* Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch, thực tế đặt ra khi “cánh cửa du lịch hoàn toàn rộng mở” là “thách thức mười, cơ hội một”. Áp lực cạnh tranh không chỉ là câu chuyện của các DN, mà là vấn đề đặt ra trên bình diện rộng của toàn ngành Du lịch, của quốc gia. Ở góc độ chuyên gia, ông nhìn nhận thế nào?
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là bình thường hóa mọi hoạt động du lịch và thực tế cho thấy du lịch đang bắt đầu sôi động trở lại. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng thời điểm này đã có sự thay đổi, số lượng khách đi theo đoàn chưa có chiều hướng tăng trở lại. Những đoàn khách có số lượng lớn chủ yếu là các cơ quan, DN tổ chức cho cán bộ, công nhân viên theo hình thức khuyến thưởng, họ chỉ tập trung đi du lịch vào dịp hè hoặc cuối năm. Các DN du lịch chủ yếu đón khách lẻ và có xu hướng bán tour dưới hình thức combo hoặc dịch vụ đơn lẻ thay vì bán tour trọn gói như trước đây. Vấn đề đầu tiên có thể thấy rõ nhất là bán tour cho khách lẻ không mang lại lợi thế cho DN ở các khâu tổ chức và nguồn lợi ít hơn so với bán tour cho khách đoàn.
Khi hoạt động du lịch quay trở lại sau hai năm gián đoạn bởi đại dịch, có rất nhiều đại lý du lịch được thành lập hoặc một cá nhân dựa vào DN du lịch nào đó để bán combo, điều này đã tạo nên những đối thủ cạnh tranh với các DN lữ hành.
Ở góc độ đón khách quốc tế, do đang là thời điểm cuối vụ du lịch quốc tế (chính vụ của du lịch quốc tế khoảng từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau) nên việc công bố thời gian mở cửa vào ngày 15/3 vừa rồi có thể là sự chuẩn bị cho các kế hoạch đón tiếp du khách dài hơn chứ chưa thể khiến DN và du lịch Việt Nam có một lượng khách quốc tế lớn ngay trong năm 2022.
Tôi cho rằng, cơ hội không phải ngay lập tứccó mà còn phụ thuộc cả ở phía đối tác, khách hàng quốc tế lẫn sự chủ động ở trong nước.
* Theo ông, Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm và nhân lực du lịch cho việc “mở cửa”?
Trong 2 năm dịch bệnh diễn ra, có rất nhiều DN đã chủ động xây dựng mới, tu bổ, hoàn thiện cơ sở dịch vụ để chờ đón du lịch trở lại, tuy nhiên chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch liên quan tới cơ sở vật chất dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, mua sắm, vui chơi giải trí… đã bị đứt gãy do không có khách trong thời gian dài. Bởi vậy, thời điểm này, các DN không chỉ phải đối mặt với yêu cầu đầu tư để khôi phục lại cơ sở vật chất kỹ thuật mà còn phải giải bài toán làm sao liên kết lại chuỗi giá trị đã bị đứt gãy, khôi phục nguồn nhân lực… Có thể nói, DN cần có một khoảng thời gian nhất định mới đáp ứng được theo yêu cầu.
Vai trò của DN lữ hành trong việc gắn kết lại chuỗi liên kết là rất quan trọng bởi sẽ kết nối được hàng không, lưu trú, giải trí, mua sắm… nhưng vấn đề khó là lượng khách đoàn quá ít nên khó tạo ra được chuỗi giá trị cung ứng hiệu quả như trước đây. Bên cạnh đó, du khách cũng có xu hướng đặt trực tiếp với các đơn vị cung ứng dịch vụ nên chuỗi cung ứng không được vận hành một cách bài bản. Do vậy, cần có thời gian để vận hành lại chuỗi liên kết một cách hiệu quả hơn.
* Sản phẩm thế mạnh của Du lịch Việt Nam là biển đảo, song dường như khâu quảng bá của chúng ta chưa hiệu quả, quan điểm của ông thế nào?
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đưa sản phẩm du lịch biển đảo đứng đầu trong 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo (biển đảo, sinh thái, văn hóa, đô thị).
Du lịch biển đảo thực sự là lợi thế của Du lịch Việt Nam với bờ biển dài khoảng 3.260km, hơn 400 bãi biển rất đẹp nhưng hiện nay mới chỉ khai thác được hơn 200 bãi biển; 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển. Do các bãi biển nằm dọc theo trục dài của đất nước nên du lịch biển bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ khá lớn. Miền Bắc không khai thác được bãi biển vào mùa đông, còn miền Nam cũng chỉ khai thác được trong khoảng thời gian 6 tháng mùa khô.
