Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa và du lịch ở trung ương và các địa phương vùng Việt Bắc công bố những kêt quả nghiên cứu, cùng luận bàn, trao đổi những kinh nghiệm rút ra từ thực tế hoạt động, đề xuất giải pháp nhằm giúp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch các tỉnh trong vùng có thêm những đánh giá, nhận thức mới, tạo ra những cách làm mới đưa du lịch vùng Việt Bắc phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Ma Thị Nguyệt cho biết: trong những năm qua, các tỉnh trong vùng Việt Bắc đã đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Tuy nhiên, một số di sản bị xâm hại, xuống cấp; các di sản văn hóa nổi bật và nhiều di tích đã được xếp hạng chưa tạo được sức hút đối với du khách... khiến cho doanh thu du lịch chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế các tỉnh vùng Việt Bắc.
Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung về vị trí, vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Bắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay; thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vùng Việt Bắc; đánh giá những thành công, hạn chế trong 5 năm qua và các giải pháp tăng cường hiệu quả khai thác các giá trị văn hóa trong Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 6 - Thái Nguyên 2014; đề xuất các giải pháp cụ thể về liên kết, quảng bá xúc tiến du lịch, thị trường và sản phẩm du lịch văn hóa nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Bắc.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc, các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa; các doanh nghiệp du lịch đầu tàu cần có sự liên kết hiệu quả, kết nối tour, tuyến du lịch trong vùng, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, có sức hấp dẫn và thu hút du khách, tạo nguồn lực trở lại cho công tác bảo tồn; cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường liên kết giữa các tỉnh Việt Bắc bằng các sự kiện chung để chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” ngày càng thiết thực và hiệu quả.
PV