Thích ứng là phẩm chất, cũng là yêu cầu để du lịch phục hồi
Sự thích ứng là phẩm chất và cũng là yêu cầu của ngành Du lịch trong nhu cầu phục hồi và phát triển, bất chấp những diễn biến còn khó lường của đại dịch COVID-19.
Thực tế của ngành Du lịch thời gian gần 2 năm qua cho thấy, các chủ thể từ những người làm chính sách, nhà quản lý, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và kể cả khách du lịch đều luôn thể hiện khát vọng được gây dựng lại các hoạt động du lịch trong mọi thời điểm có thể, rất nhanh nhạy với nỗ lực thích nghi. Vấn đề được đặt ra lúc này là, du lịch cần thay đổi ra sao và cần có những kế hoạch, phương án, chính sách hỗ trợ như thế nào để có thể mở cửa an toàn trong điều kiện mới? Từ trong chính những dữ liệu nêu trên và bản chất của ngành kinh tế đặcbiệt này đã đưa ra câu trả lời: sự thích ứng.
Du lịch có phẩm chất linh hoạt và cần sử dụng phẩm chất này để phục hồi trên nền tảng một hệ thống chính sách yểm trợ đủ tốt từ Nhà nước. Cập nhật những bài học của thế giới, những thử nghiệm mới, cách làm hay của cộng đồng du lịch quốc tế và sáng tạo ra những cách thức phù hợp cho bối cảnh và điều kiện Việt Nam là tâm thế và cũng là kim chỉ nam cho du lịch được “chữa lành”.
Xúc tiến điểm đến và những thay đổi tất yếu trong điều kiện bình thường mới
Việt Nam cũng như rất nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều khoảng thời gian dài đóng cửa với du khách quốc tế. Các điểm đến hạn chế số lượng khách, thậm chí đóng cửa hoàn toàn. Thông tin về điểm đến hầu như khôngđược nhắc đến trên truyền thông đại chúng và kể cả mạng xã hội. Nếu có xuất hiện cũng chỉ là cảnh đìu hiu thông qua các phóng sự video hay ảnh nêu thông tin về ảnh hưởng của đại dịch đến vùng/khu/điểm du lịch.
Với quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trạng thái bình thường mới là trạng thái thích nghi của toàn xã hội. Bình thường mới trong hoạt động du lịch là trạng thái ngành Du lịch phải thực hiện các điều kiện mới đảm bảo an toàn trong dịch bệnh, về thay đổi thói quen tiêu dùng và nhu cầu sản phẩm để đưa du lịch hoạt động trở lại với những điều chỉnh cần thiết và linh hoạt.
Hoạt động xúc tiến không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch: các hội chợ xúc tiến điểm đến, road-show trong và ngoài nước không thực hiện được. Bài toán đặt ra là phải làm như thế nào để hoạt động xúc tiến vẫn diễn ra bình thường và đạt hiệu quả. Điều này, buộc những người làm xúc tiến điểm đến phải có cách làm mới để tiếp tục quảng bá ngay cả khi điểm đến không được mở cửa. Phổ thông nhất là quảng bá điểm đến thông qua các bài viết, các KOLs đánh giá điểm đến, các phóng sự trên truyền hình, trên báo, các live stream trực tiếp tới khán giả… Tuy nhiên, những cách này vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu khi sự lan tỏa trong cộng đồng chưa đủ mạnh và thông tin chỉ là một chiều. Giờ đây, mọi người cần tương tác với nhau hơn là nghe nói một chiều!
Du lịch thể thao và mô hình trải nghiệm khách hàng từ online tới offline
Đích đến bản chất của mọi hoạt động du lịch là trải nghiệm thực, chứ không phải ảo. Tuy nhiên, chính dịch COVID-19 đã phát huy những sáng tạo trong cách làm du lịch ở một số địa phương và hãng lữ hành. Mô hình trải nghiệm khách hàng từ online tới offline là một ví dụ cần nhân rộng. Đáng chú ý là nó được áp dụng khá mạnh mẽ và hiệu quả cho loại hình du lịch thể thao – nâng cao sức khỏe tại các điểm đến có điều kiện thiên nhiên và nhân văn phù hợp.
