Điều đó thể hiện qua số lượng khách đến tham quan du lịch tại Kiên Giang tăng đều qua từng năm. Nếu như năm 2005 ngành Du lịch Kiên Giang đón được 1,7 triệu lượt khách đến tham quan thì đến năm 2013 đón hơn 3,6 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 2 lần.
Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của du lịch Kiên Giang, do nhiều nguyên nhân như: Xuất phát điểm của ngành Du lịch Kiên Giang thấp, lại nằm ở xa các trung tâm du lịch lớn của cả nước; nguồn nhân lực phục vụ du lịch vừa thiếu vừa yếu; kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về kinh tế du lịch còn hạn chế... Đặc biệt, công tác xúc tiến quảng bá du lịch vẫn còn nhiều điều bất cập.
Nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của công tác xúc tiến, quảng bá còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức vẫn còn e ngại về đầu tư kinh phí và nhân lực, thời gian, sự phối kết hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trong và ngoài tỉnh chưa thường xuyên. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương cùng với các doanh nghiệp du lịch trong việc xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch thiếu nhịp nhàng, chặt chẽ.
Để công tác xúc tiến quảng bá du lịch Kiên Giang đạt được kết quả tốt góp phần đưa hình ảnh quê hương, đất nước, con người Kiên Giang đến với du khách, ngành Du lịch Kiên Giang cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Khẩn trương xây dựng và phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chính, sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch bổ trợ theo đề án "Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Kiên Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030” để quảng bá thu hút khách, giữ chân khách, làm tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch.
Đa dạng hóa hình thức, nội dung hoạt động xúc tiến du lịch, tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến hướng vào thị trường khách du lịch mục tiêu. Chuyên nghiệp hóa và triển khai theo chương trình, chiến dịch quảng bá chung của quốc gia có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo năng lực cạnh tranh vùng và khu vực.
Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, ngân sách tỉnh và nguồn vốn vay của các cơ quan viện trợ quốc tế, tận dụng khai thác nhiều hình thức đầu tư phát triển du lịch tăng nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến, chú trọng nguồn lực tài chính trong nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thu hút vốn đầu tư và cơ chế, chính sách phát triển du lịch, quan tâm đảm bảo tiến độ thực hiện xây dựng dự án cơ sở hạ tầng du lịch, các dự án đầu tư phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế chính sách xúc tiến du lịch, chủ trương cải cách hành chính về môi trường đầu tư của tỉnh. Sớm tiến hành thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch, cổng thông tin du lịch tại Phú Quốc. Phối hợp liên kết với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước mở các chuyến bay đến cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Nghiên cứu đề xuất về chính sách visa, thủ tục xuất nhập cảnh thuận lợi cho khách du lịch qua cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế.
Nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả điều hành, quản lý của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đối với công tác xúc tiến du lịch. Tư vấn, giới thiệu quảng bá hình ảnh điểm đến và kêu gọi các dự án đầu tư để đảm bảo năng lực tham gia các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền quảng bá tại các thị trường quốc tế. Nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về du lịch, tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, giới thiệu tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Tích cực phối hợp liên ngành trong hoạt động xúc tiến du lịch Kiên Giang và nâng cao chất lượng hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xúc tiến du lịch.
Đặc biệt, cần điều tra, nghiên cứu thị trường và xác định thị trường trọng điểm một cách khoa học, nghiên cứu thị trường và đánh giá khả năng tiềm lực du lịch của tỉnh để có thể lựa chọn kênh phân phối và các biện pháp xúc tiến sản phẩm, dịch vụ, điểm đến du lịch phù hợp thị trường trọng điểm đó.
Hoạt động xúc tiến du lịch cần xây dựng biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) dễ nhớ mang đặc trưng về hình ảnh tài nguyên du lịch của tỉnh, nhất là chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2016.
Sử dụng hiệu quả các công cụ xúc tiến du lịch: Xây dựng và hoàn thiện ấn phẩm, tài liệu thông tin du lịch; vận dụng linh hoạt hoạt động quảng cáo du lịch; đa dạng hóa các hình thức xúc tiến bán, nâng cao chất lượng tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm; mở rộng hoạt động quan hệ công chúng; nâng cấp, duy trì hiệu quả hoạt động quảng bá trên mạng Internet/ truyền thông tích hợp.
Với những giải pháp đó, cùng với sự ủng hộ và phối hợp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các ban ngành của địa phương và trung ương, chắc chắn du lịch Kiên Giang sẽ có những bước phát triển tốt và bền vững hơn trong tương lai.
Ánh Nguyệt