tính tự cung tự cấp, đáp ứng riêng cho nhu cầu của từng gia đình. Nhưng từ khi du lịch phát triển, người Dao ở Sapa đã lựa chọn một số nghề để đầu tư tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm cho du lịch. Điền hình là nghề thêu dệt thổ cẩm. Hội phụ nữ các xã Tả Phìn, Suối Thầu, Nậm Cang đã tổ chức các câu lạc bộ sản xuất thổ cẩm thu hút hàng trăm hội viên. Các câu lạc bộ này được các tổ chức phi chính phủ tư vấn về mẫu mã sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm bước đầu. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn, tổ chức lớp dạy nghề miễn phí cho người dân. Nhờ vậy mỗi người tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch đều có thu nhập cao.
Nguyên tắc sản xuất nghề thủ công cũng như thêu dệt sản phẩm du lịch phải đảm bảo các yếu tố như kế thừa di sản văn hóa truyền thống. Trong nghề thêu dệt thổ cẩm, phụ nữ người Dao đều giữ gìn một số hoa văn cổ độc đáo có dấu ấn riêng của văn hóa tộc người. Người Dao cũng giữ gìn bảng màu truyền thống gồm có 4 màu chủ đạo là vàng, đen, đỏ, trắng. Sản phẩm nghề thêu dệt thổ cẩm đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách như đệm, gối, túi đeo điện thoại di động, ví, mũ, túi xách tay, ba lô du lịch...
Trong nghề chạm khắc bạc cũng vậy, người Dao sản xuất đa dạng các sản phẩm như nhẫn, vòng tay, sợi dây chuyền bạc, các hình kỷ niệm bằng bạc... Nhưng mô típ hoa văn chạm khắc trên bạc vẫn là các mô típ hoa văn cổ truyền. Đồng thời một số cơ sở chạm khắc bạc chỉ sản xuất sản phẩm bằng bạc nguyên chất nhằm giữ uy tín của bạc trắng chứ không sản xuất các loại sản phẩm bằng nhôm, hợp kim.
Người Dao ở Tả Phìn, Nậm Cang Sapa trước đây có nghề làm trống, nghề đóng đồ mộc ghép các thùng gỗ đựng nước... Sản phẩm của đồ mộc chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ngày nay, qua tìm hiểu nhu cầu của du khách thấy nghề làm mộc có thể sản xuất ra nhiều đồ lưu niệm giá trị nên ông Lý Phủ Kinh ở Tả Phìn đã tập hợp một số nghệ nhân thành lập câu lạc bộ sản xuất các loại trống và đồ lưu niệm. Hiện nay, câu lạc bộ sản xuất của ông đã làm ra rất nhiều loại trống khác nhau theo nhu cầu của du khách như các loại trống nhỏ làm đồ lưu niệm, các loại trống trung bình đến các loại trống lớn làm vật trang trí trong các nhà hàng, khách sạn... Sản phẩm của câu lạc bộ đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường.
Các sản phẩm nghề thủ công phục vụ du lịch của người Dao đa dạng, phong phú nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc cụ thể:
Các sản phẩm thủ công đều kế thừa kỹ thuật, họa tiết, thẩm mỹ truyền thống. Đặc biệt, nhiều sản phẩm của nghề thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc đều nhằm chuyển tải bản sắc văn hóa người Dao thông qua các họa tiết, các biểu tượng giàu tính thẩm mỹ.
Các sản phẩm thủ công này đều đảm bảo nguyên tắc sản xuất thủ công, không sử dụng máy móc, không sử dụng đồ sản xuất công nghiệp làm nguyên vật liệu.
Các sản phẩm thủ công đều đa dạng hóa về mẫu mã, chủng loại đáp ứng với nhu cầu hiện tại của du khách.
Các sản phẩm thủ công đều gọn nhẹ, dễ chuyên chở và giá thành không quá đắt mục đích nhằm bán được nhiều sản phẩm.
Phát triển dịch vụ tắm lá thuốc:
Trước đây người Dao là dân tộc rất giỏi về y học cổ truyền, sử dụng dược liệu chữa bệnh nổi tiếng trong cộng đồng các dân tộc ở Sapa. Phụ nữ người Dao đều có kho tàng tri thức về dược học, nhiều người trở thành những người thầy thuốc nổi tiếng. Trong cuộc sống thường ngày của người Dao cổ truyền, họ đã sử dụng lá thuốc để tắm nhằm đảm bảo sức khoẻ của các thành viên gia đình. Nhưng hiện nay, để đáp ứng nhu cầu du khách, người Dao đã phát huy việc lấy lá làm thuốc tắm trở thành hàng hóa phục vụ du lịch. Riêng ở thôn Sả Xéng xã Tả Phìn huyện Sapacó 11 hộ kinh doanh nghề tắm lá thuốc. Các thôn Nậm Tống, Nậm Cang, Giàng Tà Chải... đều có các hộ kinh doanh dịch vụ tắm lá thuốc.
Khai thác nhà ở thành nhà nghỉ cộng đồng:
Nhà người Dao truyền thống thường chật hẹp và ít có công trình vệ sinh. Nhưng hiện nay, trước nhu cầu du khách thích nghỉ tại bản làng nên nhiều hộ gia đình người Dao đã tu sửa ngôi nhà trở thành nhà nghỉ cộng đồng phục vụ du khách (homestay). Các ngôi nhà này đều giữ kiến trúc, khuôn viên, mặt bằng, kết cấu bên trong giống như ngôi nhà cổ truyền. Nhưng làm thêm 1, 2 gian ở phía trước cửa nhà làm nhà nghỉ cho du khách vì quan niệm các du khách không làm ảnh hưởng đến bàn thờ tổ tiên và sinh hoạt của các thành viên gia đình truyền thống. Các phòng nghỉ đều bố trí như nhà nghỉ bình dân, có đồ dùng mới, tủ, bàn ghế, ti vi và có công trình vệ sinh khép kín. Tuy nhiên, vật liệu xây dựng đều là những vật liệu truyền thống gỗ, tre, không sử dụng các vật liệu hiện đại như xi măng, gạch, ngói. Như vậy, người Dao vẫn giữ được kiến trúc và nếp sống truyền thống trong ngôi nhà đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách sử dụng các dịch vụ của nhà nghỉ.