Mô hình trải nghiệm khách hàng từ online (trực tuyến) tới offline (trực tiếp) đang chứng minh nó là cách thức hợp thời nhất vì sử dụng công nghệ để xúc tiến và lan tỏa: Ở khía cạnh trực tuyến (online) đó là những ứng dụng như du lịch Virtual Tour 360 độ - trải nghiệm điểm đến thông qua các hình ảnh góc quay, chụp 360 độ phản ánh chân thực không gian điểm đến; trưng bày gian hàng 3D tại triển lãm du lịch ảo… Mô hình này gia tăng trải nghiệm cho du khách trong giai đoạn trực tuyến (online) và tạo sự kết nối tới điểm đến mạnh mẽ thông qua kỳ vọng được trải nghiệm thật sau khi đã có những trải nghiệm ảo nhưng có “giá trị thật”. Dựa trên công nghệ mà người tham gia dễ dàng được trải nghiệm điểm đến thông qua cách đăng ký một chương trình luyện tập thể thao (đi bộ, chạy bộ, bơi, đạp xe…). Nội dung của trải nghiệm được xây dựng tại điểm đến sẽ giúp cho người tham gia cảm nhận được việc hàng ngày họ tập luyện thể thao trên địa danh đó, họ thuộc từng ngóc ngách và cung đường được giả định (với môn chạy marathon) thông qua mô tả hoặc hình ảnh truyền thông được thực hiện. Người tham gia có thành tích tốt sẽ nhận được vật phẩm là huy chương, áo hoặc miễn vé thăm quan, tặng voucher từ nhà tài trợ. Đây sẽ là những kỷ vật về điểm đến mà người tham gia coi như một kỷ niệm đẹp và mong muốn hết dịch để được đến địa danh đó để trải nghiệm thực tế. Thông qua mô hình này, cộng đồng tham gia được tạo ra, có thể tương tác với nhau bởi vì cùng chung một giải thể thao trực tuyến. Họ có thể nói về điểm đến, lan tỏa hình ảnh tập luyện, chia sẻ với nhau về kiến thức chạy bộ, du lịch, thể thao… Đó có thể coi là một hình thức mới của du lịch thể thao.
Xúc tiến điểm đến du lịch Cát Bà với mô hình trải nghiệm khách hàng từ online tới offline
Với sự phối hợp của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) & Flamingo Cát Bà, Dự án ”Xúc tiến điểm đến qua nền tảng tổ chức thể thao trực tuyến và hướng tới tổ chức các giải thể thao và tours thể thao tới Cát Bà năm 2022” do Vplus Vietnam, Hiệp hội Du lịch Hải Phòng (HATA), UBND Huyện Cát Hải đã được thực hiện như một thí điểm cho cách làm du lịch thích ứng với bình thường mới, xúc tiến điểm đến theo một cách hoàn toàn mới. Dự án dùng chính những trải nghiệm on-off của khách du lịch tiềm năng nhằm tạo cầu du lịch, tạo cộng đồng quan tâm và dẫn hướng cho khách du lịch tới với điểm đến trong thực tế.
Dự án thực hiện thông qua các bước:
Bước 1: Tạo gói dữ liệu truyền thông, bao gồm các công đoạn tạo hình ảnh, video giới thiệu về cảnh quan thiên nhiên môi trường qua góc nhìn của người tham gia thể thao, lột tả vẻ đẹp của Cát Bà với các cảnh điểm thích hợp với các môn thể thao. Ở giai đoạn này, dữ liệu hình ảnh, video là vô cùng quan trọng. Xác lập những cảnh điểm, góc đẹp để du khách thỏa mãn thú “check-in” chính là điểm nhấn.
Bước 2: Truyền thông tới cộng đồng thể thao, tới các du khách đam mê vận động khi đi du lịch, tức là nhóm khách quan tâm đến trải nghiệm dịch vụ du lịch một cách tích cực tại điểm đến, hướng đến nhu cầu nâng cao sức khỏe.
Bước 3: Tổ chức “giải đi bộ, chạy bộ trực tuyến” trên nền tảng công nghệ VRUN.vn, một trong những nền tảng giúp thỏa mãn các yêu cầu “online” nêu trên, tạo tiền đề cho hoạt động trải nghiệm “offline” thực sự được diễn ra ở thời điểm phù hợp.
Bước 4: Tổ chức giải thể thao thật và tour thể thao thật tới Cát Bà khi dịch bệnh được kiểm soát.
Như vậy, khi thể thao – du lịch – công nghệ kết hợp với nhau sẽ đưa đến một giải pháp khai thông cho hoạt động du lịch, đảm bảo yếu tố an toàn và thích ứng linh hoạt, đồng thời cũng là một giải pháp xúc tiến thông minh, bổ sung cho những cách thức xúc tiến điểm đến thông thường một cách hiệu quả. Trên thực tế, hiệu ứng lan toả của cách làm này là khá tốt trong cộng đồng bởi trong trong lúc dịch bệnh thì ai cũng cần sức khỏe, cần công cụ giải trí và một mục tiêu phấn đấu cũng như nuôi dưỡng mong ước dịch bệnh qua đi để được đến những vùng đất mới.
TS. Trịnh Lê Anh
Nguyễn Đức Anh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)