Thừa Thiên Huế: Tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong phát triển du lịch
Thừa Thiên Huế từ lâu được xác định là một trong những trung tâm văn hóa du lịch của cả nước, là vùng đất có nền văn hóa, lịch sử đặc sắc của Việt Nam. Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi ở miền Trung, Thừa Thiên Huế là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch với nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên phong phú, đa dạng, nhất là có những di sản văn hóa mang tầm khu vực và thế giới, đã được UNESCO công nhận; bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp cùng hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á; hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, còn giữ khá nguyên vẹn để phát triển các loại hình du lịch, tạo nên thương hiệu của điểm đến Thừa Thiên Huế là du lịch văn hóa, du lịch khám phá di sản, du lịch lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dựa vào cộng đồng.
Để phát triển du lịch trong bối cảnh cạnh tranh chung, yêu cầu đặt ra là phải tìm ra những điểm đặc trưng, thế mạnh được tạo ra từ hoạt động đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó chính là tài sản trí tuệ, có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội và con người của mỗi địa phương. Những tài sản này, vốn là tài sản chung của cả cộng đồng, đang trở thành hàng hóa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, trở thành và tạo nên điểm khác biệt cũng như dấu hiệu nhận biết của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt dưới góc độ phát triển du lịch.
Hội thảo đã nghe các chuyên gia chia sẻ và trao đổi vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch; các mô hình khai thác tài sản trí tuệ địa phương để phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế; nâng cao giá trị sản phẩm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc khai thác tài sản trí tuệ địa phương...
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra chương trình triển lãm giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương đến người dân và du khách. Triển lãm thu hút sự tham gia của 23 đơn vị với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc như: áo dài Huế, hoa giấy Thanh Tiên, nón lá Huế, hương trầm Thủy Xuân, dầu tràm Huế, kim hoàn Kế Môn, trà cung đình Huế, trúc chỉ Huế, tranh thêu Huế... Các sản phẩm tại triển lãm đều là đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP…, đã được bảo hộ hoặc đang tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, có triển vọng phát triển mạnh.
Một trong các nhiệm vụ để đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố Du lịch sạch ASEAN, đó là xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng. Điều đó cho thấy, khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch đang là yêu cầu và xu thế chung hiện nay, nhằm tạo ra những nét đặc trưng riêng biệt, mang tính cạnh tranh cao cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Xác định được điều đó, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang hướng đến đẩy mạnh việc tạo lập, quản lý, khai thác và phát huy giá trị của tài sản trí tuệ để phát triển du lịch địa phương. Mục đích chính của triển lãm được tổ chức lần này cũng nhằm giới thiệu, quảng bá và kết nối các bên có liên quan nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Anh Minh