Vậy chúng ta cần phải làm gì, nhất là khi quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương” chỉ có giá trị phần nào, bù vào là hoạt động xúc tiến. Để quảng cáo, tiếp thị du lịch trở thành hoạt động chuyên nghiệp, tập trung, đúng tầm và đặc biệt hạn chế được sự nghèo nàn, bên cạnh việc xây dựng một chiến lược xúc tiến cụ thể ngành Du lịch Huế cần tìm ra những lợi thế so sánh về du lịch, từ đó tạo nền tảng, yếu tố để các doanh nghiệp định hướng được chiến lược xúc tiến chung.
Những lợi thế cạnh tranh của điểm đến Huế là gì?
Huế là địa phương vẫn đang nắm giữ hầu hết những kiến trúc còn khá nguyên vẹn thời phong kiến Việt Nam và đó cũng là tài sản giá trị nhất của Huế. Mặt khác, Huế sở hữu địa hình và phong cảnh thiên nhiên quyến rũ. Nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa chính là lợi thế cạnh tranh của Huế. Bên cạnh đó, nghệ thuật và triết lý ẩm thực mang đậm phong cách riêng cũng là một điểm mạnh.
Những cơ hội chính cho điểm đến Huế là gì?
Nền kinh tế đang phục hồi đã mở ra những cơ hội mới cho Huế. Du khách trong và ngoài nước đang tìm kiếm một điểm du lịch mới với những giá trị thật và khác biệt. Huế có thể đáp ứng nhu cầu của các phân khúc thị trường khác nhau. Việc tập trung vào du lịch văn hóa ở Huế là trọng điểm về văn hóa và du lịch ở miền Trung Việt Nam, sẽ là một cơ hội lớn không nên bỏ lỡ vào thời điểm này.
Điểm yếu của Huế là gì?
Hiện nay, Huế vẫn thiếu các cơ sở hạ tầng cơ bản với hệ thống đường sá, thông tin liên lạc phục vụ cho nhu cầu kết nối thuận tiện. Huế là một trong những di sản văn hóa số 1 của Việt Nam nhưng lại chưa được ưu tiên kết nối trực tiếp và dễ dàng với thế giới thông qua với các chuyến bay quốc tế.
Ngoài ra, Huế còn thiếu những tiện nghi chất lượng cho việc nghỉ ngơi và lưu trú hoặc các dịch vụ cần thiết. Huế cần có những khách sạn tiêu chuẩn cao hơn nhằm thu hút các phân khúc thị trường sang trọng, có khả năng chi trả cao, những phân khúc thị trường này đang để mắt đến các địa điểm du lịch về văn hóa.
Cuối cùng, dù Huế có một truyền thống mến khách từ lâu đời, nhưng các dịch vụ đón khách tại Huế hiện tại còn thiếu tính chuyên nghiệp.
Làm gì để công tác xúc tiến Du lịch Thừa Thiên – Huế đạt hiệu quả cao?
Để hoạt động xúc tiến quảng bá mang tính hiệu quả cao, Du lịch ThừaThiên - Huế cần thực hiện đồng bộ ba giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, quảng bá Du lịch Thừa Thiên - Huế ra thế giới bằng các phương thức quảng bá và cung cấp thông tin qua cấp lãnh đạo, các cơ quan chuyên trách, thuê công ty PR chuyên nghiệp của nước ngoài quảng bá về Du lịch Thừa Thiên - Huế.
Thứ hai, nhóm giải pháp quảng bá qua các công cụ chính. Quảng bá qua Website, E-mail nhằm giới thiệu chung về hình ảnh đất nước, con người, những cảnh quan thiên nhiên, phong tục tập quán, lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch nổi tiếng, hấp dẫn của địa phương; kết nối với chương trình giới thiệu của các doanh nghiệp du lịch, trình bày bằng nhiều ngôn ngữ, hình ảnh để khách hàng dễ dàng truy cập, nắm bắt thông tin, liên kết với nhau và với các trang web nổi tiếng như Google, MSN, infoseek,... để du khách nước ngoài dễ dàng tìm kiếm.
Thứ ba, quảng bá qua các lễ hội, sự kiện có chọn lọc trong và ngoài nước (các sự kiện thể thao lớn của khu vực, thế giới, các hội nghị của lãnh đạo cấp cao các nước: ASEM, APEC,...).
Bên cạnh những giải pháp mang tầm chiến lược trên đây, cần phải xây dựng thương hiệu riêng cho Huế, nghĩa là phải thiết kế, lên kế hoạch, truyền thông cho Huế trở thành một điểm đến danh tiếng. Cần phân tích một cách sâu sắc những vấn đề then chốt liên quan đến việc xây dựng thương hiệu và tập trung vào điểm đến Huế để giúp cho những nhà hoạch định chính sách, những người làm du lịch ở Huế xác định được những thách thức mà họ phải đối mặt và vượt qua trong tiến trình xây dựng thương hiệu cho Du lịch Thừa Thiên - Huế.
Song song với việc xây dựng thương hiệu, Huế cần quan tâm nhiều hơn tới chiến lược kết nối các thị trường, dựa trên những phân khúc thị trường sẵn có, Huế có thể chủ động xây dựng và triển khai một chiến lược kết nối thị trường du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, mở rộng và phát huy tất cả những lợi thế, tiềm năng để trở thành một điểm đến của du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm.
Một số giải pháp trong chiến lược kết nối thị trường của Huế là: mở những đường bay mới đến Phú Bài, trước mắt cần kết nối nội địa thuận tiện hơn (Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng); kết nối khu vực (Singapore, Bangkok, Hongkong); khuyến khích đường bay Charters từ các thị trường chính (Bắc Á và Âu Châu); khuyến khích đường bay giá rẻ.
Trần Viết Lực