Mặc dù biển đảo là thế mạnh của Du lịch Việt Nam nhưng du lịch văn hóa cũng cần được quan tâm phát triển hơn nữa bởi Việt Nam là quốc gia đa dạng về văn hóa với 54 dân tộc mang nhiều sắc thái khác nhau từ ẩm thực, phong tục tập quán, lễ hội, kiến trúc… Việt Nam còn có thế mạnh ẩm thực nhưng chúng ta vẫn chưa phát huy được, chưa tạo được thương hiệu ẩm thực quốc gia. Nâng ẩm thực lên thành nghệ thuật và định vị thương hiệu là điều rất nên làm, cần làm. Ngoài ra, khi chúng ta đã phát triển ẩm thực thì cũng cần gắn với chợ đêm và phố đêm - yếu tố rất quan trọng của “kinh tế đêm”.
* Ông có nhận xét gì về thông điệp “Live Fully in Vietnam” của ngành Du lịch?
Có thể thấy, hai nước đứng đầu về du lịch trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan và Malaysia sau nhiều năm đến nay vẫn không thay đổi slogan du lịch. Thái Lan vẫn sử dụng “Amazing Thailand”, Malaysia vẫn sử dụng “Malaysia - Truly Asia” và họ cũng sử dụng các khẩu hiệu khác tùy thời điểm, chẳng hạn Thái Lan sử dụng Land of smiles, Kitchen of the world hoặc I hate Thailand…
Slogan “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đã được ngành Du lịch sử dụng cách đây hơn 10 năm, có bộ nhận diện thương hiệu rất rõ về các dòng sản phẩm du lịch của Việt Nam, về sự đặc sắc của các sắc tộc đang sinh sống tại Việt Nam…
Thông điệp “Live Fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) được ngành Du lịch đưa ra khá hay cả nghĩa tiếng Việt và tiếng Anh, gợi mở hình ảnh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, gợi cảm hứng và chào đón du khách quốc tế đến Việt Nam với những trải nghiệm mới mẻ, trọn vẹn khi Du lịch Việt Nam mở cửa trở lại. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, thông điệp này chỉ mang tính chất thời điểm, chưa thể thay thế Slogan “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”. Theo quan điểm của tôi, có thể sử dụng đồng thời “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” và “Sống trọn vẹn tại Việt Nam” mà chưa cần thay thế bởi để nhận diện, định vị được thương hiệu đòi hỏi phải có thời gian, do đó “cái mới” chưa chắc đã tốt hơn “cái cũ”.
* Là người có những nghiên cứu chuyên sâu về Nhật Bản, theo ông lý do nào khiến đất nước này có sự phát triển thần kỳ về du lịch chỉ trong một khoảng thời gian ngắn? Việt Nam có thể học được kinh nghiệm gì từ Nhật Bản trong phát triển du lịch, thưa ông?
Nhật Bản vốn không chú trọng tới du lịch, họ chỉ nhìn nhận vai trò của du lịch sau trận động đất sóng thần năm 2011 tại miền Bắc đất nước này. Thời điểm đó, lượng khách quốc tế tới Nhật Bản chỉ khoảng hơn 8 triệu lượt nhưng đến năm 2019, Nhật Bản đã đón khoảng hơn 30 triệu lượt khách quốc tế. Đây là sự đột phá hết sức ấn tượng.
Có thể thấy, sau trận sóng thần 2011, vị thế của Nhật Bản về công nghệ đã có sự xoay trục tới các quốc gia khác. Nhật Bản nhận thấy cần chuyển đổi, tập trung vào phát triển kinh tế bằng việc vừa duy trì phát triển khoa học công nghệ tiên tiến vừa thúc đẩy dịch vụ du lịch, nhằm xây dựng lại hình ảnh đất nước Nhật Bản. Và quốc gia này đã có sự phục hồi - bứt phá một cách thần kỳ sau trận động đất sóng thần đó. Nhật Bản đã áp dụng chiến dịch “Chào mừng đến với Nhật Bản” để thu hút khách đến, điều đặc biệt là họ chủ yếu đưa khách tới nơi đã bị sóng thần tàn phá. Chỉ sau khoảng thời gian 2 năm, Nhật Bản nhận ra rằng du lịch không chỉ giúp quảng bá cho đất nước hồi sinh mà còn mang lại nguồn thu rất lớn. Từ đó, Nhật Bản bắt đầu tập trung đẩy mạnh du lịch và con số khách du lịch quốc tế đến với Nhật Bản đã tăng rất ấn tượng.
Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chúng ta càng nhận thấy tầm quan trọng của du lịch và ảnh hưởng của ngành Du lịch đối với các ngành khác. Do vậy, du lịch là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên để phục hồi kinh tế và phát triển đất nước lên tầm cao mới. Tôi cho rằng, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm về phát triển du lịch của Nhật Bản. Mặt khác, để du lịch đột phá thì cần đầu tư hơn nữa về mọi mặt, đặc biệt về mặt chính sách, về đầu tư, đào tạo, truyền thông quảng bá…
*Xin cảm ơn PGS.TS. Phạm Hồng Long!
BÍCH VÂN (thực hiện)
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2022)