Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng: tà áo dài không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ, là di sản văn hóa cốt lõi mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo; góp phần truyền tải hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình, con người Việt Nam mến khách, thanh lịch không chỉ qua cách ứng xử mà còn qua những bộ trang phục truyền thống.
Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí cho rằng cần có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nghệ sỹ và đặc biệt là các nhà thiết kế để áo dài truyền thống được bảo tồn và phát huy giá trị trong phát triển du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng mong muốn các nhà thiết kế tiếp tục đầu tư trí tuệ để truyền tải hồn cốt, vẻ đẹp của con người và đất nước vào những tà áo dài. Những sản phẩm này sẽ được các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp mang đi theo các chương trình xúc tiến Du lịch Việt Nam ở nước ngoài và xây dựng các chương trình tour cho du khách trải nghiệm áo dài. Các nghệ sỹ cũng góp phần quảng bá hình ảnh áo dài bằng cách lựa chọn trang phục truyền thống mỗi khi đi lưu diễn ở nước ngoài...
Tuy nhiên, để áo dài thực sự trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, áo dài cần được sử dụng rộng rãi và phổ biến hơn không chỉ trong các sự kiện mà còn trong cuộc sống thường ngày của người dân. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Transviet Travel, nhiều du khách nước ngoài biết về Việt Nam thông qua hình ảnh tà áo dài; tuy nhiên trên thực tế khi đến thăm Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội lại thấy áo dài ít được sử dụng. Ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, Hà Nội nên khuyến khích người dân mặc áo dài, tổ chức trình diễn áo dài và xây dựng các khu chụp ảnh áo dài, trải nghiệm mặc áo dài cho du khách tại khu vực phố đi bộ.
HN