Chủ động thích ứng
Cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều hoạt động để từng bước thích ứng, phục hồi du lịch trong tình hình mới. Đó là những giải pháp truyền thông, quảng bá, xúc tiến, tạo sự khác biệt cho sản phẩm du lịch để thu hút du khách với mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách trong năm 2022.
Là một trong những doanh nghiệp du lịch thu hút số lượng lớn du khách tham quan và trải nghiệm các dịch vụ tại Thái Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân, TP. Sông Công Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, để sẵn sàng thích ứng và tái khởi động các hoạt động du lịch theo định hướng mới, tại doanh nghiệp chúng tôi đã tiêm đầy đủ 3 mũi vắc xin; thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế; tất cả khách hàng khi đến đây đều thực hiện đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, ví dụ như khai báo y tế, quét mã QR… Về dịch vụ ăn uống, chúng tôi thực hiện đúng quy định an toàn cho du khách.
Để sẵn sàng đón khách trở lại, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên Đỗ Trọng Hiệp khẳng định, “Chúng tôi đã triển khai tuyên truyền, phổ biến thông tin cho các hội viên. 100% nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo quy định; các doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp lưu trú và các điểm du lịch phải đảm bảo cam kết khi đảm bảo an toàn thì mới phục vụ khách hàng”. Tuy nhiên, cũng theo ông Hiệp, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch, việc quảng bá, xúc tiến du lịch trong giai đoạn tiếp theo sẽ cần nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế.
Chia sẻ về các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Thái Nguyên bày tỏ, cùng với công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, Thái Nguyên đã chủ động nghiên cứu, tăng cường đưa thông tin về du lịch của tỉnh thông qua các chương trình xúc tiến du lịch, hội chợ, khảo sát và phát động thị trường. Đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng số trong việc thiết lập, quản lí và đăng tải thông tin du lịch Thái Nguyên qua facebook, youtube, tictok đã phát huy được hiệu quả, thu hút được hàng chục nghìn lượt quan tâm, theo dõi, góp phần đưa hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến gần hơn với du khách.
Cũng theo ông Luân, hàng loạt các hoạt động, giải pháp kích cầu du lịch, nhằm thu hút du khách đến Thái Nguyên sẽ được tỉnh triển khai trong thời gian tới, như phát động Tuần Văn hóa Du lịch Thái Nguyên; tham gia Hội chợ du lịch VITM Hà Nội 2022; đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực 3 (Việt Bắc - Tây Bắc); tổ chức Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 4; đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 2; tham gia Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” Hà Giang 2022; tiếp tục thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thái Nguyên với 6 tỉnh vùng Việt Bắc, với 8 tỉnh vùng Đông Bắc và TP. Hồ Chí Minh; phát động Cuộc thi thiết kế sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch Thái Nguyên; tổ chức các hoạt động nhân các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh gắn với tuyên truyền, quảng bá, kích cầu du lịch…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo để xây dựng và thực hiện các chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch theo định hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tăng cường liên kết các tỉnh phát triển xúc tiến quảng bá du lịch Thái Nguyên” – ông Luân cho hay.
Chuyển mình ấn tượng
Theo ghi nhận của phóng viên, để kịp thời thích ứng, linh hoạt trong hoạt động, ngành Du lịch Thái Nguyên cũng đã xây dựng các phương án cụ thể, bám sát tình hình thực tế. Đặc biệt, việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch cũng là một trong nhiều giải pháp hữu hiệu mà ngành Du lịch Thái Nguyên đang triển khai trong bối cảnh bình thường mới.
Ngành Du lịch đã tích cực thực hiện các công tác xúc tiến quảng bá du lịch thông qua việc thực hiện chuyển đổi số như: Cổng thông tin du lịch tích hợp bản đồ số du lịch có địa chỉ tại mythainguyen.vn; ứng dụng du lịch Thái Nguyên trên thiết bị di động thông minh (Thái Nguyên Tourism), có trên cả 2 nền tảng iOS và Android.
Hệ thống du lịch thông minh Thái Nguyên tích hợp các công nghệ mới hiện nay như công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, ảnh 360, trí tuệ nhân tạo, phát triển các tính năng như nhận diện công trình kiến trúc, trợ lý du lịch ảo, tự gợi ý lịch trình thông minh đem đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Khách du lịch có thể dễ dàng tương tác trên các thiết bị thông minh như máy tính bảng, điện thoại thông minh, tìm thông tin về du lịch Thái Nguyên một cách dễ dàng và thuận tiện theo các nội dung như lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, nơi lưu trú, giá phòng khách sạn, nhà hàng, địa điểm mua sắm, bệnh viện, bến xe, bốt ATM,... Đặc biệt, những địa điểm này đều được tích hợp với bản đồ số, giúp du khách có thể dễ dàng tìm đến các địa điểm mong muốn. Cụ thể, tại Ban quản lý di tích lịch sử Quốc gia ATK Định Hóa đã triển khai số hóa 2D toàn huyện Định Hóa, số hóa 3D triển khai ảo hóa (VR) tại khu vực 16 điểm di tích, đồng thời khu Trung tâm dịch vụ ATK Định Hóa lên bản đồ Map 4D. Địa chỉ truy cập bản đồ số 2D, 3D và VR tour 360 Di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên có tại https://atk.vimap.vn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Mai khẳng định: Thái Nguyên đang phấn đấu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, và đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Việc xây dựng hệ thống du lịch thành công là cơ sở quan trọng để từng bước xây dựng đô thị thông minh. Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại phát triển hệ sinh thái du lịch và tạo lợi ích tương tác, hỗ trợ phục vụ 3 đối tượng là du khách, chính quyền và doanh nghiệp, từ đó tạo ra sự phát triển hiệu quả và bền vững trong ngành du lịch theo xu hướng phát triển của công nghệ 4.0.
Cũng theo bà Mai, ngành Du lịch đã phối hợp với cơ quan truyền thông để thực hiện giới thiệu các điểm đến, các tiềm năng du lịch của Thái Nguyên thu hút đầu tư về lĩnh vực du lịch cũng như thúc đẩy sự phát triển về dịch vụ du lịch ở các địa phương trong toàn tỉnh. Có thể nói giải pháp du lịch số khi được thực hiện đồng bộ và hoàn thiện sẽ là bước tiến lớn của ngành Du lịch, sớm xây dựng ngành Du lịch chất lượng cao, phục vụ du khách, ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thái Nguyên.
Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên sẽ tiếp tục chuyển đổi toàn diện ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt thực hiện số hóa các dữ liệu chuyên ngành, với mục tiêu xây dựng thử nghiệm hệ thống quản lý dữ liệu du lịch, thực hiện báo cáo thống kê trên phần mềm hệ thống, tự động trích xuất tích hợp các dữ liệu từ hệ thống cổng thông tin du lịch. Trong quá trình khai thác sử dụng và vận hành hệ thống cổng thông tin du lịch sẽ tiếp tục điều chỉnh chức năng giao diện cho phù hợp.
Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch là một trong những giải pháp thể hiện tính chuyên nghiệp, năng động đồng thời tạo sự kết nối hiệu quả. Qua đó nhiều điểm đến mới hấp dẫn, những sản phẩm du lịch đặc trưng của Thái Nguyên sẽ giúp du khách có sự lựa chọn tốt nhất trong hành trình khám phá Thái Nguyên, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu đưa du lịch của tỉnh Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và phù hợp với bối cảnh mới.
Hoàng Anh