Bên cạnh các dịch vụ phục vụ du lịch trên, người Dao ở Sapa còn biết phát huy di sản văn hóa truyền thống tạo thành nhiều sản phẩm và các yếu tố của sản phẩm du lịch. Các thôn bản người Dao được chọn làm điểm du lịch đều xây dựng các đội văn nghệ dân gian, khai thác các di sản dân ca dân vũ truyền thống của người Dao thành các tiết mục, chương trình văn nghệ. Nhờ khai thác các chất liệu dân gian truyền thống nên các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách đều giàu bản sắc và hấp dẫn. Ở các điểm du lịch của người Dao ở Sapa đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức quảng bá các ngày lễ, các ngày hội, các ngày sinh hoạt cộng đồng cho du khách. Các sinh hoạt này đã được các hãng lữ hành xây dựng thành các sản phẩm du lịch chào bán cho khách quốc tế. Đặc biệt du khách rất thích xem các cảnh hát giao duyên, các lễ cưới, lễ “pút tồng”... của người Dao.
Nguyên tắc khai thác di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch
Đề cao vai trò của cộng đồng: cộng đồng người Dao ở các điểm du lịch phải được xây dựng trở thành chủ nhân của điểm du lịch đó. Các doanh nghiệp muốn chào bán các sản phẩm du lịch ở vùng người Dao phải quan tâm chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Lợi ích của người dân càng được đề cao, quan tâm thì điểm du lịch đó càng hấp dẫn, thu hút được đông du khách đến thăm. Nguyên tắc này đòi hòi có sự quản lý của chính quyền địa phương bằng các chế tài yêu cầu các doanh nghiệp phải chia lợi nhuận bình đẳng với người dân.
Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng người Dao phải theo định hướng phát triển du lịch bền vững. Vấn đề này liên quan đến cả việc quy hoạch du lịch, chính sách phát triển du lịch, gắn vấn đề phát triển du lịch với bảo vệ môi trường... Đặc biệt trong vấn đề phát huy giá trị văn hóa truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch, các dịch vụ du lịch đòi hỏi phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc cụ thể như sau:
Các sản phẩm du lịch đều phải thấm đẫm các yếu tố văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao. Nhờ các yếu tố văn hoá truyền thống này mới đảm bảo tính độc đáo và hấp dẫn, sức hút đối với du khách của điểm du lịch cộng đồng người Dao. Các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hóa của người Dao phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của bản sắc người Dao. Đồng thời tuyệt đối không làm giả các sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm mục đích thu hút khách. Khảo sát, thống kê các ngày lễ, ngày tết, các sinh hoạt cộng đồng của người Dao trong một năm để thông báo cho du khách, đồng thời quảng bá, giới thiệu cho du khách để du khách đến tham quan trong khung cảnh thật.
Các điểm du lịch cộng đồng của người Dao ở Sapa không nhằm mục đích thu hút quá nhiều khách, dẫn đến tình trạng quá tải, nhằm đảm bảo môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Như vậy, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc người Dao với việc phát triển du lịch có mối quan hệ khăng khít với nhau:
Muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi cộng đồng người Dao ở các điểm du lịch phải bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc. Vì bản sắc văn hóa không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản sản xuất ra các sản phẩm du lịch. Đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc thì điểm du lịch đó sẽ lụi tàn không còn sức hấp dẫn du khách. Nhưng muốn giữ gìn phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có hệ thống chính sách đồng bộ như chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân, chính sách tôn vinh các nghệ nhân và các di sản văn hóa độc đáo, chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm du lịch phát triển, chính sách đào tạo trao truyền di sản văn hóa dân tộc qua các thế hệ (đặc biệt đưa việc thực hành vốn dân ca dân vũ, trò chơi trở thành môn học ngoại khoá ở các trường học).
Du lịch phát triển tạo thêm thu nhập cho người dân, giúp cho người dân càng nhận thức rõ về vai trò của di sản văn hóa truyền thống với vấn đề sản xuất các sản phẩm du lịch, tạo thêm nguồn thu cho người dân có điều kiện để giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Qua nghiên cứu nhu cầu của du khách quốc tế đã thu được kết quả cụ thể như sau: 90% du khách thích nghe hướng dẫn viên du lịch là người Dao, người Mông bản địa. 71% du khách muốn được ngủ và ăn ngay tại cộng đồng các làng người Dao. Đặc biệt là ở các điểm du lịch xa trung tâm huyện lị từ 10 – 20 km thì du khách càng có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng thôn bản. 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm... 83% du khách muốn mua sản phẩm đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình. |
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Trung Lương (Chủ biên) – Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam – NXB Giáo dục – năm 2000
2. Trần Hữu Sơn (Chủ biên)– Sách cổ người Dao, tập I – NXB Văn hoá Dân tộc Hà Nội – năm 2009
3. Trần Đức Thanh - Nhập môn khoa học du lịch – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – năm 1999
4. Bùi Thị Hải Yến – Quy hoạch du lịch – NXB Giáo dục – năm 2006
5. Các bản tin du lịch của Tổng cục Du lịch – năm 2008, 2009.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai |
TS. Trần Hữu Sơn
(Tạp chí Du lịch)